Vốn đầu tư: Hiệu quả 2022 và thách thức

Vốn đầu tư là yếu tố trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, giống như 'có bột mới gột nên hồ'. Tuy nhiên, vốn đầu tư không chỉ là số lượng, mà quan trọng hơn là hiệu quả đạt được...

Việt Nam là nước đang phát triển, đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nên nhu cầu tăng trưởng thường cao hơn các nước đã phát triển để tránh các nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, “chưa giàu đã già”,… Nhu cầu này đòi hỏi cao ở cả đầu vào, ở cả đầu ra. Ở đầu vào là vốn đầu tư, lao động,… Trong khi năng suất lao động còn thấp, thì vốn đầu tư là nguồn được quan tâm đặc biệt, bởi cũng giống như “không có bột không gột nên hồ”, bởi vốn đầu tư là yếu tố vật chất quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế.

VỐN ĐẦU TƯ XÉT VỀ SỐ LƯỢNG

Vốn đầu tư có nguồn từ tích lũy tài sản, bởi tích lũy tài sản là tiền đề của đầu tư. Trong các nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh (Niên giám Thống kê 2021), chỉ có 16 nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ tích lũy tài sản/GDP đạt cao trên 30%, trong đó châu Phi có 4/19, châu Á có 9/24, châu Âu có 3/35, châu Mỹ, châu Úc không có. Việt Nam cao thứ 3/9 Đông Nam Á, thứ 5/34 châu Á, thứ 8/109 thế giới- tức là thuộc loại cao. Tỷ lệ này của Việt Nam một số năm gần đây thể hiện ở biểu đồ 1.

Tỷ lệ tích lũy tài sản cao thể hiện tính tiết kiệm tiêu dùng, khi tỷ lệ tiêu dùng/GDP có xu hướng giảm xuống trong mấy năm gần đây (từ 70% năm 2015 xuống còn 66,8% năm 2018, xuống 66,4% năm 2019, xuống 65,4% năm 2020 và xuống 65% năm 2021). Khi đại dịch Covid-19 xảy ra năm 2020, bùng phát năm 2021, thì không chỉ do giãn cách, mà còn do gia tăng tỷ trọng tiêu dùng thông qua tự cấp, tự túc, thậm chí còn là thắt chặt chi tiêu, tích cốc phòng cơ.

Do tỷ lệ tiêu dùng/GDP giảm, tỷ lệ tích lũy tài sản/GDP tăng, nên tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội/GDP đã tăng lên và hiện ở mức cao (biểu đồ 2).

Nếu thời kỳ 2011-2015, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội/GDP còn ở mức dưới 34%, thì từ năm 2016 đã vượt lên trên 34%. Ngay cả năm 2021 đại dịch bùng phát, tỷ lệ này (34,1%) còn cao hơn cả tỷ lệ tích lũy tài sản/GDP (33,5%), đây là một điểm đáng lưu ý.

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện/GDP tăng, xét về nguồn, có sự đóng góp lớn nhất của vốn từ kinh tế ngoài nhà nước. Tỷ trọng nguồn vốn từ kinh tế ngoài nhà nước trong tổng số vốn đầu tư toàn xã hội qua các năm thể hiện ở biểu đồ 3.

Tỷ trọng của nguồn vốn từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt kết quả trên một số mặt chủ yếu: (1) gần như liên tục tăng lên qua các năm; (2) từ năm 2015 đã chiếm trên 50% - tức là lớn hơn tổng của 2 nguồn từ khu vực kinh tế nhà nước và từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, ngay cả trong các năm đại dịch Covid-19 xảy ra (2020) và bùng phát (2021); (3) không chỉ đóng góp vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, mà còn góp phần vào việc giải quyết công ăn việc làm (tỷ trọng lao động đang làm việc trong khu vực ngoài nhà nước hiện chiếm trên 82,6%, lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm trên 58,4%), tạo doanh thu (doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm gần 57,7%), có GDP chiếm trên 50% (lớn hơn 2 khu vực khác)…

