Vốn tín dụng chính sách - xã hội giúp hơn 2.000 hộ DTTS thoát nghèo
Giai đoạn 2017-2020, đa số hộ DTTS được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, nhiều hộ được vay vốn từ 2-3 chương trình tín dụng ưu đãi; giúp 17.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách người DTTS được vay vốn. Hơn 2.000 hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho hơn 500 lao động; hơn 420 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 13.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 137 căn nhà.
Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại cuộc họp
Đó là những thông tin được Ngân hàng Chính sách xã hội (CS-XH) chi nhánh tỉnh báo cáo chiều 18-6 với Đoàn giám sát kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 do ông Điểu Điều, Trưởng ban Dân tộc- HĐND tỉnh làm trưởng đoàn.
Thông qua 14 chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn, giải quyết việc làm (NĐ61), hộ DTTS vay theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016, Ngân hàng CS-XH tỉnh đã cho vay tổng doanh số đạt hơn 2.166 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng chính sách là gần 2.400 tỷ đồng.
Chất lượng tín dụng chính sách có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo toàn nguồn vốn cho vay, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,09% tổng dư nợ. Tuy nhiên, Ngân hàng CS-XH tỉnh cho biết, đối tượng thụ hưởng chính sách chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp vừa thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất vừa sản xuất nhỏ lẻ; sống ở vùng sâu, vùng xa; sản phẩm làm ra chưa kết nối, đáp ứng được thị trường, sức cạnh tranh thấp…nên ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sự dụng vốn, gây khó khăn trong việc hoàn vốn.
Trưởng Ban dân tộc HĐND kết luận tại buổi giám sát
Ngân hàng đề ra 8 nhiệm vụ chính. Trong đó, phấn đấu 100% hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn. Dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 8-10%. Tỷ lệ nợ quá hạn ở mức dưới 0,5%/tổng dư nợ.
Ngân hàng CS-XH kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm sửa đổi chính sách rủi ro phù hợp với đặc điểm, điều kiện đặc thù của hộ nghèo người DTTS; tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững. Về phía địa phương, Ngân hàng CS-XH đề nghị HĐND các cấp hàng năm đưa vào nghị quyết nội dung bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác qua Ngân hàng CS-XH cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách khác; chỉ đạo cấp ủy đảng, tổ chức chính trị xã hội phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngân hàng để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, lồng ghép hiệu quả các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến công…
Ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng CS-XH tỉnh trong việc chung tay thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần ổn định an ninh - chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; Trưởng đoàn giám sát Điểu Điều đề nghị Ngân hàng CS-XH tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt hơn nữa công tác chuyên môn. Trưởng đoàn cũng đề nghị Ban Dân tộc tỉnh phối hợp Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai, giám sát có hiệu quả các chương trình vốn vay.