Với châu Âu, Iran đang bước qua 'ranh giới đỏ'

Việc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân, thách thức Mỹ và phớt lờ những nỗ lực ngoại giao đang khiến các nhà trung gian hòa giải châu Âu 'lắc đầu' trong tuyệt vọng.

Tổng thống Pháp đã có cuộc điện đàm thuyết phục Iran. (Nguồn: AP)

Nỗ lực vô vọng

Trong hơn một năm qua, các nước châu Âu đã giữ cân bằng giữa Washington và Tehran khi tìm cách duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, dưới sức ép từ cả hai phía và cố gắng tránh "chọc tức" bất cứ bên nào. Nhưng tới đây mọi chuyện có thể vượt quá sức chịu đựng khi châu Âu đang cố gắng trong vô vọng để duy trì thỏa thuận hạt nhân trong khi Iran ngày càng có các động thái vi phạm.

Sau khi Iran thông báo hôm 8/7 rằng họ đã vượt cấp độ làm giàu urani cho phép theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 - lần thứ hai vi phạm thỏa thuận chỉ trong một tuần, các nhà ngoại giao châu Âu đã tự gia hạn thêm một tuần nữa để kêu gọi Tehran trở lại tuân thủ thỏa thuận này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã dành hơn một giờ để điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm 6/7, đã cử cố vấn ngoại giao hàng đầu của mình tới Tehran để tiếp tục đàm phán.

Những cố gắng của châu Âu có thể sớm chấm dứt khi Pháp, Anh và Đức coi việc vượt cấp độ làm giàu uranium là "ranh giới đỏ" sẽ khiến họ có ít mục tiêu lựa chọn thay thế để bắt đầu quá trình tái áp đặt các biện pháp trừng phạt và chấm dứt thỏa thuận hạt nhân. Việc xua đuổi các thanh sát viên quốc tế hay việc lắp đặt thêm các máy ly tâm cũng sẽ là tác nhân dẫn đến các lệnh trừng phạt. Các nước châu Âu vốn đã bị Tổng thống Trump liên tục lên án trong nhiều năm qua về mức ngân sách dành cho quốc phòng quá thấp cũng lo ngại rằng Mỹ có thể tấn công mạnh mẽ các công ty đa quốc gia của châu Âu hoặc trả đũa nếu họ tiếp tục làm ăn với Iran. Nhưng châu Âu vẫn "giận" Washington vì đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hồi năm ngoái. Do đó, châu Âu không có động lực để ký các lệnh trừng phạt mới.

"Chúng tôi đã kêu gọi Iran không thực hiện thêm các biện pháp có thể làm suy yếu thỏa thuận hạt nhân", phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) Maja Kocijancic cho biết hôm 8/7. "Hiện tại, chúng tôi rất mong muốn Iran dừng lại và đảo ngược mọi hoạt động không phù hợp với các cam kết đã đưa ra". Châu Âu đang chạy đua với thời gian để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).

Ellie Geranmayeh, một chuyên gia về chương trình phát triển hạt nhân của Iran thuộc Hội đồng Đối ngoại châu Âu cho biết: "Châu Âu đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp an toàn, mềm mỏng nhất có thể, trước khi xảy ra kịch bản tiến thoái lưỡng nan, đó là JCPOA bị sụp đổ và một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng của Mỹ hoặc Israel vào Iran". "Những hành động của Iran từ trước đến nay đã được xử lý và tính toán rất kỹ lưỡng", chuyên gia Geranmayeh nhận định.

Hôm 8/7, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã nhắc lại rằng Mỹ cam kết duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời khẳng định chính quyền Trump sẽ "không bao giờ cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân".

Khi các nỗ lực ngoại giao đổ vỡ, rất có thể là một cuộc chiến tranh. (Nguồn: news-intrest)

Nhà hòa giải giàu năng lượng

Không có nhà lãnh đạo châu Âu nào dành nhiều năng lượng cho việc ổn định tình hình Iran như Tổng thống Pháp Macron, người đã vận động Trump (không thành công) duy trì thỏa thuận hạt nhân vào mùa Xuân 2018 và cũng là người đối thoại chính của châu Âu hồi cuối tuần qua, khi Tehran báo trước các hành động không tuân thủ thỏa thuận mới nhất của họ. Trong cuộc điện đàm hôm 6/7 với Rouhani, ông Macron đã cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Iran rằng, cùng với các đồng minh châu Âu, ông vẫn cam kết với thỏa thuận này.

Trong ngắn hạn, con đường ngoại giao đã tạo ra một chút khác biệt. Iran cho biết, họ hiện đang làm giàu uranium với độ tinh khiết 4,5% - thấp hơn mức 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân hoặc mức 20% mà một số nhà quan sát lo ngại, nhưng đủ vượt quá mức giới hạn 3,67% để cho thấy thái độ không hài lòng của Iran.

Châu Âu không muốn đối đầu quá mức với Mỹ vì họ phụ thuộc vào Washington để đảm bảo an ninh chống lại Nga và các mối đe dọa khác. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng không vội vàng kích hoạt điều khoản giải quyết tranh chấp trong thỏa thuận hạt nhân mà cuối cùng có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt. Họ tuyên bố thực tế là Iran tiếp tục tuân thủ thỏa thuận trong hơn một năm sau khi Mỹ rút lui ra là một dấu hiệu cho thấy vẫn có thể có cách để cứu vãn thỏa thuận đó.

Điều đó có thể thay đổi nếu Iran chấm dứt thỏa thuận này. Sau đó, châu Âu tuyên bố, họ sẽ có ít sự lựa chọn ngoài việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, phối hợp với Mỹ trừng phạt Iran dù không mấy vui vẻ.

Nếu châu Âu chính thức "gắn mác" vi phạm thỏa thuận cho Iran, họ sẽ có khoảng một tháng để đàm phán thêm trước khi có bất cứ lệnh trừng phạt quan trọng nào có thể được áp dụng. "Thực tế, chúng tôi đã hy vọng rằng bằng cách đóng vai trò trung gian, chúng tôi sẽ tác động lên Iran và thúc đẩy họ hành động hợp lý nhất có thể trong bối cảnh hiện nay. Theo một cách nào đó, nguy cơ chiến tranh đang gia tăng và khả năng ngăn chặn nó đang hoàn toàn biến mất", Dominique Moïsi, người tư vấn chính sách đối ngoại của ông Macron chia sẻ.

Thu Hiền

(theo Washington Post)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/voi-chau-au-iran-dang-buoc-qua-ranh-gioi-do-97296.html