Vốn tín dụng chính sách - động lực cho tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội ở huyện Thiệu Hóa
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, trong 10 năm qua hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Thiệu Hóa đã và đang phát huy hiệu quả tạo sinh kế giúp người dân có điều kiện tiếp cận vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống...
Sau thời gian tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, cuối năm 2019 chị Trần Thị Lịch ở thị trấn Thiệu Hóa đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa vàng. Đây là quyết định khiến anh chị khá đắn đo bởi chi phí đầu tư cao. Nhưng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, gia đình chị Lịch đã vay mượn thêm từ ngân hàng và anh em bạn bè đầu tư 700 triệu đồng để làm hệ thống nhà màng 2.000m2 trồng dưa Kim Hoàng Hậu. Thời điểm đó, mỗi kg nhập cho Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn với giá 35.000 đồng. Thu nhập mỗi vụ dưa ước tính 75 triệu đồng/1.000m2.
Thấy được giá trị kinh tế từ mô hình này, năm 2022 gia đình chị Lịch tiếp tục mở rộng quy mô thêm 2.000 m2. Được Ngân hàng Chính sách xã hội Thiệu Hóa tạo điều kiện cho vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay quỹ quốc gia về việc làm qua tổ Tiết kiệm và vay vốn do Hội LHPN quản lí, chị Lịch đã đầu tư cải tạo hệ thống nhà màng, hệ thống tưới nước tự đồng, trồng dưa Kim hoàng hậu theo tiêu chuẩn VietGap.
Chị Trần Thị Lịch phấn khởi cho biết: “4.000m2nhà màng trồng dưa vàng sau khi trừ chi phí cho thu nhập trung bình khoảng 500 triệu đồng/năm. Nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp tôi khắc phục khó khăn, hoàn thành đầu tư mô hình sản xuất đem lại thu nhập cao cho gia đình”.
Cũng là một hộ gia đình được thụ hưởngtừ nguồn vốn tín dụng chính sách, chị Lê Thị Thúy, hội viên Hội Nông dân chi hội thôn Toán Tỵ, xã Thiệu Toán cho biết: Trước đây, do không có vốn làm ăn, thu nhập chính chỉ từ sản xuất nông nghiệp và làm thuê chỉ đủ sống hằng ngày, các con đang tuổi ăn tuổi học nên khó khăn vất vả trăm bề.
Chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình chị, năm 2023, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Toán Tỵ, xã Thiệu Toán đã bình xét và tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho chị vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình hộ mới thoát nghèo.
Vốn có nghề may, chị Thúy đã mạnh dạn mở rộng xưởng may, đầu tư mua máy móc, thuê nhân công về may các sản phẩm đồng phục cho các cơ quan, trường học, các hội nhóm... Hiện gia đình chị đã có xưởng may với 7 công nhân, thường xuyên có hợp đồng, đơn hàng. Nhờ đó kinh tế gia đình ngày càng khá giả hơn.
Ông Lê Xuân Ấn, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Toán Tỵ, thuộc Hội Nông dân quản lí, cho biết: Trong quá trình vay vốn, gia đình chị Thúy luôn trả lãi, gốc và gửi tiết kiệm đầy đủ, kịp thời và chấp hành tốt các quy định vay vốn cũng như tham gia tích cực các hoạt động sinh hoạt tổ.
Không chỉ chị Lịch, chị Thúy, những năm qua, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách được ví như “bà đỡ” của nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện, đem các nguồn lực tài chính của Nhà nước cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảngvề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thiệu Hóa đã nhận được 8 tỷ 933 triệu đồng từ nguồn ngân sách cấp huyện ủy thác cho vay; cho vay được 37.363 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với doanh số cho vay trên 1.301 tỷ đồng. Tổng dư nợ 13 chương trình tín dụng chính sách đến ngày 30/4/2024 là 587 tỷ 535 triệu đồng, tăng 278 tỷ 221 triệu đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW, với 10.669 khách hàng đang có dư nợ. Nợ quá hạn và nợ khoanh 218,8 triệu đồng chiếm tỷ lệ 0,04%/ tổng dư nợ, giảm 123 triệu so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW.
Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện trong 10 năm qua đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống còn 0,58%; giúp cho 18.362 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 1.948 lao động được tiếp cận nguồn vốn từ quỹ quốc gia về việc làm để phát triển kinh tế gia đình; 1.037 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 173 căn nhà cho hộ nghèo; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hơn 30 nghìn công trình nước sạch và công trình vệ sinh...
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thiệu Hóa Lê Gia Tuân cho biết: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, hoạt động tín dụng chính sách được triển khai trên địa bàn đã được bà con đồng tình ủng hộ. Các nguồn vốn phát huy hiệu quả. Các hộ đã có thêm điều kiện trang trải cuộc sống, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, việc ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội huy động được lực lượng xã hội cùng Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi. Quy mô các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội được nâng lên và chất lượng tín dụng luôn được kiểm soát an toàn. Đồng thời thông qua hoạt động ủy thác đã góp phần làm cho hoạt động của các tổ chức hội ở cơ sở thiết thực, gần dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng và thu hút được đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt, củng cố tổ chức hội ngày càng lớn mạnh.
Trong thời gian tới, huyện Thiệu Hóa tiếp tục huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội; điều tra, rà soát, bổ sung đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định tăng cường tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, phối hợp, lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chú trọng chất lượng tín dụng, hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để đảm bảo phát huy hiệu quả vốn vay; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.