Với người Ai Cập cổ, Cleopatra không phải phụ nữ đẹp nhất

Hơn thế, dưới con mắt những người tuân theo giáo lý đạo Hồi, tư cách của Cleopatra có nhiều điều đáng chê trách...

Cuối cùng, vào buổi xế chiều của cuộc đời, tôi cũng được đặt chân lên bờ sông Nil. Con sông dài nhất thế giới. Những hạt phù sa của nó đã kiến tạo nên một cái nôi văn minh cổ nhất, rực rỡ nhất của loài người.

Nhiều năm qua, tôi đã chịu khó đọc không ít sách báo viết về các Kim tự tháp Ai Cập; càng đọc càng thấy mình như lạc vào mê cung. Dù sao văn chương cũng làm sống lại ít nhiều sự háo hức thuở ấu thơ tưởng đã thui chột theo quá trình chất chồng của tuổi tác.

Vừa đến nơi, chân ướt chân ráo, tôi nói với anh bạn đang giữ trọng trách tại sứ quán ta ở Cairo: “Xin phép anh, sáng mai tôi đi xem các Kim tự tháp”.

- Vâng, để tôi cùng đi với các anh. - Anh bạn tôi thủng thỉnh.

- Ai lại dám phiền anh đến thế! Các anh chị giúp cho một chuyến xe hơi, thế là quý quá rồi.

Nhà ngoại giao tủm tỉm nụ cười kín đáo và lịch thiệp:

- Không hề gì. Mai là ngày nghỉ cuối tuần mà. Tôi cùng đi. Bản thân tôi cũng muốn thư giãn một chút.

Hôm sau đến nơi, tôi mới hiểu nhã ý thâm trầm của anh bạn.

 Tượng nhân sư ở Giza. Nguồn: danviet.

Tượng nhân sư ở Giza. Nguồn: danviet.

Bầu trời Ai Cập trong veo. Và nắng thì khỏi phải nói, rực rỡ như tôi chưa từng được thấy ở đâu khác. Nhiệt độ ngoài trời khá cao, song gió từ sa mạc thổi tới thoáng mát chứ không oi nồng như tôi hằng tưởng. Chiếc xe vừa đỗ xịch, chưa ai kịp bước ra ngoài thì đã thấy đông người xúm đến mời chào. Mời cưỡi lạc đà, mời mua vật kỷ niệm... Ríu ra ríu rít, giá cả đủ loại:

- Một đôla, năm đôla, hai mươi đôla... OK? OK?

Bạn tôi không đáp một ai, đảo mắt nhìn quanh. Chợt một người nhận ra anh, vội vàng bước tới. Một người đàn ông cao lớn, khuôn mặt phương phi mang làn râu mép tỉa tót, ăn mặc chẳng giống ai - có nghĩa không phải áo thun, quần bò phổ biến nơi đây, mà là một chiếc áo choàng trắng dài bén gót, lộng gió sa mạc phập phồng theo bước chân lúc nào cũng khoan thai của một bậc đàn anh chính cống, cho dù đang lúc vội vàng. Anh nở nụ cười tươi như hoa, miệng xuýt xoa: “Excellency, Excellency”. […]

Sau một chặng đường vừa đủ cho người cưỡi cảm nhận thế nào là sự ngật ngưỡng trên lưng con lạc đà dưới nắng gió sa mạc, để tự hình dung mình là một hiệp sĩ hay là một nhân vật quan trọng trong đoàn thương gia bán buôn xuyên sa mạc thời Trung đại và Cận đại, và cũng là khoảng thời gian vừa đủ để nhờ bạn bè kịp chụp cho dăm pô ảnh kỷ niệm, sau một tiếng ậm ừ phát ra từ cổ họng Ahmed (để tỏ lòng ưu ái người bạn của His Excellency, Ahmed đã hạ cố thân hành dắt con lạc đà tôi cưỡi trên), cỗ xe sa mạc bằng thịt bằng xương chậm chạp quay đầu, đủng đỉnh trở về nơi xuất phát.

Và không chờ thêm lệnh, đến nơi, nó tự động quỳ xuống (làm cho tôi một lần nữa phải bíu chặt cái yên), ngoan ngoãn nằm chờ. Đầu và cổ con vật ườn dài đặt sát mặt đất. Người cưỡi có thể thản nhiên dẫm lên cái cổ dài và sần sùi của nó như bước lên các bậc cấp để xuống đến mặt đất, mặt cát sa mạc thì đúng hơn. […]

 Tạo hình Cleopatra trong phim sản xuất năm 1963 với sự tham gia diễn xuất của minh tinh Elizabeth Taylor. Nguồn: denofgeek.

Tạo hình Cleopatra trong phim sản xuất năm 1963 với sự tham gia diễn xuất của minh tinh Elizabeth Taylor. Nguồn: denofgeek.

