Vốn đầu tư - yếu tố quan trọng của tăng trưởng

Nếu tăng trưởng là ưu tiên số một, thì vốn đầu tư là vấn đề lớn hiện nay. Đây là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng (xét ở đầu vào) và là một bộ phận quan trọng của tổng cầu - cũng là yếu tố quan trọng của tăng trưởng (xét ở đầu ra).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tăng trưởng là ưu tiên số một

Khuyến cáo này xuất phát từ nhiều căn cứ. Trước hết, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) - ngành kinh tế thực lớn nhất - trong tháng 7/2023 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tính chung 7 tháng, tương ứng còn giảm 0,7% và còn giảm 1% - thấp rất xa so với cùng kỳ tương ứng là 8,6% và 9,5%.

GDP 6 tháng chỉ tăng 3,72% - thấp xa so với mục tiêu cả năm (6,5%) và nhiệm vụ còn lại trong 6 tháng lên đến trên 9%. Trong khi đó, gốc so sánh năm 2022 là 6 tháng cuối năm đã tăng 9,46%, riêng quý III tăng 13,71%, đều là những tốc độ tăng rất cao, rất khó đạt được, nếu công nghiệp sau 7 tháng còn giảm như trên.

Tăng trưởng xét về mặt sử dụng bao gồm tích lũy tài sản tiêu dùng cuối cùng và xuất siêu. Do tích lũy tài sản tăng rất thấp (1,15%), tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 2,68% - đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP và chỉ đóng góp 36,55% tốc độ tăng GDP; nhờ có xuất siêu lớn đã đóng góp 63,45% vào tốc độ tăng GDP.

Yêu cầu tăng trưởng của một số nước có mức GDP bình quân đầu người còn thấp, lại đứng trước các nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, “sập bẫy thu nhập trung bình”, trước các mục tiêu đến năm 2025, năm 2030, năm 2045, thì ưu tiên tăng trưởng không chỉ là năm 2023, mà còn khá lâu dài…

Một số vấn đề về vốn đầu tư

Về vốn đầu tư, vấn đề ưu tiên là quy mô vốn đầu tư. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP 6 tháng năm 2023 đạt 28,63%, cao hơn con số tương ứng của quý I/2023 (25,3%), nhưng vẫn thấp hơn các năm trước (33-34%). Lượng vốn so với cùng kỳ năm trước tính theo giá thực tế chỉ tăng 4,7%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng rất thấp (ước dưới 2%).

Trong khi tích lũy tài sản tăng thấp, thì có một lượng vốn không nhỏ đã bị “chôn” vào các kênh đầu tư khác, như tiền ảo, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…

Bước sang tháng 7/2023, lượng vốn từ ngân sách nhà nước tăng cao (28,4%), nên tính chung 7 tháng tăng khá cao (22,1%), cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ (12,3%); nhưng lượng vốn của một số bộ, ngành (như Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ), một số tỉnh/thành phố (như Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang…) giảm.

Tỷ lệ thực hiện kế hoạch năm sau 7 tháng còn thấp (dưới 40%), như các bộ, ngành: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công thương…; các tỉnh/thành phố: TP.HCM, Hải Phòng, Hòa Bình, Đắk Lắk, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Bắc Giang…

Vốn khu vực ngoài nhà nước vẫn tăng thấp, thậm chí có loại còn giảm (vốn của các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 17,1%, nếu kể cả vốn đăng ký tăng thêm của số doanh nghiệp đang hoạt động giảm 41,5% và các doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, tạm ngừng kinh doanh tăng so với cùng kỳ, kéo theo lượng vốn giảm).

Trong khi tích lũy tài sản tăng thấp, thì có một lượng vốn không nhỏ đã bị “chôn” vào các kênh đầu tư khác, như tiền ảo, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Mặc dù Nhà nước có nhiều giải pháp để lành mạnh hóa các thị trường trên, nhưng việc ổn định thị trường vốn hiện còn nhiều khó khăn và không sớm tháo gỡ được.

Một vấn đề quan trọng là nguồn vốn đầu tư. Nguồn tích lũy từ sản xuất, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trước thuế còn thấp hơn cả lãi suất đi vay ngân hàng, có ngành còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi ngân hàng, đặc biệt không ít doanh nghiệp còn lỗ. Theo tính toán sơ bộ, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2023 so với năm 2022 của nhiều ngành chậm lại, trong đó có những ngành còn giảm, thậm chí giảm sâu. Khi lợi nhuận giảm, thì tích lũy giảm, vốn tự có giảm, thậm chí lỗ, thì nợ gia tăng, nợ xấu gia tăng, hạn chế tăng trưởng.

Nguồn vốn ngân hàng thương mại tăng thấp do hấp thụ vốn thấp (hạn chế các điều kiện vay vốn, khó khăn về đầu tư…), do lãi suất cho vay của ngân hàng còn cao mà Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu cần hạ xuống… Tốc độ tăng 6 tháng so với cùng kỳ năm trước của cả 3 chỉ tiêu đều chậm lại: tổng phương tiện thanh toán 2,53% so với 3,3%, huy động vốn 3,26% so với 3,97%, tăng trưởng tín dụng 3,13% so với 8,51%.

Minh Nhung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/von-dau-tu---yeu-to-quan-trong-cua-tang-truong-d196785.html