Vốn bổ sung vào nền kinh tế quý I/2025 tăng gấp đôi

Trong 3 tháng đầu năm 2025, nền kinh tế ghi nhận dòng vốn bổ sung mạnh mẽ khi tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng gần 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin và quy mô đầu tư của doanh nghiệp đang dần khởi sắc trở lại.

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong quý I/2025, cả nước có 36.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn gần 356.800 tỷ đồng, dù số lượng giảm nhẹ 4%, nhưng tổng vốn tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn bình quân mỗi doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,8 tỷ đồng, tăng 5,5%.

Đáng chú ý, có tới 36.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng vọt 54,8%, kéo tổng số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường trong quý I lên 72.900 doanh nghiệp, tăng 18,6% so với cùng kỳ 2024. Tính trung bình, mỗi tháng có hơn 24.300 doanh nghiệp thành lập hoặc hoạt động trở lại.

Phân theo khu vực kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm ưu thế với gần 27.500 doanh nghiệp mới, dù giảm 3,3%. Ngành công nghiệp - xây dựng có gần 8.600 doanh nghiệp, giảm 5,9%, còn nông, lâm, thủy sản chỉ có 329 doanh nghiệp, giảm 12,5%.

Riêng tháng 3/2025, cả nước ghi nhận 15.600 doanh nghiệp mới với tổng vốn 126.300 tỷ đồng, tăng mạnh 54,2% về số lượng nhưng giảm 7,4% về vốn so với tháng trước. Tuy nhiên, mức vốn bình quân chỉ đạt 8,1 tỷ đồng/doanh nghiệp, giảm gần 40% so với tháng 2.

Cùng thời điểm, 9.100 doanh nghiệp quay lại thị trường, tăng 29,3% so với tháng trước và gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2024.

Dù nhiều tín hiệu tích cực, nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao. Trong tháng 3/2025, có 4.392 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 23,6%; 4.899 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 64,9%; và 2.137 doanh nghiệp hoàn tất giải thể, tăng 23% so với tháng trước và tới 54,4% so với cùng kỳ.

Tính chung quý I/2025, có 61.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 15,1%; gần 11.500 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 26,1%); và 5.900 doanh nghiệp đã giải thể (tăng 23%). Trung bình, mỗi tháng có gần 26.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Một số ngành chủ lực ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy dẫn đầu với 12.628 doanh nghiệp, nhưng giảm tới 17,2% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể trong lĩnh vực này là 2.199, tăng 20,2%.

Ngành xây dựng cũng cho thấy dấu hiệu suy yếu, với 3.512 doanh nghiệp đăng ký mới, giảm 16,1%, trong khi số doanh nghiệp giải thể tăng 17,4%.

Ngược lại, ngành chế biến - chế tạo có tín hiệu khả quan khi thu hút 4.675 doanh nghiệp mới, tăng 3,4%; song số doanh nghiệp giải thể vẫn tăng 24,1%.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường biến động, bà Phí Thị Hương Nga - Trưởng ban Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Cục Thống kê) cho biết, cần thúc đẩy mạnh mẽ mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số, thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh sáng tạo.

Chính phủ cần có chính sách đột phá nhằm thu hút chuyên gia trong và ngoài nước tham gia phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực như chế biến – chế tạo, bán lẻ, du lịch, logistics.

Trong năm 2025, Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát và loại bỏ các rào cản không cần thiết, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp gia nhập và hoạt động trên thị trường.

Hưng Nhật

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/von-bo-sung-vao-nen-kinh-te-quy-i-2025-tang-gap-doi-317139.html