Vô tư đổ tôm chết, xả nước thải đen kịt ra biển Hà Tĩnh
Cả một khu vực biển ở Hà Tĩnh đang bị 'bức tử', cuộc sống người dân bị ảnh hưởng do các đơn vị nuôi tôm trên địa bàn xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên xả thải trực tiếp không qua xử lý ra môi trường.
Xả thải, xả tôm chết ra biển
Theo phản ánh của người dân thôn Phú Hòa, Bắc Hòa xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), thời gian gần đây, các đơn vị nuôi tôm trên địa bàn không đảm bảo vấn đề về môi trường khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn. Dòng nước thải từ hồ nuôi tôm chảy ra biển đen ngòm khiến vùng này như “biển chết”, đáng lo ngại hơn khi những chuyến ra khơi của ngư dân khai thác gần bờ cũng đạt sản lượng thấp.
Đặc biệt là vào thời điểm buổi chiều tối, gió hoạt động mạnh khiến mùi hôi thối từ nước thải trong hồ tôm bốc lên nồng nặc, khó chịu. Bức xúc hơn khi xác tôm chết không được thu gom xử lý mà xả thẳng ra biển.
Qua sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi có mặt tại bờ biển thôn Phú Hòa và thôn Bắc Hòa, xã Cẩm Hòa. Theo quan sát, khu vực biển này không có một bóng tàu thuyền hay người dân nào tổ chức đánh cá hay tắm biển. Tại đây, có một dòng kênh dẫn nước chảy từ đường ống ở các hồ nuôi tôm của CTy Trần Thị Lợi, Cty XD Thái Sơn, CTy Phạm Viết Châu, CTy Tam Mã 66, CTy Thành Đạt, CTy Nguyễn Hữu An, CTy Nam Định…theo nhiều đường ống ra biển.
Ở kênh này, dòng nước đen kịt, những lớp bùn đen dày đặc, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nghiêm trọng hơn là có một khối lượng lớn xác tôm chết nằm la liệt trên bờ, ngoài ra còn có những túi đựng thức ăn cho tôm vứt tại khu vực này.
Cũng tại thời điểm này, chúng tôi phát hiện có một đường ống dẫn nước thải từ lòng hồ nuôi tôm xả thải trực tiếp ra phía ngoài, từng xác tôm chết cũng từ đó trôi ra bờ biển.
“Tôm trong hồ chết đáng nhẽ phải thu gom lại để chôn lấp hay xử lý một cách triệt để tránh lây lan dịch bệnh, nhưng đây họ xả xác tôm ra vùng biển gây mùi hôi thối. Trước đây khu vực biển này dân thường xuyên ra tắm, nhưng nay bờ biển toàn bùn đen, mùi hôi thối, dòng nước thải đen kịt không ai còn giám tắm nữa”, anh Nguyễn Anh T., trú tại thôn Bắc Hòa, xã Cẩm Hòa cho biết.
Do thua lỗ nên làm sai?
Qua tìm hiểu của PV Tiền Phong, vào năm 2015, mô hình nuôi tôm trên cát được phát triển rầm rộ. Thời điểm này có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài xã đã xây dựng mô hình nuôi tôm trên địa bàn xã Cẩm Hòa. Theo thống kê, hiện nay toàn huyện có 16 đơn vị nuôi với tổng diện tích trên 100 ha. Trong đó tại xã Cẩm Hòa có 12 hộ nuôi, với diện tích gần 90 ha.
Riêng tại thôn Phú Hòa, có trên 9 hộ nuôi tôm trên cát, trung bình 3-4 hộ nuôi sẽ có chung 1 bể lắng và một đường ống dẫn nước thải từ bể lắng ra biển. Tuy nhiên, tất cả hệ thống đường ống được kết nối một cách sơ sài, có đường ống bị vỡ hẳn nhưng vẫn không được khắc phục.
Liên quan đến sự việc này, ông Trần Đình Cúc, Chủ tịch UBND xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết, việc xả thải trực tiếp ra biển đã xảy ra nhiều và chính quyền địa phương cũng phối hợp với các ngành liên quan tiến hành lập biển bản xử phạt nhưng vẫn chưa được khắc phục.
“Ban ngày họ bơm nước, ban đêm họ xả thải qua đường ống ra biển nên rất khó. Cái khó ở đây là chúng tôi không thể kiểm tra thường xuyên và ý thức chấp hành của các hộ nuôi còn kém. Nhiều lần lập biên bản xử lý rồi nhưng vẫn chưa khắc phục”, ông Cúc nói.
Ông Cúc cũng thừa nhận thực trạng tại khu vực hồ nuôi tôm nhếch nhác, ô nhiễm nhưng do thời gian này mô hình nuôi tôm kém hiệu quả, dân bỏ hoang nhiều nên quá trình lực lượng chức năng xuống kiểm tra cũng hời hợt.
“Thật ra do kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ nên khi kiểm soát anh em cũng hơi hời hợt. Nuôi tôm thua lỗ nhiều nên giờ họ làm càn như vậy. Hàng ngày họ cho ăn, sau đó đến buổi chiều tối bắt đầu nạo vét ở đáy, khi có con nào chết thì cho chảy trực tiếp ra biển...”, ông Cúc cho hay.
Theo nhận định của chủ tịch UBND xã Cẩm Hòa, khu vực xảy tôm chết, nước thải đen ngòm ra biển là nằm trong vùng nuôi tôm 53ha. Được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vào năm 2015, trong này có 7 đầu tư gồm: CTy Trần Thị Lợi, Cty XD Thái Sơn, Công ty Phạm Viết Châu, CTy Tam Mã 66, CTy Thành Đạt, CTy Nguyễn Hữu An nằm trên đường ống và cạnh đó có 2 hộ nuôi tự phát.
“Chủ yếu xả thải ra từ khu vực nuôi tôm trong vùng nuôi tôm 53 ha. Trong các hồ tôm này đa phần các xếp ở tỉnh làm. Có người bỏ hơn 1 tỷ nhưng nay đều bỏ không hết, có người mất nhà vì nuôi tôm”, ông Cúc thông tin thêm.
Một số hình ảnh PV ghi lại được: