Vốn khuyến công quốc gia hỗ trợ chế biến gỗ ván lạng

Quảng Trị là một trong những tỉnh phát triển mạnh về kinh tế lâm nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh có diện tích rừng sản xuất gần 130.000 ha, chiếm 44,6% diện tích đất lâm nghiệp. Rừng kinh tế ở Quảng Trị chủ yếu là rừng keo, bình quân mỗi năm lượng gỗ keo khai thác đạt khoảng 1 triệu m3 đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến gỗ trong tỉnh và xuất bán ra các tỉnh, thành phố trong cả nước. Với tiềm năng và lợi thế hiện có đã đưa Quảng Trị trở thành địa phương sản xuất và cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ keo lớn của cả nước.

 Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp chế biến gỗ -Ảnh: T.C.L

Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp chế biến gỗ -Ảnh: T.C.L

Ngành chế biến gỗ của Quảng Trị cũng nhờ đó mà trở thành một trong những ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu, quan trọng của tỉnh. Để hỗ trợ cho một số doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ phát triển, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã triển khai đề án khuyến công quốc gia “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm từ gỗ” đối với 3 doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ theo Quyết định số 3872/QĐ-BCT ngày 27/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc giao kế hoạch kinh phí khuyến công quốc gia năm 2020.

Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 121 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, tăng gần gấp đôi số doanh nghiệp so với năm 2015 và chiếm khoảng 45% trong tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến của tỉnh. Tuy nhiên, so với cả nước thì số doanh nghiệp chế biến gỗ của tỉnh chậm phát triển về công nghệ, thiết bị cũng như sự liên kết hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trong ngành. Việc triển khai các dự án khuyến công một mặt hỗ trợ cho các doanh nghiệp nguồn vốn đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ tiên tiến, mặt khác giúp kết nối các doanh nghiệp với nhau để cùng hỗ trợ phát triển.

Hiện nay, sản phẩm gỗ ván lạng đang trở thành một loại vật liệu thay thế tốt cho gỗ tự nhiên. Sử dụng gỗ ván lạng trong thi công đồ nội thất tạo ra những mẫu giường, tủ quần áo, tủ bếp, tủ sách, cánh cửa, bàn ghế hay sàn gỗ… mang đến sản phẩm đẹp về hình thức và tốt về chất lượng. Vật liệu này được xem là một bước tiến mới trong xây dựng nội thất cho gia đình cũng như văn phòng công sở. Ngoài ra, gỗ ván lạng cũng được sử dụng để làm đồ thủ công mỹ nghệ, đồ nghệ thuật và các vật dụng khác. Sản phẩm gỗ ván lạng là vật dụng đang có tính ứng dụng và hiệu quả sử dụng cao nên sử dụng đảm bảo tính kinh tế, độ bền đẹp, giá cả phải chăng, thay thế các loại gỗ tự nhiên, do đó góp phần bảo vệ rừng tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Để tạo ra những mẫu ván lạng đẹp, đáp ứng yêu cầu thị trường thì việc đầu tư máy móc thiết bị đóng một vai trò rất quan trọng. Qua nghiên cứu thị trường, các doanh nghiệp nhận thấy ngành chế biến gỗ ván lạng có rất nhiều cơ hội để phát triển và tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển ngành này. Năm 2020, Công ty TNHH chế biến gỗ Quang Huy, huyện Triệu Phong; Công ty TNHH TH Bảo An, huyện Hải Lăng và Công ty TNHH MTV Tiền Phong Quảng Trị đóng trên địa bàn thành phố Đông Hà đã xây dựng đề án đầu tư các loại máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất gỗ ván lạng như máy bóc gỗ, máy tu thủy lực, máy chặt, máy CNC chân không, máy dán cạnh tự động, máy khoan liên kết tự động... Với sự đầu tư các loại máy móc hiện đại này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng độ bền, độ chính xác cho từng sản phẩm, giảm thiểu tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và sử dụng hiệu quả nguyên liệu, vật liệu trong quá trình sản xuất, đáp ứng kịp thời xu thế phát triển của thị trường.

Tháng 10/2020, đề án khuyến công quốc gia tại 3 doanh nghiệp chế biến gỗ ván lạng được nghiệm thu với tổng kinh phí thực hiện 2 tỉ 638 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 900 triệu đồng. Việc đầu tư máy móc thiết bị sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong kinh doanh, mở ra một hướng đi mới cho doanh nghiệp trong xu thế hội nhập và phát triển, đồng thời tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đánh giá về hiệu quả hỗ trợ của nguồn vốn khuyến công, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Quảng Trị Nguyễn Trương Hoàn cho biết: “Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất các sản phẩm từ gỗ đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí lao động, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Qua đó, thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp công nghiệp chế biến, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, tăng tỉ trọng công nghiệp trong nền kinh tế của tỉnh. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục rà soát và xây dựng các đề án để hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ để tăng trưởng sản xuất”.

Trần Cát Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154078