Vốn đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước có tỷ trọng trong tổng số giảm (từ 34,9% năm 2010 còn 31,7% năm 2015 và 25,6% năm 2022), nhưng vẫn là tỷ trọng lớn trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn. Nguồn vốn này góp phần hình thành các công trình trọng điểm quốc gia, nhất là cơ sở hạ tầng; đầu tư vào những ngành, lĩnh vực, những vùng mà các nguồn khác không được, không muốn đầu tư. Trong nguồn này, nguồn từ ngân sách nhà nước năm 2022 có xu hướng cao lên qua các quý: quý I đạt 76,1 nghìn tỷ đồng, quý II đạt 115,3 nghìn tỷ đồng, quý III đạt 142,7 nghìn tỷ đồng, quý IV đạt 1775 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch cả năm của một số bộ/ngành, địa phương cao hơn tỷ lệ chung, như các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông; các địa phương: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Dương, Bình Định, Nghệ An, Thái Nguyên, Đồng Nai, Long An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Bình Phước,…

Vốn đầu tư nhà nước năm 2022 đạt 27,72 tỷ USD. Vốn đầu tư nước ngoài điều chỉnh tăng khá (12,2%); vốn thực hiện đạt quy mô lớn (22,4 tỷ USD), tăng 13,5% so với năm trước, cao nhất so với 4 năm trước. Tổng số vốn đăng ký được cấp phép, được thực hiện từ 1988-2022 thể hiện ở biểu đồ 4.

Theo đối tác, lũy kế đến cuối năm 2022, có trên 50 nước và vùng lãnh thổ chủ yếu, trong đó có 23 đạt trên 1 tỷ USD, với 18 đạt trên 2 tỷ USD, 16 đạt trên 3 tỷ USD, 15 đạt trên 4 tỷ USD, 13 đạt trên 7 tỷ USD, 11 đạt trên 10 tỷ USD, 7 đạt trên 20 tỷ USD (đứng đầu là Hàn Quốc 82,44 tỷ USD, Singapore 71,56 tỷ USD, Nhật Bản 68,85 tỷ USD, Đài Loan (TQ) 36,8 tỷ USD, Hồng Kông (TQ) 30,42 tỷ USD, Trung Quốc 23,94 tỷ USD, Quần đảo Vigrin thuộc Anh 22,47 tỷ USD).

Theo địa bàn, có 40 địa phương đạt trên 1 tỷ USD, với 36 đạt trên 2 tỷ USD, với 20 đạt trên 3 tỷ USD, với 24 đạt trên 4 tỷ USD, với 19 đạt trên 5 tỷ USD, với 14 đạt trên 10 tỷ USD (TP. Hồ Chí Minh 55,12 tỷ USD, Bình Dương 39,74 tỷ USD, Hà Nội 38,66 tỷ USD, Đồng Nai 35,08 tỷ USD, Bà Rịa- Vũng Tàu 32,34 tỷ USD, Hải Phòng 25,54 tỷ USD, Bắc Ninh 24,67 tỷ USD, Thanh Hóa 14,72 tỷ USD, Long An 13,06 tỷ USD, Hà Tĩnh 12,01 tỷ USD, Thái Nguyên 11,38 tỷ USD, Quảng Ninh 10,13 tỷ USD, Bắc Giang 10 tỷ USD.

Theo ngành kinh tế, đứng đầu là ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo 265,7 tỷ USD, tiếp đến là Hoạt động kinh doanh bất động sản 68,9 tỷ USD, Sản xuất, phân phối điện gần 40 USD, Dịch vụ lưu trú và ăn uống gần 13 tỷ USD, Xây dựng gần 11 tỷ USD, Thương nghiệp trên 9 tỷ USD, Vận tải kho bãi gần 7 tỷ USD, Khai khoáng trên 5 tỷ USD, Giáo dục - đào tạo gần 5 tỷ USD, Thông tin và truyền thông trên 4,5 tỷ USD,…

Quý vị độc giả có thể đặt mua ấn phẩm Kinh tế 2022-2023: Việt Nam và Thế giới tại đây.

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Phương Dung

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/von-dau-tu-hieu-qua-2022-va-thach-thuc.htm