Vô tư tụ tập câu cá trên bờ kè Trường Sa mùa dịch
Nhiều người vẫn ăn uống, câu cá vô tư trên bờ kè Trường Sa, TP.HCM.
Hàng quán đóng cửa, nhiều người mất việc, mất việc nhưng vẫn phải oằn mình gánh nợ và chấp hành hạn chế ra đường khi không cần thiết để góp phần chống dịch, đó là thực tế hiện nay. Tình hình này sẽ còn tiếp tục kéo dài chỉ vì một bộ phận nhỏ người dân thiếu ý thức phòng, chống dịch COVID-19.
1. Cách đây mấy hôm, một người dân nhắn tin báo tôi rằng rất nhiều người dân tụ tập đông ở bờ kè đường Trường Sa, phường 15, quận Bình Thạnh. “Con cô đã gọi đến 1022 báo ngay, người trực hỏi han kỹ lưỡng các thứ song tối qua vẫn y vậy. Giờ cô gọi cho báo, có lẽ hiệu quả hơn” - cô nhắn vậy.
Quan sát vài ngày mới thấy không chỉ buổi tối, mà từ tầm chiều đã đông người tụ tập. Cụ thể, chiều qua tầm 6 giờ, ghi nhận tại bờ kè Hoàng Sa đoạn cầu Bùi Hữu Nghĩa, cầu Công Lý (quận Bình Thạnh), la liệt người đứng ở đó trò chuyện, nhậu nhẹt. Người câu cá, người nhậu, người ngồi chơi… dọc cung đường này. Đa phần là những người đi câu cá và đứng xem. Lớn có, nhỏ có, trẻ con có, người già có, người mang khẩu trang, người mặc kệ, cũng có người mang thì kéo xuống tận miệng để… dễ nói chuyện bất chấp chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Hai người đàn ông tranh thủ nghỉ ngơi, bỏ cần câu mang mồi nhậu ngồi bệt xuống nền đất, khề khà.
"Chiều chưa đông đâu, tầm tối khoảng từ 6-8 giờ, chị ra khu vực này sẽ thấy ngay. Tối họ cũng câu cá, người đi dạo bộ tập thể dục tụ lại nói chuyện. Tui nói lỡ mà có ai bị nhiễm dịch thì không biết cách ly xã hội tới bao giờ" - một người dân cho biết.
Không chỉ dọc cung đường này, chạy qua những điểm khác như dọc bờ sông Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cũng trong tình trạng tương tự.
Hôm nay là ngày 8-4, ngày thứ 8 trong chặng đường 15 ngày cách ly toàn xã hội. Rất nhiều người đã rơi vào tình trạng thất nghiệp, mất công ăn việc làm, bị giảm lương, hàng ngàn quán hàng phải đóng cửa… trong khi vẫn phải chịu chi phí mặt bằng, oằn mình gánh nợ hằng ngày.
“Tôi mua xe góp ngân hàng mà tình hình này không biết sau 15 ngày có thể chạy được không, tiền ngân hàng thì phải gồng hằng tháng” - một bạn đọc đã bình luận dưới bài viết của PLO như vậy. Đó không chỉ là thực trạng của riêng anh mà còn là tình hình chung của hàng ngàn tài xế, nhân viên dịch vụ khác.
2. Chợt nhớ câu chuyện của một chủ tiệm ăn vặt trên đường Phạm Văn Đồng. Từ khi biết dịch bệnh hoành hành, có chỉ thị của Thủ tướng, gia đình bác chấp nhận doanh thu giảm sút nặng, chỉ bán online. Lý do là bởi: “Dịch COVID-19 ảnh hưởng tới tất cả mọi người chứ đâu phải mỗi mình chúng tôi. Nhưng làm vậy để tránh tập trung đông người, vừa bảo vệ khách hàng vừa bảo vệ chúng tôi. Lời ít đi thì có sao, miễn COVID-19 không lây lan là được. Dịch bệnh qua rồi, muốn buôn bán lại lúc nào chẳng được, cô hén".
Vậy mà đây đó thỉnh thoảng vẫn có những người thiếu ý thức, vẫn tụ tập, không mang khẩu trang khi ra nơi công cộng, trốn cách ly, khai báo y tế vòng vo gian dối…
Tại phiên họp mới đây của Thường trực Chính phủ, đại diện Bộ Y tế đã đề nghị tiếp tục xem xét hiệu quả của cách ly xã hội, sẽ tùy tình hình thực tế đề nghị kéo dài đến hết tháng 4. Nghỉ hết tháng 4, thậm chí còn nghỉ dài nữa nếu còn những con người thiếu ý thức như vậy.
Sức người có hạn, các y bác sĩ cũng mệt rồi, có nhiều người đã hai tháng trời họ không được về nhà; có những chiến sĩ biên phòng đã ròng rã hai tháng trời ngủ trong lán trại tạm bợ, cha mất không thể về thắp hương; đám cưới phải hoãn, hủy…
Không ý thức lúc này thì đợi tới bao giờ?
Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/vo-tu-tu-tap-cau-ca-tren-bo-ke-truong-sa-mua-dich-904070.html