Với HLV Philippe Troussier, tất cả mới chỉ bắt đầu
SEA Games 32 là giải đấu chính thức đầu tiên của HLV Philippe Troussier, tức chỉ 2 tháng sau khi được bổ nhiệm. Đó là khoảng thời gian rất ngắn trong dự án dài hạn hướng đến World Cup 2026 mà chiến lược gia người Pháp được chỉ định làm kiến trúc sư.
Có một bầu không khí quen thuộc vào những ngày này, khi SEA Games 32 tới gần. Đó là câu chuyện về mục tiêu giành Vàng của U22 Việt Nam, về cách phân chia hạt giống (dù chủ nhà Campuchia được xếp vào nhóm hạt giống số một là lẽ dĩ nhiên), và về cuộc đụng độ sớm với Thái Lan. Rõ ràng, dù cơn khát huy chương Vàng đã được giải từ lâu và bóng đá Việt Nam bắt đầu hướng đến những mục tiêu lớn lao, như Asian Cup hay thậm chí là World Cup, đấu trường khu vực SEA Games vẫn đóng vai trò quan trọng.
Tuy nhiên, SEA Games có phải thước đo thành công của HLV hay nền bóng đá hay không thì cần phải xem xét. Việc giành 2 huy chương Vàng liên tiếp (2019, 2021) không có nghĩa Việt Nam vượt qua Thái Lan, hoặc người Thái tụt lại phía sau. Bằng chứng là xứ Chùa Vàng vẫn vô địch AFF Cup trong 2 kỳ gần nhất. Như Việt Nam, họ cũng đang hướng đến World Cup 2026.
Vì vậy không nhất thiết phải gây áp lực lên HLV Philippe Troussier. Mặc dù chiến lược gia người Pháp tuyên bố tới SEA Games 32 để giành huy chương Vàng, nhưng trong trường hợp không thể hiện thực hóa mục tiêu, đó chưa hẳn là thất bại. HLV Troussier được bổ nhiệm cho kế hoạch giành vé tới World Cup được tổ chức ở Mỹ, Canada và Mexico, không phải để xưng hùng ở Đông Nam Á. Mới chính thức nắm đội hơn 1 tháng, mọi thứ mới chỉ bắt đầu.
Người hâm mộ có lý do để lo lắng về những thống kê buồn tẻ tại Doha Cup, khi U23 Việt Nam thua cả 3 trận, xếp thứ 10/10 đội, không ghi bàn nào nhưng lại nhận tới 7 bàn thua. Thế nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng từng màn trình diễn, có thể thấy sự tiến bộ qua mỗi trận. Rõ nét nhất là trận cuối với Kyrgyzstan, các cầu thủ U23 Việt Nam đã cung cấp cái nhìn thoáng qua về thứ bóng đá HLV Troussier muốn triển khai. Đó là lối chơi kiểm soát bóng, pressing tầm cao, trực diện và triển khai bóng có mục đích.
Vấn đề là triết lý này không dễ thành hiện thực. Nó đòi hỏi rất nhiều thời gian để các cầu thủ có thể hiểu rõ hệ thống, các ý tưởng và nhiệm vụ xuyên suốt. Sau đó là sự đồng bộ giữa các vị trí, trước khi trở thành một cỗ máy luân chuyển bóng nhịp nhàng, hiệu quả. Điều quan trọng khác, nó đòi hỏi nền tảng thể lực sung mãn, cho phép các cầu thủ di chuyển không ngừng, duy trì áp lực lớn lên đối thủ trong một thời gian dài. Mà thể lực luôn là vấn đề lớn của cầu thủ Việt Nam, thứ bộc lộ rõ không chỉ với các trận đấu cấp châu lục mà ngay cả khu vực Đông Nam Á (như những lần gặp Thái Lan gần đây).
“Tại SEA Games 32, chúng tôi dành sự tôn trọng cho cả 4 đội bóng cùng bảng và sẽ tập trung giành kết quả tốt nhất từng trận. Bất luận kết quả bốc thăm và danh tính đối thủ, chúng tôi vẫn sẽ bước vào giải đấu với tư cách của đội đương kim vô địch, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ vị trí ấy”.
HLV Philippe Troussier
“Làm bóng đá đâu phải như ốp một quả trứng, đập một phát chín ngay, mà cần quá trình lâu dài”, HLV Troussier nói sau Doha Cup. Một khi chúng ta đặt niềm tin vào người từng 2 lần dự World Cup, với Nam Phi năm 1998 và Nhật Bản 2002, điều duy nhất nên làm là kiên nhẫn.
Nên nhớ “Phù thủy trắng” được biết đến là người hùng dân tộc của Nhật Bản khi đưa “Samurai xanh” vào vòng 1/8 World Cup 2002, nhưng vào những ngày đầu, ông phải sống trong cơn bão chỉ trích. Ở giải đấu đầu tiên cùng tuyển Nhật (Copa America 1999), HLV Troussier và học trò bị loại ngay sau vòng bảng với vỏn vẹn 1 điểm kiếm được, ghi 3 bàn và thủng lưới 8. Phong cách cứng rắn, không thỏa hiệp và triết lý bóng đá mới mẻ càng khiến dư luận Nhật nổi sóng.
Sự “cứng đầu” của HLV Troussier đã thắng thế, và kết quả sau cùng khiến thái độ của xứ sở Mặt trời mọc đảo ngược. Đồng thời LĐBĐ Nhật xoa tay hài lòng vì kiên định với mục tiêu hướng đến, bỏ qua những lời phàn nàn trên suốt hành trình.
Muốn theo chân người Nhật, chúng ta cần nhẫn nại như họ đã từng. Và hãy coi SEA Games 32 là một phần của kế hoạch, thay vì coi đó là cơ hội để phán xét và hoài nghi.