Vốn nhà nước 'được giá' bán
Công tác cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đi được gần 3/4 chặng đường của năm nay nhưng số lượng DN thực hiện vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, việc thoái vốn ở 5 lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đã đạt mục tiêu kế hoạch.
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN, tính từ đầu năm đến ngày 29/8/2016, đã có 48 DN được phê duyệt phương án CPH, tổng giá trị thực tế của 48 DN này là 31.905 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 23.280 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 8, cả nước đã CPH được 42 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp công lập. Các DN CPH này thuộc các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và một số địa phương khác. Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm, cả nước cũng đã thực hiện sắp xếp theo các hình thức khác đối với 11 DN, trong đó giải thể 9 DN, phá sản 1 DN và bán 1 DN.
Hoạt động thoái vốn nhà nước, nhất là ở những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành đã được thực hiện khá tốt. Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, trong 8 tháng đầu năm, các DN đã thoái được 2.921 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành, thu về 5.767 tỷ đồng. Cụ thể: Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 381 tỷ đồng, thu về 424 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực “nhạy cảm” gồm chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng – tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư; SCIC đã bán 1.277 tỷ đồng, thu về 3.374 tỷ đồng; tại các lĩnh vực khác, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 1.261 tỷ đồng, thu về 1.968 tỷ đồng.
Điều đáng nói là công tác thoái vốn tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã mang về nguồn tiền nhiều hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách thực tế của DN. Đơn cử như các Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Dệt may, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Hà Nội đã thực hiện bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ tại DN khác với tổng giá trị theo sổ sách là 973 tỷ đồng, thu về 2.980,3 tỷ đồng. Thực tế này cho thấy, nếu thực hiện công tác thoái vốn một cách bài bản và đúng thời điểm thì nguồn tiền thu về sẽ đúng với gia trị thực tế, mang lại lợi ích cho nhà nước.
Bộ Tài chính nhận định: Công tác thực hiện CPH và thoái vốn nhà nước tại các DN, tập đoàn, tổng công ty về cơ bản đã thực hiện theo đúng kế hoạch. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành vào năm lĩnh vực nhạy cảm được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, do phải tiếp tục thực hiện CPH các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015, đồng thời triển khai xây dựng kế hoạch sắp xếp, CPH, tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nên tiến độ CPH DNNN và thoái vốn từ đầu năm đến nay chưa đạt được như kỳ vọng.
Trong những tháng còn lại của năm 2016, cũng như thực hiện của giai đoạn 2016-2016, Bộ Tài chính cho rằng, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần quán triệt, thực hiện kế hoạch, lộ trình tái cơ cấu DNNN, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo hoàn thành theo đúng đề án đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở DN mà nhà nước không cần nắm giữ theo tiêu chí phân loại DNNN và theo lộ trình hợp lý, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao nhất. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, khẩn trương có phương án thoái vốn để cắt lỗ, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN, trong tháng 9/2016 cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, tổ chức đoàn kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trong việc thực hiện phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN và công ty nông, lâm nghiệp đã được phê duyệt.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/von-nha-nuoc-duoc-gia-ban-75028.html