Với AID, Indonesia tăng ảnh hưởng ngoại giao hay 'né' chỉ trích quốc tế?
Việc Indonesia thành lập quỹ chuyên trách viện trợ nước ngoài, tập trung vào các nước khu vực Thái Bình Dương đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng nước này lợi dụng viện trợ để xoa dịu những chỉ trích của quốc tế liên quan đến vấn đề độc lập của Papua.
Phó Tổng thống Jusuf Kalla (giữa) cùng các quan chức Indonesia trả lời câu hỏi của phóng viên về việc thành lập Cơ quan Phát triển Quốc tế của Indonesia. (Nguồn: Jakarta Post)
Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia và Bộ Tài chính Indonesia vừa mới thành lập Cơ quan Phát triển Quốc tế (AID) của Indonesia. Với ngân sách ban đầu khoảng 212 triệu USD, AID sẽ viện trợ một số quốc gia nhỏ để phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề tị nạn, xung đột sắc tộc… Theo Phó Tổng thống Jusuf Kalla, "đây là bước đi rất quan trọng" bởi "nền kinh tế của chúng ta tiếp tục mở rộng. Chúng ta hiện là một phần của G20. Chúng ta cần phải giúp đỡ các quốc gia khác".
60 triệu USD mỗi năm
AID ra mắt trong bối cảnh Jakarta đang vấp phải chỉ trích của quốc tế liên quan đến cáo buộc của người dân Papua cho rằng cảnh sát đã lạm dụng bạo lực đối với người biểu tình. Thậm chí, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9 ở New York, một số quốc gia Thái Bình Dương đã kêu gọi cần phải có một cuộc điều tra làm rõ cáo buộc này.
Phủ nhận việc thành lập AID là nhằm xoa dịu những chỉ trích quốc tế, ông Cecep Herawan – Tổng Giám đốc Thông tin và Ngoại giao Công chúng, Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định, việc thành lập cơ quan này không liên quan gì đến vấn đề độc lập ở Papua. Ý tưởng thành lập một cơ quan chuyên trách về viện trợ cho các quốc gia được hình thành từ 2016, rất lâu trước khi tình trạng bất ổn lan rộng, châm ngòi cho các cuộc kêu gọi độc lập ở Papua.
Trong năm nay, Indonesia đã cấp viện trợ cho 5 quốc gia Thái Bình Dương gồm Nauru, Tuvalu, Quần đảo Solomon, Kiribati và Fiji để giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và 2 quốc gia ngoài khu vực này là Myanmar và Philippines.
Ông Herawan cho biết, các nước thuộc Thái Bình Dương và Nam Á sẽ là ưu tiên trong chương trình viện trợ của Indonesia, một phần trong chiến lược “đưa các quốc gia trong khu vực xích lại gần nhau hơn” của Indonesia.
Trong buổi lễ ra mắt, Chính phủ Indonesia đã công bố kế hoạch sẽ dành khoảng 1 tỷ USD vào AID vào năm 2021. Hàng năm, nước này sẽ viện trợ khoảng 60 triệu USD cho các quốc gia nghèo ở khu vực Thái Bình Dương.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Indonesia có hơn 72 triệu người trong tổng số gần 270 triệu người vẫn sống dưới mức nghèo khổ. Hàng năm, Indonesia vẫn nhận viện trợ từ Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Mỹ, Singapore và WB. Năm 2019, Indonesia là quốc gia nhận viện trợ lớn thứ 2 trong danh sách viện trợ của Australia.
Việc Indonesia viện trợ cho các quốc gia khu vực Thái Bình Dương đặt ra câu hỏi, liệu Indonesia có nên tập trung trước hết vào việc nâng cao mức sống của người dân, đặc biệt là người dân nghèo ở khu vực nông thôn?
Công cụ ngoại giao quý giá
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho rằng AID giúp gia tăng sự tham gia của Indonesia trong thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. (Nguồn: AFP)
Phát biểu trong buổi lễ ra mắt, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi khẳng định: “AID là một công cụ quý giá cho ngoại giao Indonesia mà chúng tôi có thể sử dụng để tăng sức ảnh hưởng trên trường quốc tế”.
Bà Retno cho biết, AID sẽ cung cấp viện trợ cho các nước nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, thảm họa thiên nhiên, khủng hoảng nhân đạo… Bằng cách đó, nền kinh tế G20 có thể các nước khác giúp giảm nghèo đói và bất bình đẳng. “Việc này sẽ làm gia tăng sự tham gia của Indonesia trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc”.
Trong năm tới, khi quỹ này đạt 283 triệu USD, Chính phủ Trung ương sẽ trao quyền quản lý và quyết định quốc gia nào sẽ nhận viện trợ từ AID cho Bộ Ngoại giao. “Điều đó sẽ giúp vị thế ngoại giao Indonesia ngày càng được củng cố”, ông Herewan nhấn mạnh.
Các cơ quan giám sát Chính phủ cho rằng, việc thành lập Quỹ này có thể giúp Indonesia giành được thiện cảm của một số quốc gia trong khu vực. Theo ông Andreas Harsono – một nhà nghiên cứu cao cấp về Theo dõi Nhân quyền cho rằng, Indonesia có “toan tính” trong việc thành lập Quỹ AID và tập trung viện trợ cho các nước Thái Bình Dương.
“Thật khó để tin rằng AID được thành lập không nhằm mục đích ‘lôi kéo’ thiện cảm của các nước trong khu vực Thái Bình Dương”, ông nói.
Bằng chứng là vào tháng trước, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Solomon, Nauru và Tuvalu là ba quốc gia đã lên tiếng phủ nhận lại những gì đã xảy ra tại Papua. Thật trùng hợp, trước đó, ba quốc gia này đã nhận viện trợ từ Indonesia.
Tuy nhiên, ông Andreas Harsono nhấn mạnh, dù Indonesia có thể giành ảnh hưởng với một số quốc gia Thái Bình Dương, nhưng chính quyền các quốc gia này cũng cần phải có những động thái giúp xoa dịu người dân khi tình trạng bạo lực, phân biệt sắc tộc, hủy hoại môi trường ở Papua diễn ra mạnh mẽ.
“Chúng ta sẽ thấy AID hiệu quả như thế nào đối với các chương trình nghị sự của Indonesia”, ông nói thêm.
Giáo sư Hikmahanto Juwana, Đại học Indonesia đánh giá: “Nếu nhìn vào Trung Quốc, họ đã thành công trong việc dùng các chương trình viện trợ quốc tế để giành ảnh hưởng tại khu vực, phục vụ cho chương trình nghị sự về chính trị và đối ngoại của họ. Indonesia sẽ phải bắt đầu và đi một chặng đường dài để có thể thành công như Trung Quốc”.
Chuyên gia quan hệ quốc tế này nói thêm, Trung Quốc và Ấn Độ cũng từng là những nhà tài trợ trong khi vẫn nhận viện trợ.
Không loại trừ khả năng tranh cãi trong việc Indonesia viện trợ cho các nước Thái Bình Dương. Tuy nhiên, theo Giáo sư Juwana, nếu Indonesia thật sự giúp các nước này phát triển, mang lại lợi ích cho người dân, thì những tranh cãi đó sẽ được chấm dứt.