Voi Thái Lan 'suy sụp' vì du lịch bùng nổ

Những chú voi con ở Thái phải trải qua quá trình bị bạo hành mọi mặt trước khi được bán cho các cơ sở du lịch đội lốt 'khu bảo tồn' và phải phục vụ du khách để kiếm tiền cho chủ.

Bị tách khỏi mẹ từ nhỏ, bị quản tượng chọc đinh nhọn vào đầu, và đôi khi bị bỏ đói - rất nhiều chú voi non Thái Lan phải trải qua quá trình bị bạo hành nặng nề trước khi bị bán để phục vụ trong ngành du lịch đầy lợi nhuận ở nước này.

Đứng bằng 2 chân sau, chú voi Ploy 2 tuổi phải giữ một quả bóng bằng vòi và đưa nó qua một cái vòng. Đây là một trong số những bài biểu diễn mà Ploy phải học ở Ban Ta Klang, một làng quản tượng truyền thống tại tỉnh Surin miền bắc Thái Lan.

Quản tượng Charin đang dậy chú voi Ploy - 2 tuổi - diễn trò đi bằng hai chân sau. Ảnh: AFP.

Quản tượng Charin đang dậy chú voi Ploy - 2 tuổi - diễn trò đi bằng hai chân sau. Ảnh: AFP.

Ngành kinh doanh đầy lợi nhuận

Tại nơi này, những con voi non sẽ bị thuần phục bằng bạo lực và sự sợ hãi, để chúng ngoan ngoãn phục vụ hàng chục triệu du khách đến Thái Lan mỗi năm, giúp họ có được những cái "like" trên mạng xã hội.

Người dân làng Ban Ta Klang, những người đã có truyền thống làm quản tượng trong hàng thế hệ, cho rằng việc thuần phục voi là cần thiết để đảm bảo an toàn, và họ không bao giờ sử dụng các biện pháp bạo lực quá mức cần thiết.

"Chúng tôi không nuôi dưỡng để rồi làm đau chúng... nếu chúng không cứng đầu, chúng tôi sẽ chẳng làm gì hết", Charin, một quản tượng ở làng, cho biết, vừa nói vừa xoa đầu Ploy. Anh cũng nói rằng mình coi Ploy như một thành viên trong gia đình.

Charin kiếm được khoảng 350 USD mỗi tháng cho công việc này, nghề mà cả ông nội và cha anh đều làm.

"Tôi luôn sống cùng chúng", Charin nói.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì quyền động vật cho rằng kỹ thuật thuần phục voi non, bao gồm việc tách chúng khỏi những con voi mẹ đầy tình cảm khi mới lên hai, là quá tàn nhẫn và cổ hủ.

Đây cũng là khía cạnh ít được nhắc tới, và hầu hết khách du lịch, thậm chí là những người tổ chức tour du lịch, không hề hay biết.

Chính phủ Thái Lan cấm khai thác gỗ tự nhiên từ hàng chục năm trước, và kể từ đó những con voi cũng không còn được sử dụng trong ngành công nghiệp này. Nghề quản tượng bị đe dọa và họ bắt buộc phải chuyển sang việc thuần hóa voi để phục vụ ngành du lịch đang bùng nổ.

Một con voi đã thuần hóa có giá lên tới 80.000 USD, và để bán được hàng, các quản tượng sẽ phải bỏ rất nhiều thời gian dạy dỗ và ép buộc những con voi non học cách diễn trò.

Tại thành phố du lịch Chiang Mai có một địa điểm nổi tiếng ở phía bắc - công viên Mae Taeng - nơi khách du lịch phải bỏ ra 50 USD để mua vé vào cửa. Nhiều người muốn đến để xem Suda, một con voi cái nổi tiếng với khả năng dùng vòi để vẽ tranh phong cảnh. Du khách có thể mua các tác phẩm của Suda với giá 150 USD trước khi bước lên lưng voi và được chở qua những ngọn đồi.

Mặc dù ngày càng có nhiều du khách nhận thức được những gì các con voi phải trải qua, công viên Mae Taeng vẫn đón khoảng 5.000 người mỗi ngày.

Nhiều cơ sở cũng tự đổi tên thành "khu bảo tồn" hoặc "trung tâm cứu hộ voi" để lấy thiện cảm của du khách, và cấm các hoạt động biểu diễn cũng như cưỡi voi. Thay vào đó du khách được khuyến khích cho voi ăn, vuốt ve và tắm cho chúng.

Thế nhưng theo ý kiến của giới chuyên gia, những hoạt động như vậy vẫn có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của voi.

"Tắm cho voi thường là hoạt động gây stress cho chúng, đặc biệt là khi phải làm điều đó với một nhóm du khách đang hưng phấn", ông Jan Schmidt-Burbach đến từ tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới (WAP) chia sẻ với AFP.

