Vốn FDI tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng
Những tháng đầu năm 2024, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI có nhiều điểm sáng, với tổng số vốn đạt trên 4 tỷ đô la Mỹ, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
FDI tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng
Đầu tư mới tăng mạnh cả về số dự án lẫn tổng vốn đăng ký.
Là doanh nghiệp châu Âu hoạt động tại Việt Nam được gần 30 năm, Nestlé Việt Nam vừa công bố đầu tư thêm 100 triệu đô la Mỹ nhằm tăng gấp đôi công suất chế biến các dòng cà phê chất lượng cao tại nhiều nhà máy.
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestle Việt Nam, cho biết : "Tính đến nay, Tập đoàn Nestlé đã đầu tư gần 830 triệu đô la Mỹ thông qua Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, với bốn nhà máy và hai trung tâm phân phối. Chúng tôi mong muốn có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư lâu dài tại Việt Nam".
Đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, trong hai tháng đầu năm, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI, có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư. 10 địa phương có lợi thế cũng là 10 địa phương thu hút FDI nhất, trong đó Hà Nội dẫn đầu, chiếm trên 74% số dự án mới và hơn 81% số vốn đầu tư của cả nước trong những tháng đầu năm 2024.
TS. Jochen M. Schmittmann, đại diện thường trú khu vực tại Việt Nam, Campuchia, Lào của IMF, nhận định: "Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và tôi tin rằng xu hướng tích cực này sẽ tiếp diễn trong tương lai. Bởi Việt Nam có rất nhiều lợi thế, như lực lượng lao động trẻ được đào tạo tốt, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện và hàng loạt chính sách hỗ trợ từ chính phủ. Thời gian tới, để tiếp tục thu hút thêm vốn FDI, sẽ cần cải thiện nhiều điểm nghẽn còn tồn tại, và như tôi đã đề cập, việc cung ứng đủ điện và năng lượng là vấn đề rất quan trọng".
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những tháng đầu năm 2024, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài đang tiếp nối đà tích cực đã đạt được trong những tháng cuối năm 2023. Tình hình giải ngân hết sức tích cực, tăng đến gần 10%, tương đương 2,8 tỷ đô la Mỹ, cho thấy các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là thực chất. Một điểm đáng chú ý về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là tỉ lệ vốn mới và dự án mới rất cao. Đây là tín hiệu hết sức tốt và kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng trong năm 2024, 2025.
Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút FDI
Giữa lúc dòng vốn đầu tư suy giảm do những khó khăn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quyết định rót vốn vào Việt Nam, trong đó có những dự án với quy mô "khủng", cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.
Thời gian qua, hàng loạt chỉ số vĩ mô của Việt Nam đã được cải thiện. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu được nâng lên 2 bậc, xếp hạng 46/132. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 431 tỷ đô la Mỹ. Đây là những cơ sở để nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết: "Mục tiêu hỗ trợ là mục tiêu quan trọng trong thu hút đầu tư. Tôi cho rằng đây là một cách tiếp cận rất phù hợp, rất đúng, cho nên các nhà đầu tư vào thường là cảm nhận được sự chuyên nghiệp và sự hỗ trợ cao, thì tôi cho rằng đây là một cái điểm cộng".
Theo các chuyên gia, "cú huých" nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ thời gian qua đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu vào Việt Nam.
Tuy nhiên, để tận dụng tối đa các cơ hội từ "làn sóng" FDI , các chuyên gia cho rằng, cần đẩy nhanh hơn việc ứng dụng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cải cách hành chính quốc gia, bao gồm: cơ cấu lại bộ máy nhà nước theo hướng tính giản, giảm đầu mối, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để thu hút nhiều hơn, các dự án quy mô lớn, có chất lượng cao từ Mỹ, EU.