Vô tình nghe cuộc nói chuyện của dâu cả và dâu út, mẹ chồng chảy nước mắt
Ai cũng bảo bà Bân sướng nhất làng, thực ra họ không hề quá lời. Bà sinh được 7 người con, ai cũng đỗ đạt cao và trụ vững nơi thành thị đất chật người đông.
Chồng bà mất sớm, bao nhiêu tình yêu thương và lòng hiếu thảo, các con đều dành hết cho bà.
Nhưng điều khiến bà Bân hạnh phúc nhất là khi Toàn, con trai út của bà quyết định rời phố, về làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Toàn nhanh chóng khẳng định được khả năng và sức ảnh hưởng của mình, đầu tiên anh làm việc cho xã rồi nhanh chóng trở thành cán bộ huyện. Toàn yêu và kết hôn với một cô gái cùng cơ quan.
Từ ngày có cô con dâu ngoan ngoãn và khéo léo ở bên, cuộc sống của bà Bân không ngớt tiếng cười. Bà thương và chiều con dâu út không khác gì con gái.
Thậm chí, mấy cô con gái ruột của bà thi thoảng về chơi, còn nói đùa: “Mẹ quên chúng con mất rồi, suốt ngày chỉ biết đến dâu út thôi”. Bà đùa lại: “Cha bố các chị, các chị có chịu ở với tôi đâu mà nói, mỗi nó thương tôi thôi”. Nói xong, bà đưa ánh mắt long lanh về phía bếp, nơi dâu út đang thoăn thoắt đôi tay làm món nộm hoa chuối để đãi các chị chồng: “Ta thích mẹ Nhàn lắm”.
Nhàn ngoảnh lại, nhìn mẹ chồng, tít mắt: “Mẹ giỏi làm công tác tư tưởng lắm các bác ạ”. Căn biệt thự xinh xắn nơi làng quê yên bình của Toàn lại tràn ngập tiếng cười.
Vợ chồng Toàn chịu ở với mẹ già là điều may mắn đối với vợ chồng anh cả đang ở trên thành phố. Các cô con gái cũng an tâm chăm lo cho cuộc sống bên nhà chồng của họ.
Tưởng rằng cuộc sống cứ mãi êm đềm như thế, cho đến khi Toàn nhận được quyết định chuyển công tác, từ huyện lên tỉnh. Cơ quan cũng hết sức tạo điều kiện khi cho vợ anh xuống tỉnh cùng để tiện chăm sóc chồng. Đây là một nốt thăng mới trong sự nghiệp của Toàn, nhưng lại là một cú sốc lớn đối với bà Bân.
Bà đã khóc khi nghe Toàn trình bày về lý do chuyển công tác: “Không được! Anh chị không được đi đâu hết, tôi không thể ở nhà một mình được, những lúc trái gió trở trời tôi phải làm sao? Có đứa nào trên thành phố chịu về ở với tôi đâu. Thân già này sẽ chết khô một mình…”.
Nhàn xoa lưng mẹ chồng, dỗ dành: “Mẹ còn khỏe lắm, chết làm sao được. Mẹ an tâm, chúng con sẽ thuê người ở cùng mẹ, chăm sóc và chiều chuộng mẹ. Mới cả, cuối tuần bọn con vẫn về nhà với mẹ cơ mà”.
Không muốn mang tiếng ngăn cản sự thăng tiến của các con, bà Bân đành chấp nhận ở cùng người giúp việc. Bà ấy cũng là người trong làng, hiền lành và thật thà.
Có người túc trực 24/7 nhưng bà Bân vẫn thấy hoang mang tột độ, bởi giúp việc của bà nom không lấy gì làm khỏe mạnh lắm, người khô đét, nước da xám xịt. Sợ giúp việc ốm thì không còn ai chăm mình, mỗi ngày bà Bân đều rút ra tờ 10 ngàn đồng giấu dưới gối, đưa cho giúp việc, bảo: “Cô ra chợ mua quả trứng vịt lộn về đây cho tôi”.
