Khánh Sơn: Vốn tín dụng chính sách: Trợ lực giúp giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, việc triển khai kịp thời các nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Khánh Sơn vươn lên trong cuộc sống, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo nhanh và bền vững.

Điểm tựa của hộ nghèo

Những ngày này, ông Pi Năng Trọng - thôn Liên Bình (xã Sơn Bình) lại tất bật chăm sóc gần 40 cây sầu riêng vừa thu hoạch xong để cây nhanh chóng phục hồi. Ông Trọng chia sẻ: Đây là số cây sầu riêng mà gia đình ông đầu tư trồng 6 năm trước, từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Khánh Sơn, với lãi suất ưu đãi dành cho hộ nghèo. Từ số tiền vay này, gia đình ông đã mua cây giống, phân bón, mua máy bơm… để trồng và chăm sóc sầu riêng. “Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH huyện mà gia đình tôi đã có nguồn thu ổn định từ cây sầu riêng; cuối năm trước đã hoàn trả đầy đủ 50 triệu đồng tiền vay. Vừa qua, gia đình tôi đã vay mới 100 triệu đồng để đầu tư cây giống, đào ao và làm hệ thống tưới tiết kiệm để trồng thêm 80 cây sầu riêng. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nguồn vốn vay từ NHCSXH đã trở thành điểm tựa cho gia đình tôi nỗ lực vươn lên thoát nghèo”, ông Trọng vui mừng nói.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông Pi Năng Trọng đã đầu tư trồng sầu riêng giúp từng bước ổn định cuộc sống.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông Pi Năng Trọng đã đầu tư trồng sầu riêng giúp từng bước ổn định cuộc sống.

Còn gia đình ông Cao Điếc - hộ nghèo ở thôn A Pa 2 (xã Thành Sơn) được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng xây dựng mới nhà ở. Tuy nhiên, với nguồn vốn này, gia đình ông chỉ đủ kinh phí để xây dựng căn nhà kiên cố, thiếu kinh phí để xây dựng công trình nước sinh hoạt và nhà vệ sinh. Được chính quyền cơ sở hướng dẫn, gia đình ông đã vay thêm 20 triệu đồng nguồn vốn nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn từ NHCSXH huyện với mức lãi suất ưu đãi 0,75%/tháng để kéo nước từ hệ thống cấp nước sinh hoạt của xã vào nhà và xây dựng nhà vệ sinh.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở huyện miền núi Khánh Sơn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH. Theo lãnh đạo một số địa phương, để giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên ổn định cuộc sống, các địa phương đã tích cực vận động; các hội, đoàn thể, trưởng thôn, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn đã kịp thời bình xét đối tượng vay vốn, lập hồ sơ vay… Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH huyện được triển khai kịp thời, cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của mỗi địa phương, đảm bảo an sinh xã hội, chung tay xây dựng nông thôn mới, trở thành một trong những điểm tựa vững chắc để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đa dạng kênh tiếp cận

Ông Nguyễn Thành Hưng - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho biết: “Hiện nay, đơn vị triển khai 12 chương trình cho vay ưu đãi; nổi bật như: Cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ nghèo làm nhà ở; hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn; hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… Sự đa dạng ở các chương trình cho vay giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với nguồn vốn chính sách. Tính đến ngày 31-8, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Khánh Sơn gần 276 tỷ đồng, với 6.710 hộ đang còn dư nợ; trong đó nợ quá hạn chỉ 261 triệu đồng, nợ khoanh chỉ 186 triệu đồng”.

Cùng với đa dạng các chương trình cho vay, các điểm giao dịch của NHCSXH huyện còn được đặt ở từng xã, thị trấn. Hoạt động của điểm giao dịch cấp xã đã góp phần đưa vốn về tận cơ sở, giảm chi phí đi lại cho người dân, đồng thời thực hiện tốt việc công khai, dân chủ trong hoạt động tín dụng cơ sở; hầu hết các hoạt động như: Thu nợ, thu lãi, cho vay, huy động vốn... đều được thực hiện tại điểm giao dịch xã.

Bên cạnh đó, NHCSXH huyện còn thực hiện tốt phương thức ủy thác với 4 tổ chức chính trị - xã hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), giúp các hội viên có hoàn cảnh khó khăn biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội. Các hội, đoàn thể đã phát huy tối đa hiệu quả trong công tác quản lý nguồn vốn tín dụng cơ sở, cùng NHCSXH huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc bình xét cho vay tại cơ sở, tổ chức tập huấn nghiệp vụ, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ giống cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn việc sử dụng đồng vốn cho người vay; phối hợp trong việc chỉ đạo hoạt động của đội ngũ ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhờ đó, chất lượng ủy thác không ngừng được nâng lên, đồng vốn đã được chuyển kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện, điều đáng phấn khởi là người dân địa phương, nhất là hộ nghèo đã tiếp cận vay vốn chính sách ưu đãi và sử dụng hiệu quả nhằm vươn lên thoát nghèo. Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện đã đề nghị các hội, đoàn thể, chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn vay vốn. Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, từ đó góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững để sớm đưa Khánh Sơn thoát khỏi huyện nghèo.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202409/von-tin-dung-chinh-sachtro-luc-giup-giam-ngheo-ben-vung-1b8729b/