Voi biểu diễn ở Thái Lan - nỗi đau đằng sau trò tiêu khiển
Thế giới của Kluay Homu là bê tông và dây xích. Nó đứng trên những chất bẩn của chính mình, bị xích chặt ở mắt cá chân, đôi mắt màu chì buồn bã và cái đầu nặng trĩu.
Nỗi buồn của voi
Kluay Homu nghiêng người qua lại, chuyển động như chiếc máy đếm nhịp theo một vòng lặp không đổi.
Đó là một ngày nóng, ánh sáng chiếu vào chuồng hắt lên cái bóng tiều tụy của một con voi non. Đôi chân của Kluay Hom bị vặn xoắn và tinh thần của nó thì dường như đang sụp đổ. Nó mới chỉ 8 hoặc 9 tuổi.
Trong những bãi quây liền kề, bốn con voi khác dồn chân bước qua bước qua lại, một triệu chứng điển hình của sự căng thẳng ở động vật bị giam cầm. Đây là những "ngôi sao" của Trang trại - Sở thú Cá sấu Samutprakan, nhưng chúng thường được giam giữ tránh xa ánh mắt của công chúng khi không biểu diễn.
Vườn thú, nằm ngay phía Nam Bangkok, là một di tích của quá khứ, những thứ giống như đã bị thời gian nuốt chửng ở nhiều quốc gia. Nhưng không phải ở Thái Lan.
Đó là một nơi mà tinh tinh ngồi trong chuồng mặc quần áo và tã lót của con người, là nơi một con hổ lờ đờ đi vòng tròn tại chỗ, vật lộn chống lại sợi xích trên cổ. Du khách có thể xem cá sấu bị trêu chọc trong những hồ nước xanh đục trước khi ăn súp thịt cá sấu tại một nhà hàng gần đó.
Dưới cái nóng gay gắt gần 40 độ, một bộ tứ tượng biểu diễn được mặc trang phục với chiếc ruy băng vàng và mũ đội đầu màu đỏ tươi. Khi bản nhạc "Gangnam Style" phát qua hệ thống loa, những con voi thực hiện một loạt các trò: Đứng trên hai chân sau, ném phi tiêu vào bóng bay, đá bóng và vẽ bằng vòi. Đây là một trong bảy show diễn mà chúng phải lặp lại trong suốt cả ngày.
Người huấn luyện voi - được gọi là mahout - luôn đứng gần. Chọc và gây áp lực. Họ giấu những mảnh kim loại nhọn trong lòng bàn tay. Móc và móng sắt là những công cụ phổ biến để kỷ luật những con voi biểu diễn, sử dụng nỗi đau để huấn luyện và kiểm soát. Khi được liên lạc bởi CNA, giám đốc quản lý của cơ sở đã từ chối bình luận về cách những con voi được đối xử ở đó.
Trong khi đó, du khách dường như rất thích những màn trình diễn của voi, họ nhét tiền vào vòi của chúng khi buổi diễn kết thúc và tạo dáng chụp ảnh bên dưới thân hình đồ sộ của con vật. Nhiều du khách du lịch khác sẵn sàng trả tiền để cưỡi những chú voi.
Đó là một ngày điển hình tại các điểm tham quan voi trên đất nước Thái Lan. Bất chấp các chiến dịch vận động rộng lớn nhằm chấm dứt các hoạt động như vậy, các công ty chủ chốt trong ngành kinh doanh thú biểu diễn đã nói với kênh CNA (Singapore) rằng họ tin hoạt động này đang phổ biến hơn bao giờ hết.
Ngành công nghiệp động vật tiêu khiển
Ước tính có khoảng 4.400 con voi ở Thái Lan. Hơn một nửa số chúng đang làm việc trong ngành du lịch - một con số vẫn đang gia tăng. Trong khoảng thời gian 5 năm trở lại, số lượng voi được sử dụng trong ngành du lịch tăng 30%, theo báo cáo năm 2017 của tổ chức bảo vệ động vật "Protection for Animal".
Voi trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch sau khi Chính phủ Thái Lan cấm khai thác gỗ vào năm 1989. Cho đến lúc đó, voi vẫn được sử dụng để kéo gỗ qua rừng rậm. Sau lệnh cấm khai thác gỗ, du khách đến Thái Lan đã được trải nghiệm cưỡi voi và cuối cùng là những màn biểu diễn giống như ở rạp xiếc khi chủ nhân của chúng tìm kiếm những cách mới để thu lợi nhuận.
Cuối cùng, cái chết của một ngành công nghiệp này đã dẫn đến ra đời một ngành công nghiệp khác.
