Vốn ngân hàng vẫn 'chảy' trong mùa dịch

Đại diện VietinBank Phú Yên và Công ty CP Xuất nhập khẩu Dược Phú Yên ký kết hợp đồng vay vốn (ảnh chụp ngày 8/6/2021). Ảnh: LÊ HẢO

Bài cuối: Không để đứt mạch sản xuất, kinh doanh

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng thương mại đã xem xét giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, cho vay mới với lãi suất ưu đãi; đồng thời luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Khách hàng cần, ngân hàng có

Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phú Yên giai đoạn 1 đang bước vào công đoạn hoàn thiện. Dự án này có quy mô 250 giường bệnh, tổng mức đầu tư hơn 515 tỉ đồng; được triển khai xây dựng tại phường 9, TP Tuy Hòa. Đây là bệnh viện đa khoa tư nhân đầu tiên trên địa bàn tỉnh với các chuyên khoa cấp cứu, cận lâm sàng, sản nhi, ngoại tổng quát, nội tổng hợp, răng - hàm mặt, tai mũi họng, kiểm soát chống nhiễm khuẩn... đáp ứng 800-1.000 lượt khám ngoại trú/ngày.

Mới đây, VietinBank Phú Yên đã ký kết hợp đồng cho Công ty CP Xuất nhập khẩu Dược Phú Yên vay 305 tỉ đồng để hoàn thiện dự án nói trên. Ông Trần Việt Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Dược Phú Yên cho rằng: Việc ký kết hợp đồng tín dụng này có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho những bước phát triển trong thời gian tới. Còn theo ông Hoàng Anh Minh, Giám đốc VietinBank Phú Yên, dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phú Yên không chỉ mang ý nghĩa xã hội to lớn mà còn có hiệu quả về mặt kinh tế. Vì vậy, VietinBank Phú Yên cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, giải ngân vốn đúng tiến độ; đồng thời dành mọi cơ chế ưu đãi tốt nhất về giá và phí dịch vụ cho dự án.

Tại huyện Tây Hòa, Công ty TNHH Thương mại Thanh Dần (xã Hòa Mỹ Tây) chuyên cung cấp vật tư nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, mỗi khi cần vốn để nhập hàng về bán cho bà con nông dân, doanh nghiệp đều được ngân hàng đáp ứng đủ. Ông Trần Ngọc Dần, Giám đốc công ty này cho biết: Tôi là khách hàng lâu năm của ngân hàng, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, lại vay trả đầy đủ nên khi cần là có vốn. Lãi suất các khoản vay của công ty dao động trong khoảng 6,5-7,2%/năm.

Mới đây, vì đang cần tiền để đầu tư cho rừng keo của gia đình nên chị Nguyễn Thị Hồng Loan ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) quyết định thế chấp sổ đỏ nhà vay 150 triệu đồng. Theo chị Loan, chỉ cần mình làm đúng theo phương án vay vốn đề ra ban đầu và có tài sản đảm bảo là ngân hàng xét duyệt cho vay. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngân hàng phê duyệt hồ sơ, giải ngân kịp thời, giúp người dân không thiếu vốn sản xuất.

Cơ cấu nợ, giảm lãi vay

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên (NHNN Phú Yên), từ năm 2020 đến nay, để giảm bớt khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với nền kinh tế, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2%/năm; sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Các ngân hàng thương mại nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Ảnh: LÊ HẢO

Các ngân hàng thương mại nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Ảnh: LÊ HẢO

Ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc NHNN Phú Yên cho biết: Bên cạnh triển khai quyết liệt các giải pháp mạnh mẽ, thực chất và nhất quán trong việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các ngân hàng còn tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng vay vốn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đơn giản thủ tục, điều kiện cho vay, tiết giảm tối đa chi phí để có nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế với chi phí hợp lý.

Thực hiện các giải pháp tháo gỡ và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hộ dân vay vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đến cuối tháng 5/2021, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 52 khách hàng (24 cá nhân và 28 doanh nghiệp) với dư nợ được cơ cấu lại là 194 tỉ đồng; miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 25 khách hàng (19 cá nhân và 6 doanh nghiệp) với dư nợ đã được miễn giảm, lãi là 524,2 tỉ đồng, số lãi được miễn, giảm là 3 tỉ đồng.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng ở Phú Yên còn triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, nhất là khi đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, các lĩnh vực phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Đến cuối tháng 5/2021, dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 37.691 tỉ đồng, tăng 1.493 tỉ đồng so với cuối năm 2020, tương đương 4,12%. Trong đó, cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 15.437 tỉ đồng, chiếm gần 41% tổng dư nợ, tăng 518 tỉ đồng so với cuối năm 2020, tương đương 3,47%; cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 7.414 tỉ đồng, chiếm 19,67% tổng dư nợ, tăng 572 tỉ đồng, tương đương 8,36%...

Đảm bảo cung cấp đủ vốn cho nền kinh tế

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh đã có ca nhiễm trong cộng đồng, nhiều trường hợp đến giao dịch ngân hàng sau đó phát hiện là F0, NHNN Phú Yên đã yêu cầu các ngân hàng thương mại kích hoạt phương án phòng chống dịch; đồng thời báo cáo định kỳ 2 lần/ngày để đơn vị này tổng hợp, chỉ đạo kịp thời. Trong bối cảnh toàn tỉnh phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, một số khu vực cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, NHNN Phú Yên quán triệt các đơn vị trong ngành phải thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, tuân thủ quy tắc 5K, tăng cường khử khuẩn tiền mặt trước khi đưa ra lưu thông...

“Hiện các tổ chức tín dụng ở Phú Yên luôn chú trọng thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, không để quá trình lưu thông tiền tệ bị đứt gãy, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn tỉnh”, ông Trần Văn Trí nói.

Ông Huỳnh Quốc Thi, Giám đốc HDBank Phú Yên cho biết: Thời gian qua, ngân hàng thực hiện nghiêm quy tắc 5K, yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, sát khuẩn trước khi vào giao dịch. Để hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn, HDBank Phú Yên khuyến khích khách hàng giao dịch thông qua các phương thức trực tuyến như Internet banking, Mobile banking. Đối với những người cần giao dịch trực tiếp, ngân hàng đề nghị khách hàng liên hệ trước để được tư vấn, bố trí thời gian giao dịch phù hợp. HDBank Phú Yên cam kết dành những gói tín dụng hỗ trợ khách hàng vay vốn phục vụ đời sống, thuê trụ sở sản xuất, kinh doanh; đồng thời tiếp tục xem xét cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho khách hàng có giao dịch tại HDBank.

Còn theo ông Nguyễn Khánh, Giám đốc MB Phú Yên, chi nhánh luôn rộng cửa với người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn và tạo điều kiện thuận lợi tối đa để khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong thời điểm kinh tế khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, MB có chính sách miễn phí chuyển tiền, cấp hạn mức nhanh, cho doanh nghiệp vay tín chấp để trả lương cho người lao động..., nhưng khách hàng phải chứng minh dòng tiền cũng như hiệu quả của dự án sản xuất, kinh doanh để tạo sự tin tưởng đối với ngân hàng.

Hiện các tổ chức tín dụng ở Phú Yên luôn chú trọng thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, không để quá trình lưu thông tiền tệ bị đứt gãy, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên

LÊ HẢO

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/260643/von-ngan-hang-van--chay--trong-mua-dich.html