Với HLV Troussier, U.19 Việt Nam sẽ thắng Nhật Bản?
Trong 5 lần liên tiếp vượt qua vòng loại Giải U.19 châu Á 8 năm qua, chỉ có 2 lần đội tuyển U.19 Việt Nam lấy vé đến vòng chung kết bằng ngôi đầu bảng. Oanh liệt nhất là ở vòng loại Giải U.19 châu Á 2014 tại Malaysia, đội tuyển U.19 chúng ta với gần như toàn bộ lứa khóa I Học viện HAGL Arsenal JMG đã có chiến thắng chấn động 5-1 trước Australia (Công Phượng lập cú đúp, 3 bàn còn lại của Thanh Tùng, Văn Toàn, Văn Sơn) để đứng đầu bảng một cách thuyết phục.
Ở vòng loại Giải U.19 châu Á 2020 năm nay, dù là chủ nhà nhưng với việc có sự hiện diện của U.19 Nhật Bản, nền bóng đá đã có tới 7 lần vào chung kết sân chơi này, là nhà vô địch năm 2016 và đương kim hạng ba, U.19 Việt Nam chỉ đặt mục tiêu là một trong 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Tuy nhiên, với sự quá chênh lệch ở nhiều bảng (như ở bảng G, U.19 Thái Lan “hủy diệt” Brunei 9-0, thắng “kinh hoàng” Đảo quốc Northern Mariana 21-0, đội nhì bảng này sau 2 lượt trận là Malaysia đã có 6 điểm với hiệu số +12) và bảng A đến tận ngày 22-11 tới mới khởi tranh (đã có kết quả toàn bộ, đội nhì bảng sẽ biết cần làm gì để đoạt vé); nên để tránh “đêm dài lắm mộng”, đảm bảo chắc chắn suất đến Uzbekistan, đội U.19 Việt Nam phải giành ngôi đầu.
Tại sao không dám nghĩ đến chiến thắng trong trận “chung kết” với U.19 Nhật Bản vào tối mai 10-11 (19 giờ, BĐTV, VTC3 trực tiếp) khi bóng đá trẻ Việt Nam vừa lần đầu tiên “xóa dớp” trước Nhật Bản với việc đội U.21 tuyển chọn đánh bại Sinh viên Nhật Bản (vô địch sinh viên thế giới) 2-0 trong trận chung kết Giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên? Đặc biệt, U.19 Việt Nam lại đang được dẫn dắt bởi “phù thủy trắng” Philippe Troussier, người rất am hiểu bóng đá xứ Phù tang. Trong 4 năm làm việc (1998-2002) ở đây, HLV người Pháp không chỉ đưa đội tuyển quốc gia Nhật Bản vào vòng 16 đội World Cup 2002 mà với bóng đá trẻ còn giành chức á quân World Cup U.20 năm 1999, đội Olympic vào tứ kết Thế vận hội Sydney 2000.
Hãy chờ xem phép thuật của “phù thủy”!