Ven con đường cái, ở những điểm dừng xe để đi bộ đến gần chân tòa kim tự tháp đồ sộ nhất và bức tượng khổng lồ tạc con sư tử mang đầu người trứ danh (tiếc là đã vỡ mất không biết từ bao giờ cái mũi khắc trên mặt tượng, người ta vẫn bảo là đẹp như sống mũi của Hoàng hậu Cleopatra trong lịch sử nước Ai Cập), có những chiếc lán sơ sài, có khi chỉ đặt một cái bàn, bày bán những vật kỷ niệm: tranh vẽ tay trên giấy papyrus sản xuất thủ công theo lối lưu truyền từ đời thượng cổ, những chiếc lọ con có niêm phong đựng một nắm cát gin lấy đúng ở chân tượng Nhân sư, nhiều loại hàng thủ công bằng đồng khá đẹp với giá cả phải chăng, cùng cơ man tượng nhỏ bắt chước đồ cổ hoặc tạc bằng đá hoặc đúc giả đồng đen.

Phổ biến nhất và lớn bé đủ cỡ là tượng bán thân một phụ nữ có cái cổ thon thả rất cao và khuôn mặt thanh tú, đầu đội vương miện.

- Nàng Cleopatra đây chăng?

Anh bạn tôi cười:

- Không phải. Đây là tượng Hoàng hậu Nefertiti, bạn đời của Hoàng đế Ramses II, một người phụ nữ có công lớn trong lịch sử Ai Cập thời Cổ đại. Đối với người Ai Cập, Cleopatra chẳng là gì. Hơn thế, dưới con mắt những người tuân theo giáo lý đạo Hồi, tư cách của người đẹp ấy có nhiều điều đáng chê trách...

Một điều ngộ nhận khá phổ biến ở nhiều nước là, hễ nói đến mỹ nhân Ai Cập, người ta lại nghĩ đến nàng Cleopatra. Có lẽ tại lịch sử Ai Cập (và cả lịch sử các nước Syria, Macedonia) thời Cổ đại có nhiều bà hoàng tài sắc khác cùng mang cái tên phổ cập là Cleopatra chăng? Cũng có thể do tác động của quá nhiều tác phẩm điện ảnh, kịch trường, văn học lấy đề tài và cảm hứng từ người phụ nữ tài danh ấy.

Chao ôi, tôi đã thưa ở trên, lịch sử văn minh Ai Cập đối với một người nước ngoài bình thường như tôi, vượt rất xa khỏi tầm hình dung trong đầu óc. Thành thực chào thua. Cổ đại ư? Tuyệt nhiên không đồng nghĩa với “một thời đại” dài chừng dăm, bảy trăm năm, thậm chí một nghìn năm như thông thường đối với lịch sử các quốc gia khác.

Riêng một khái niệm Pharaon (hoàng đế Ai Cập thời cổ, nhiều vị được ướp xác và táng trong các Kim tự tháp huyền bí kia) gồm những ông hoàng, bà chúa của ba mươi mốt triều đại liên tục. Ba mươi mốt triều đại, tôi xin phép lặp lại.

Theo những gì các nhà khoa học ngày nay phanh phui ra được qua các lớp dày cát bụi thời gian, triều đại Pharaon đầu tiên khởi nguyên từ năm 3100 trước Kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, ta quen gọi là Công nguyên (Công giáo).

Và các Hoàng đế Pharaon oai phong rực rỡ kia chỉ chịu chấm dứt quyền uy tuyệt đối của họ khi đất nước suy vi vào năm 332 (trước CN), đúng một năm sau khi đạo quân tinh nhuệ của Alexandre Đại đế tiến vào lãnh thổ Ai Cập, đất nước rộng lớn và hùng cường từng qua mấy nghìn năm có một không hai này chỉ còn được coi là một tỉnh ngang hàng mọi tỉnh gần xa của Đế chế La Mã mà thôi.

Nói cách khác, các triều đại Pharaon kế tiếp nhau đã làm nên lịch sử một nước Ai Cập cổ đại trong một “khoảnh khắc thời gian” ngắn ngủi chừng… 2.768 năm - gần hai mươi tám thế kỷ!

Mà đâu có phải tất cả các Pharaon đều được mai táng trong các Kim tự tháp ở nước này. Cái “mốt” ấy mới phát sinh từ triều đại thứ III, và sẽ kết thúc vào triều đại thứ VI của bao triều đại Ai Cập cổ đại, tức là chỉ trong vòng năm trăm năm.

Theo những gì người ta biết được, đến nay (2004), trên đất nước Ai Cập đã phát hiện được 107 Kim tự tháp lớn nhỏ. Hầu hết đều được xây dựng ở bờ tây dòng Nil Sông Mẹ. Nhiều cái nay chỉ còn lại một đống đá vụn vùi lấp dưới cát sa mạc.

Ấy thế mà hiện nay, hàng ngày vẫn có những đoàn khảo cổ lang thang trên biển cát nóng, cần mẫn tìm tòi, đào bới, với hy vọng phát hiện thêm nơi chôn cất một Pharaon bị lịch sử lãng quên ở một góc nào đó đang kiên nhẫn chờ đợi người đời sau đưa lên ánh sáng mặt trời, để cho ngài hoàng đế từng bao nhiêu năm yên nghỉ trong đó kịp hưởng thụ ánh sáng văn minh thời toàn cầu hóa qua các camera và máy chụp hình của khách du đến từ năm lục địa.

Phan Quang / Đông A & NXB Văn học

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/voi-nguoi-ai-cap-co-cleopatra-khong-phai-phu-nu-dep-nhat-post1345093.html