Giúp việc sấp ngửa ra chợ mua trứng rồi mang về, bóc vỏ, bỏ vào bát, định đưa cho bà ăn thì bà lại bảo: “Trứng này là để cô tẩm bổ cho khỏe, cô ăn luôn đi”. Từ đó, ngày nào bà Bân cũng bắt giúp việc mua trứng vịt lộn về và phải ăn trước mặt bà, có như thế bà mới yên tâm rằng cô ta không mang về cho người khác.
Loan, con dâu cả đột ngột về chơi làm bà Bân ngạc nhiên: “Ơ, mẹ Loan về có việc gì thế?”. Loan thật thà: “Công ty dạo này ít việc nên con xin nghỉ một ngày không lương để về chơi với mẹ đấy ạ”.
Chứng kiến việc mẹ chồng ép giúp việc ăn trứng vịt lộn, Loan thấy thương mẹ vô cùng, cô đủ tinh ý để hiểu hết tâm ý mẹ chồng trong mỗi hành động của bà. Chưa bao giờ cô thấy thương mẹ như lúc này. Ở tuổi của mẹ, đáng lẽ phải được an tâm dưỡng già bên con cháu, đằng này,… hàng ngày mẹ lại nơm nớp sợ bị… giúp việc bỏ rơi.
Cuối tuần, Nhàn mua rất nhiều đồ ăn ngon về nhà rồi lại lăng xăng vào bếp nấu nướng. Cô chỉ muốn bù đắp lại những ngày bà Bân ở nhà một mình cùng giúp việc.
Lần này, Nhàn đã rất ngạc nhiên khi thấy Loan cũng đang lúi húi trong bếp: “Ơ, chị về lúc nào sao không nhắn cho em biết? Chị cứ để đấy, em làm cho”. Loan giả vờ trách móc: “Thím cứ làm như tôi là khách không bằng ấy”.
Nhàn còn ngạc nhiên hơn khi nghe Loan thông báo: “Thím này, chị cho giúp việc nghỉ việc rồi đấy. Chị cũng đã thanh toán lương tháng và bồi dưỡng thêm cho cô ấy. Từ nay chị sẽ về đây chăm sóc mẹ. Công việc của chị ngày càng nhàn, lương lại thấp, anh bảo chị nghỉ luôn cho khỏe, mà chị loanh quanh ở nhà cũng chán, nên quyết định về đây ở với mẹ cho mẹ an tâm. Anh cũng sắp về hưu, anh chị định tìm miếng đất trong làng, xây căn nhà nhỏ và cũng sẽ hưởng thụ tuổi già ở đây, thím ạ”.
Nghe Loan nói, nước mắt Nhàn trào ra: “Sao anh chị lại có quyết định đột ngột như thế? Đợt này bọn em bận quá nên không túc trực mẹ liên tục như trước kia. Nhưng để anh chị về đây ở hẳn thì em cũng thấy áy náy, đang trên phố quen rồi, về quê sẽ có nhiều cái bất tiện”.
Loan nắn vai, xoa dịu em dâu: “Thật ra, lâu nay anh chị mới là những người cảm thấy áy náy với vợ chồng em. Là con cả mà anh chị chưa làm tròn bổn phận của mình, vợ chồng em vất vả gần 2 chục năm rồi, giờ đã đến lúc chị thể hiện trách nhiệm của mình…”.
Nghe được cuộc đối thoại của 2 cô con dâu, bà Bân cũng chảy nước mắt vì xúc động. Chúng không phải máu mủ ruột thịt của bà nhưng lại hết mực thương yêu và thấu hiểu bà, bấy nhiêu cũng đủ khiến bà cảm thấy mãn nguyện. Bà thầm nghĩ, lúc này, nếu ông trời gọi, bà cũng đã sẵn sàng.