Hơn một nửa số lượng voi Thái Lan phải sống trong môi trường nuôi nhốt, và có rất ít các khu du lịch đảm bảo điều kiện sinh sống cho voi. Ảnh: New York Times.

Hơn một nửa số lượng voi Thái Lan phải sống trong môi trường nuôi nhốt, và có rất ít các khu du lịch đảm bảo điều kiện sinh sống cho voi. Ảnh: New York Times.

"Tốt nhất là để con voi tự quyết định xem nó muốn tắm bằng cách nào, và yêu cầu khách du lịch lùi lại, quan sát từ xa và tận hưởng khoảnh khắc đó mà không làm phiền chúng", ông Schmidt-Burbach nhận định.

Nhưng như vậy có thể là chưa đủ.

Nhiều nhà bảo vệ động vật cảnh báo những con voi thường bị đối xử như tù nhân khi chuyến tham quan kết thúc và khách du lịch ra về. Một số trường hợp voi bị xích chân, bỏ đói lâu ngày và phải ngủ trên sàn bê tông, ngay ở những cơ sở tự nhận mình là khu bảo tồn voi.

Du lịch có đạo đức

Trong số 220 công viên voi trên khắp Thái Lan, mặc dù nhiều cơ sở cam kết du lịch có đạo đức, chỉ có khoảng hơn chục cơ sở là thực hiện đúng lời hứa và cung cấp điều kiện sống phù hợp cho những con voi, theo WAP.

WAP cũng đang làm việc với ChangChill, một cơ sở nhỏ ở Chiang Mai, nằm kẹp giữa con sông và cánh đồng ruộng bậc thang.

ChangChill đã thay đổi cách tiếp cận, cung cấp cho các con voi nhiều không gian hơn, ít tương tác hơn và tái tạo một môi trường sống gần với thiên nhiên hơn cho chúng.

Ông Supakorn Thanaseth, giám đốc trung tâm, cho biết: "Chúng tôi không bắt ép chúng phải làm những gì ngược với bản năng của chúng".

Và kết quả, theo ông Supakorn, những con voi ít bị ốm hơn, và cũng bình tĩnh hơn, ít bị kích động.

Nguy cơ tai nạn với du khách đã giảm khi các con voi không bị căng thẳng. Tuy nhiên quản tượng vẫn mang theo một chiếc đinh sắt để chích vào đầu voi, trong trường hợp khẩn cấp.

ChangChill hy vọng sẽ có lãi trong mùa cao điểm du lịch hiện tại, nhưng họ chỉ tiếp nhận tối đa khoảng 40 du khách mỗi ngày với 6 con voi của mình. Cơ sở cho biết đây là một phần trong kế hoạch đặt các con vật lên hàng đầu, thay vì lợi nhuận.

Tuy nhiên con số này là rất nhỏ so với 4.000 con voi nhà hiện tại ở Thái Lan. Chính quyền không muốn tái thả chúng về môi trường tự nhiên, như khuyến cáo của một số tổ chức phi chính phủ, do thiếu không gian sống tự nhiên, và khả năng xung đột với con người.

Nhiều người nhận định cách tốt hơn hết là cải thiện các tiêu chuẩn dành cho voi nhà trong môi trường nuôi nhốt. Nhưng có rất ít các động lực để siết chặt các quy định này trong ngành du lịch Thái Lan, vốn đón tới 38 triệu lượt khách vào năm ngoái.

Thong Bai từng xuất hiện trong một quảng cáo bia nổi tiếng ở Thái Lan. Hiện nó đang bị xích chân tại làng Ban Ta Klang. Ảnh: National Geographic.

Thong Bai từng xuất hiện trong một quảng cáo bia nổi tiếng ở Thái Lan. Hiện nó đang bị xích chân tại làng Ban Ta Klang. Ảnh: National Geographic.

Một ủy ban bao gồm các hiệp hội bảo vệ động vật đã đệ trình các khuyến nghị cho chính phủ vào năm ngoái, nhằm khuyến khích các biện pháp bảo vệ tốt hơn cho những con voi bị giam cầm.

Nhưng theo nhà hoạt động Sovaida Salwala đến từ tổ chức Những người bạn của Voi châu Á, bên giúp soạn thảo khuyến nghị, các yêu cầu này "tới nay vẫn chưa được đáp lại".

Trên thực tế, có một số bằng chứng cho thấy tình hình đang trở nên tệ hơn.

Ông Schmidt-Burbach cho biết nghiên cứu của WAP vào cuối năm 2015 cho thấy có khoảng 1.771 con voi nhà ở Thái Lan có điều kiện nuôi nhốt không đảm bảo.

"Số những con voi phải sống trong điều kiện nghèo nàn tăng thêm 357 cá thể so với nghiên cứu năm 2010 của chúng tôi", ông cho biết.

Sơn Trần
(theo AFP)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/voi-thai-lan-suy-sup-vi-du-lich-bung-no-post1029083.html