'Với trí tuệ nhân tạo, chúng ta phải đương đầu và tiếp cận'

'Với trí tuệ nhân tạo, chúng ta phải đương đầu và tiếp cận với vấn đề của thế giới. Nếu chúng ta không nhập cuộc sẽ đứng ngoài cuộc chơi nhưng đảm bảo hai yếu tố' - Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.

Đơn đăng ký sở hữu trí tuệ tăng đột biến sau dịch Covid-19

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, giải pháp hữu ích tăng đột biến, gây tồn đơn kéo dài, tại họp báo thường kỳ quý 1/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chiều 10/4, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cho biết, trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế chậm lại thì riêng lĩnh vực sở hữu công nghiệp lại có tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký sáng chế, nhãn hiệu liên tục tăng.

Năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận 156.413 đơn các loại (tăng 11% so với 2022), trong đó gồm 84.753 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 8,5%)...

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ

Cục Sở hữu Trí tuệ xử lý được 125.778 đơn các loại, trong đó có 74.130 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (tăng 13,2% so với năm 2022) và 51.648 đơn/yêu cầu khác (tăng 6,6%); cấp 36.977 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại (giảm 12,5% so với năm 2022).

3 tháng đầu năm 2024 tốc độ tăng trưởng với đơn đăng ký sáng chế là 13%, đơn đăng ký nhãn hiệu tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đứng trước số lượng đơn đăng ký cao, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết, Cục Sở hữu Trí tuệ đã thực hiện nhiều biện pháp đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn. Năm 2023 nhận được hơn 150.000 đơn các loại, trong đó hơn một nửa là đơn đăng ký độc quyền sở hữu trí tuệ. Đơn giản, hợp lý hóa quy trình nội bộ để tăng tốc xử lý đơn, tổ chức lại bộ máy, tách các đơn vị sự nghiệp để có thể sử dụng cơ chế của đơn vị sự nghiệp để giải quyết các vướng mắc, tránh tình trạng ùn ứ đơn quá nhiều, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Cục đã sử dụng biện pháp kỹ thuật, huy động nguồn nhân lực, mở hệ thống làm việc từ xa, cán bộ tăng cường làm việc ngoài giờ hành chính. Cục Sở hữu Trí tuệ sẽ áp dụng công nghệ thông tin vào tiếp nhận và xử lý đơn, trước tháng 6 sẽ vận hành hệ thống để thuận tiện cho người nộp.

“3 tháng đầu năm, Cục Sở hữu Trí tuệ đã xử lý được gần 20.000 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ. Tốc độ xử lý này cao hơn số đơn được nộp nên hy vọng thời gian tới, tình trạng tồn đơn sẽ được giải quyết triệt để”, ông Nguyễn Văn Bảy cho hay.

Hoàn thiện hành lang pháp lý để phát triển trí tuệ nhân tạo

Thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; Tập trung hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi). Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa...

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ tại họp báo

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang chia sẻ tại họp báo

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang, riêng về lĩnh vực phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thời gian qua, các bộ, ngành đã vào cuộc trong việc xây dựng các văn bản hành lang, từng bước tạo điều kiện có sự hỗ trợ lĩnh vực này.

“Chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước trong các luật, nghị quyết, quyết định, nghị định,... có nhiều nội dung nhắc đến trí tuệ nhân tạo. Nhưng có 2 quyết định cụ thể và “trực diện” là Quyết định số 127 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chiến lược Quốc gia nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 và Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Quốc gia phát triển Kinh tế Số và Xã hội Số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh.

Để triển khai những nội dung này, Bộ KH&CN đã bắt tay vào cuộc triển khai những nhiệm vụ lớn như hỗ trợ nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ công nghiệp 4.0 trong đó có trí tuệ nhân tạo.

“Một chương trình lớn khác là nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển Chính phủ Số và Đô thị thông minh cũng liên quan tới trí tuệ nhân tạo. "Hai tiêu chuẩn liên quan tới trí tuệ nhân tạo cũng đang được bộ triển khai đó là các khái niệm trí tuệ nhân tạo liên quan tới công nghệ thông tin và tổng quan về tính đáng tin cậy trong trí tuệ nhân tạo liên quan tới công nghệ trong trí tuệ nhân tạo”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết thêm.

“Với trí tuệ nhân tạo, chúng ta phải đương đầu và tiếp cận với vấn đề của thế giới. Nếu chúng ta không nhập cuộc sẽ đứng ngoài cuộc chơi nhưng đảm bảo hai yếu tố: Một mặt xây dựng hành lang thông thoáng đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc nghiên cứu phát triển ứng dụng vào đời sống kinh tế xã hội, thúc đẩy kinh tế xã hội kinh tế phát triển. Nhưng mặt trái của AI, đặc biệt một số nước đi trước chúng ta đã nghiên cứu, kiến nghị và có kinh nghiệm để làm sao triển khai đảm bảo quy định cho trí tuệ nhân tạo và có thể nói chúng ta phải triển khai làm sao có trách nhiệm, phù hợp với thực tiễn, văn hóa Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/voi-tri-tue-nhan-tao-chung-ta-phai-duong-dau-va-tiep-can-post1088245.vov