Vốn chính sách hỗ trợ người dân tái đàn lợn

Tại tỉnh ta, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, UBND tỉnh đã công bố hết dịch ở tất cả các huyện, thành phố. Với giá thịt lợn hiện tại khá cao, trong khi đó nhu cầu tái đàn của người dân vô cùng lớn. Tuy nhiên nguồn lợn giống khan hiếm nên giá lợn giống cũng bị đẩy cao, chưa kể các chi phí khác trong khi người chăn nuôi đa phần đã đuối vốn sau dịch. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Tại tỉnh ta, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế, UBND tỉnh đã công bố hết dịch ở tất cả các huyện, thành phố. Với giá thịt lợn hiện tại khá cao, trong khi đó nhu cầu tái đàn của người dân vô cùng lớn. Tuy nhiên nguồn lợn giống khan hiếm nên giá lợn giống cũng bị đẩy cao, chưa kể các chi phí khác trong khi người chăn nuôi đa phần đã đuối vốn sau dịch. Do đó, nguồn vốn ưu đãi từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đã kịp thời giải quyết cơn “khát vốn” đầu tư tái đàn lợn của bà con, tạo động lực giúp phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả, bền vững.

Chị Trần Thị Len ở xóm 4 kiểm tra sức khỏe đàn lợn con sau khi tái đàn từ nguồn vốn ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng.

Tính đến ngày 30-4-2020, dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn của Ngân hàng CSXH tỉnh là 517,4 tỷ đồng. Phần lớn các món vay đều có thời hạn trung và dài hạn, tập trung chủ yếu ở các cá nhân, hộ gia đình. Do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, dư nợ bị thiệt hại của các hộ vay vốn là 127,6 tỷ đồng. Để hỗ trợ người chăn nuôi lợn, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tập trung cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các hộ vay, đồng thời đẩy mạnh giải ngân cho vay mới đối với các hộ có nhu cầu tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi. Đồng chí Phạm Thị Hương, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Tại huyện Nghĩa Hưng, dịch tả lợn châu Phi đã làm cho 3.751 hộ nuôi lợn bị thiệt hại với tổng số lợn phải tiêu hủy là 1.976 tấn. Tổng số tiền Nhà nước đã hỗ trợ cho các hộ bị dịch bệnh là 73 tỷ đồng. Đối với các hộ vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện, có 554 hộ bị thiệt hại với số dư nợ thiệt hại là 19,4 tỷ đồng. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã và đang được Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ vay vốn ưu đãi để đầu tư tái đàn lợn. Tổng số hộ đã được vay vốn để tái đàn đến thời điểm 30-4-2020 của huyện Nghĩa Hưng là 528 hộ với tổng số tiền cho vay là 26,7 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng nguồn vốn cho vay của Phòng giao dịch. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay mức cao từ 50 đến 70 triệu đồng để đầu tư tái đàn lợn”.

Chúng tôi cùng cán bộ tín dụng huyện về xã Nghĩa Tân chia sẻ niềm vui có vốn tái đàn lợn với các hộ chăn nuôi. Chị Vũ Thị Đông ở xóm 7, cho biết: “Dịch tả lợn châu Phi vừa qua, gia đình tôi phải tiêu hủy 11 con lợn, thiệt hại gần 100 triệu đồng nên đến lúc tỉnh công bố hết dịch, giá lợn giống lên cao từ 2,5-3 triệu đồng/con giống, gia đình cũng không còn vốn để mua con giống tái đàn”. Được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn, chị Đông đã được vay 48 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư 3 con lợn nái. 6 tháng chăm chỉ chăm sóc kết hợp vệ sinh chuồng trại, khử trùng đều đặn hàng tuần; đến nay, đàn lợn của chị đã tăng thêm 19 con lợn con, bước đầu tái đàn thành công. Chị Mai Thị Dần, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Tân cho biết, ngay sau khi tỉnh công bố hết dịch, Hội Phụ nữ xã đã phân công từng đồng chí trong Ban thường vụ phối hợp các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng thôn, xóm rà soát, tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã tích cực vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại sẵn sàng tái đàn lợn. Cán bộ trực tiếp đến từng hộ nắm bắt nhu cầu vay vốn, hướng dẫn lập hồ sơ vay vốn ưu đãi để nhanh chóng khôi phục chăn nuôi ổn định sinh kế. Đến nay, trên địa bàn xã, đã có 21 hộ được vay vốn ưu đãi để tái đàn lợn với tổng dư nợ 886 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay của Chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện, nhiều hộ đã tái đàn lợn thành công như hộ anh Vũ Văn Dũng ở xóm 7, chị Mai Thị Hường ở xóm 2, anh Nguyễn Văn Mạnh ở xóm 6… Tại xã Nghĩa Phú, công tác tái đàn lợn cũng được xã đẩy mạnh với nguồn trợ lực về vốn từ Ngân hàng CSXH huyện. Đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Đến nay, đã có hơn 100 hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã được vay vốn ưu đãi hơn 4 tỷ đồng để tái đàn. Đàn lợn trên địa bàn xã đang từng bước được phục hồi, giúp người chăn nuôi ổn định kinh tế, khắc phục thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra”. Chị Trần Thị Len ở xóm 4 phấn khởi cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi 48 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, đến nay gia đình tôi đã tái đàn thành công. Từ 4 con lợn nái, gia đình đã phát triển đàn được thêm 34 con lợn con. Để đảm bảo tái đàn hiệu quả, thời gian tới, gia đình chỉ tập trung nuôi một nửa số ô chuồng, phấn đấu đến cuối năm sẽ khôi phục đàn lợn 90 con bằng với trước khi bị dịch tả lợn châu Phi”.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn thể nhận ủy thác chủ động rà soát các đối tượng vay chăn nuôi, sẵn sàng hỗ trợ đối với các hộ vay vốn bị thiệt hại do dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi để người chăn nuôi biết, chủ động tiếp cận khi có nhu cầu vay vốn. Phối hợp với các sở, ban, ngành kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi lợn. Nguồn vốn của Ngân hàng CSXH tỉnh không chỉ là “phao cứu sinh” mà còn thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh hy vọng với những chính sách tài chính tín dụng cụ thể và thiết thực cùng sự nỗ lực, quyết tâm của người chăn nuôi sẽ tạo động lực mới, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh từng bước khôi phục, đảm bảo sinh kế ổn định vững chắc cho người dân./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202006/von-chinh-sach-ho-tro-nguoi-dan-tai-dan-lon-2537761/