Ngày nay ở Thái Lan, có hàng chục điểm tham quan voi trong các vườn thú, tại các trại cưỡi ngựa, trong các khu bảo tồn và trên nhiều bãi biển. Khách du lịch, từ trong nước và nước ngoài, tiếp tục trả tiền để tương tác với voi trong nhiều môi trường khác nhau - nơi thì phúc lợi động vật là ưu tiên, những nơi khác ít quan trọng hơn.
Ngành công nghiệp voi chưa được quản lý chặt chẽ và các doanh nghiệp du lịch đã hoạt động mà không có bất kỳ sự kiểm soát chính thức nào trong nhiều thập kỷ. Các tiêu chuẩn cấm đối xử tàn ác với động vật chỉ mới được chính thức hóa gần đây - luật đầu tiên đi vào hoạt động vào cuối năm 2014 – nhưng còn mơ hồ và khó thực thi.
Những tiêu chuẩn phúc lợi tại trại voi vẫn chỉ là tự nguyện. Việc kiểm tra diễn ra lẻ tẻ, hình phạt có thể là tối đa hai năm tù hoặc phạt tiền 1.300 USD, trong khi trách nhiệm duy trì các tiêu chuẩn cũng như quản lý về sử dụng voi do ba bộ khác nhau giám sát.
“Luật còn chưa hoàn chỉnh", ông Somchuan Ratanamungklanon, Cục phó Cục Chăn nuôi Thái Lan cho biết. “Chúng tôi xem xét từng trường hợp, liệu con voi có khỏe mạnh về thể chất, khỏe mạnh về mặt cảm xúc hay căng thẳng. Nhưng chỉ khi sự tàn ác là rõ ràng - như ai đó đã bắn một con voi hoặc làm tổn thương con vật - thì hành động pháp lý mới có thể được thực hiện ngay lập tức”, ông nói.
Sangdeaun Lek Chailert, nhà sáng lập Công viên Voi Tự nhiên, nhà hoạt động phúc lợi động vật hàng đầu ở Thái Lan, cho biết nhiều năm nay cô và những người khác đã biết về trường hợp con voi Kluay Hom ở vườn thú Samutprakan. Chính phủ cử người đến kiểm tra, Cục Động vật hoang dã, bác sĩ thú y, họ đã lên đó rồi cười nói rằng ‘không có gì sai”. “Thành thật mà nói, phúc lợi động vật ở Thái Lan là không có tiêu chuẩn. Nếu những người này vẫn nghĩ điều đó là đúng, thì con vật không có hy vọng gì ở đất nước này”, Lek bất bình.
Nỗ lực giải cứu voi
Các nhóm hoạt động bảo vệ động vật đã thất vọng nặng nề khi những nỗ lực cứu voi gặp nạn hoặc bị lạm dụng biểu diễn trở nên vô ích khi đối mặt với các quy định hạn chế.
Tại Vườn thú Phuket, chú voi “Dumbo” đã trở nên gầy yếu một cách đau đớn trước khi chết. Tổ chức "Moving Animals" đã tổ chức một chiến dịch ký đơn kêu gọi trả tự do cho Dumbo hồi tháng 4/2019, thu hút được 200.000 chữ ký online trong không đầy 3 tuần. Lá đơn khiến nhà chức trách đến vườn thú điều tra nhưng con voi qua đời chỉ vài tuần sau đó.
Dumbo bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, và đã chết ở bệnh viện trong tình trạng yếu kiệt sức, gẫy chân sau. Bất chấp sức khỏe rất yếu, chú ta vẫn bị buộc phải tham gia các show hàng ngày ở vườn thú.
Không cứu được Dumbo, nhưng chiến dịch giải cứu chú voi non Kluay Hom của "Moving Animals" cuối cùng đã thành công. Chú ta đã được đưa khỏi vườn thú Samutprakan để tới nơi ở mới tại Công viên Voi Thiên nhiên gần Chiang Mai. Hầu hết những con voi được đưa đến đây đều đã già, yếu, mù mắt. Nhiều con chỉ sống thêm được vài tuần. Còn với chú voi non Kluay Hom, đây như là một sự tái sinh. Chú ta có thể sẽ sống 70 năm tiếp theo tại nơi đây.
Việc tân Bộ trưởng Môi trường Varawut Silpa-archa gần đây được bổ nhiệm đã dấy lên tia hy vọng nhữn cải cách có thể được triển khai trong ngành công nghiệp khai thác voi truyền thống của Thái Lan. “Chúng ta cần phải chăm sóc chúng như một biểu tượng của đất nước chúng ta. Tất cả các hình thức tra tấn, huấn luyện, làm xiếc và tất cả mọi thứ, cần phải được dừng lại và tôi sẽ chắc chắn rằng nó sẽ nằm trong chương trình hành động hàng đầu của tôi”, ông bộ trưởng nói với CNA.