Với số phiếu áp đảo, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm TikTok
Trong cuộc họp ngày 13.3, Hạ viện Mỹ đã thông qua với số phiếu áp đảo một dự luật buộc ByteDance, công ty mẹ của TikTok, phải thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng nếu không TikTok sẽ bị cấm trên các nền tảng ở nước này.
Dự luật được các nhà lập pháp Mỹ thông qua với tỷ lệ 352 phiếu ủng hộ và 65 phiếu chống, động thái hiếm hoi cho thấy sự đoàn kết của lưỡng đảng ở Washington. Cụ thể, dự luật “Bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát” yêu cầu công ty ByteDance phải có các biện pháp để từ bỏ quyền kiểm soát ứng dụng TikTok trong vòng 180 ngày, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm khỏi các cửa hàng ứng dụng Apple và Google ở Mỹ.
Sau khi được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển tới Thượng viện, nơi số phận của văn bản này vẫn chưa chắc chắn. Một số thượng nghị sĩ muốn có cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn thay vì ra tối hậu thư cho một ứng dụng phổ biến có tới 170 triệu người dùng tại Mỹ.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer đã không đưa ra một tuyên bố chắc chắn về việc ủng hộ dự luật, trong khi Rand Paul của Đảng Cộng hòa cho biết ông sẽ ngăn chặn các nỗ lực nhất trí thông qua dự luật.
Tuần trước, Nhà Trắng cũng tuyên bố Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sẵn sàng ký ban hành thành luật nếu dự luật này được cả hai viện thông qua, mặc dù dự luật này có thể sẽ phải đối mặt với kiện tụng ngay cả khi nó trở thành luật. Những nỗ lực trước đây nhằm hạn chế TikTok từ năm 2020, đã bị đình trệ hoặc bị tòa án chặn lại.
Phản ứng với cuộc bỏ phiếu hôm 13.3, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Chúng tôi hy vọng Thượng viện sẽ hành động và giải quyết vấn đề này thật nhanh chóng”.
Dự luật được lãnh đạo Ủy ban Hạ viện về Trung Quốc giới thiệu vào ngày 5.3 và đã được Ủy ban Năng lượng và thương mại của Hạ viện thông qua tuần trước với số phiếu tuyệt đối.
Đây được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với ứng dụng chia sẻ video TikTok, vốn đã trở nên phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, do những cáo buộc về vi phạm quyền sở hữu và lạm dụng dữ liệu người dùng. Trong khi đó, phía TikTok đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc trên.