Vốn tín dụng chính sách cùng người dân Giao Long phát triển kinh tế biển

Những năm qua, tại xã Giao Long (Giao Thủy), nguồn vốn tín dụng chính sách đã không ngừng lan tỏa đến với từng người dân, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã phát triển nuôi thủy sản, tạo ra những trang trại có giá trị kinh tế cao, nhiều công trình vệ sinh sạch sẽ... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Những năm qua, tại xã Giao Long (Giao Thủy), nguồn vốn tín dụng chính sách đã không ngừng lan tỏa đến với từng người dân, giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã phát triển nuôi thủy sản, tạo ra những trang trại có giá trị kinh tế cao, nhiều công trình vệ sinh sạch sẽ, tiện nghi được đưa vào sử dụng, đời sống của nhiều hộ dân đã từng bước được nâng lên.

Từ vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện, bà Trần Thị Hoài (bên phải) ở xóm 3 đầu tư kinh doanh hải sản đông lạnh đem lại thu nhập khá và tạo việc làm cho nhiều lao động.

Là một trong những xã ven biển, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, xã luôn chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với vốn ngân hàng để phát triển nuôi, khai thác thủy hải sản trên các ngư trường, coi đây là nhiệm vụ vừa thường xuyên vừa lâu dài của địa phương. Đặc biệt, những năm gần đây, số lượng tàu cá của Giao Long phát triển khá mạnh, tàu thuyền đóng mới công suất lớn đảm bảo vươn ra khơi xa dài ngày tăng nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân địa phương khai thác hải sản xa bờ, giảm dần áp lực đánh bắt thủy sản ven bờ, gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng xấu đến môi trường ven biển. Vì thế, nhu cầu vốn để đầu tư phát triển kinh tế biển của người dân nơi đây là vô cùng lớn. Đến nay, đoàn tàu cá của Giao Long có 150 chiếc, công suất bình quân 380CV/tàu và 50 tàu nhỏ, công suất bình quân 90CV/tàu. Mỗi chuyến đi biển, gặp được luồng cá thì mỗi tàu cũng thu được vài chục kg cua, tôm, cá các loại, trị giá khoảng 8-10 triệu đồng; trừ chi phí, mỗi tàu cũng thu về được 5-7 triệu đồng/chuyến. Nếu gặp hôm biển lặng, trúng luồng cá lớn thì chuyến đi biển có thể kéo dài 3-4 ngày, thuyền đầy ắp khoang nào cá, nào tôm, cua… giá trị đến vài chục triệu đồng. Ngoài ra, các ngành nghề như sơ chế hải sản đông lạnh, bóc tôm, dịch vụ nghề cá, nuôi thủy, hải sản của người dân nơi đây cũng phát triển mạnh với trợ lực từ vốn tín dụng chính sách.

Đồng chí Trần Xuân Phòng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài nên đây là cơ hội giúp người nghèo tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế gia đình. Hội đã chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời, hỗ trợ hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân tiếp cận với vốn vay ưu đãi để phát triển các ngành nghề dịch vụ kinh tế biển. Các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn vay tạo động lực vươn lên thoát nghèo, trở nên khá giả tại địa phương. Ngoài sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư kinh phí mở rộng ngành nghề sản xuất như chăn nuôi, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ thương mại, xây dựng, sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhỏ… tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; góp phần phát triển kinh tế nâng cao thu nhập như mô hình chế biến hải sản, bóc tôm tạo việc làm cho với thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hộ đã đầu tư máy xay sát, cung cấp vật tư nông nghiệp, bán thức ăn chăn nuôi, xây dựng gia trại chăn nuôi lợn có mức thu nhập từ 50-80 triệu đồng/năm. Hiện tại, thu nhập bình quân trên đầu người của xã năm 2021 đạt hơn 70 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 1,3%.

Hiện tại, Hội Phụ nữ xã quản lý 6 tổ vay vốn với 192 hộ còn dư nợ. Tổng số dư nợ tính đến hết ngày 20-3-2022 là 8 tỷ 389 triệu đồng. Trong đó, cho vay hộ cận nghèo là 3 tỷ 90 triệu đồng với 52 hộ còn dư nợ; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 2 tỷ 486 triệu đồng với 138 hộ còn dư nợ; cho vay hộ mới thoát nghèo 2 tỷ 390 triệu đồng với 40 hộ còn dư nợ. Hội Nông dân hiện quản lý 11 tổ vay vốn với 369 hộ còn dư nợ, tổng dư nợ là 19 tỷ 348 triệu đồng. Hội Cựu chiến binh đang quản lý 4 tổ vay vốn với 139 hộ còn dư nợ, tổng dư nợ hiện tại là 5 tỷ 975 triệu đồng. Tổng dư nợ toàn xã tại Ngân hàng CSXH huyện Giao Thủy là 33 tỷ 713 triệu đồng với 879 hộ còn dư nợ.

Cùng cán bộ tín dụng Hội Phụ nữ, chúng tôi đến gặp bà Trần Thị Hoài, chủ cơ sở thu mua sơ chế hải sản đông lạnh Đức Phúc ở xóm 3. Cách đây 4 năm, công việc của bà chỉ quanh quẩn với 5 sào ruộng của gia đình và buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ các mặt hàng hải sản tại chợ đầu mối của xã. Thời gian gần đây, do dịch COVID-19 nhu cầu tích trữ thực phẩm đông lạnh của người dân ngày càng lớn, bà quyết tâm chuyển hướng sang kinh doanh đồ hải sản sơ chế đông lạnh. Được tiếp vốn 50 triệu đồng từ vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, bà đã đầu tư 3 tủ lạnh cấp đông, đồng thời ký kết hợp tác với các tàu thuyền đánh bắt trên địa bàn xã để đảm bảo có được nguồn hải sản nguyên liệu tươi ngon nhất phục vụ khách hàng. Từ những đơn hàng nhỏ lẻ cá phèn hồng, tôm, bề bề bóc nõn, sứa ăn liền chất lượng, đến nay, cơ sở sơ chế hải sản Đức Phúc mỗi ngày xuất bán được hơn 70kg đến 1 tạ hải sản sơ chế đông lạnh; doanh thu cả năm đạt từ 100-150 triệu đồng, tạo thêm việc làm thời vụ quanh năm cho 4-5 lao động. Năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022, các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở xóm 7 lao đao vì giá cám và vật tư tăng cao, bình quân mỗi bao cám lại tăng thêm 100 nghìn/bao/25kg. Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết: Được cán bộ Hội Nông dân tư vấn gia đình tôi đã được vay 50 triệu đồng theo diện hộ mới thoát nghèo. Có vốn, chúng tôi đã giảm bớt gánh nặng về chi phí thức ăn, tập trung sản xuất. Cả 3ha ao nuôi đều phát triển tốt, dự kiến sắp tới gia đình sẽ thu về hơn 1 tấn tôm, trừ chi phí gia đình lãi gần trăm triệu đồng.

Thời gian tới, tranh thủ sự ủng hộ của Ngân hàng CSXH huyện, các cấp ủy chính quyền tại địa phương tập trung chỉ đạo các hội đoàn thể chính trị xã hội nhận ủy thác tiếp tục bám sát địa bàn, tăng cường kiểm tra giám sát hiệu quả sử dụng vốn. Từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, trình độ quản lý vốn, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế biển. Tập trung thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách phục hồi, phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đảm bảo giải ngân vốn nhanh, kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202204/von-tin-dung-chinh-sach-cung-nguoi-dan-giao-long-phat-trien-kinh-te-bien-2550486/