Vốn từ Trung Quốc tăng tốc vào Việt Nam
Những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục.

Sản xuất tại Công ty Luxshare (vốn đầu tư Trung Quốc). Ảnh: Đức Thanh
Thêm dự án lớn Trung Quốc vào Việt Nam
Ít ngày trước đây, hai dự án lớn, với quy mô vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD đã chính thức được động thổ xây dựng tại tỉnh Bắc Ninh. Đó là Dự án Nhà máy Victory Giant Technology Việt Nam của Công ty cổ phần Công nghệ Victory Giant (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc), chuyên nghiên cứu và phát triển, sản xuất - kinh doanh các loại bảng mạch PCB nhiều lớp có độ chính xác cao, HDI, FPC và Bảng mạch dẻo Rigid-Flex, vốn đầu tư 520 triệu USD. Dự án thứ hai là Green Precision, chuyên nghiên cứu, thiết kế và sản xuất các linh kiện, cấu trúc chính xác cho sản phẩm tiêu dùng điện tử như loa, điện thoại, máy tính bảng, thiết bị thanh toán điện tử…, với vốn đầu tư hơn 120 triệu USD.
“Hy vọng rằng, các dự án khi đi vào vận hành sẽ tạo ra giá trị sản xuất lớn, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Bắc Ninh”, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu hôm hai dự án được động thổ xây dựng.
Cả hai dự án trên đều trong lĩnh vực công nghệ cao và đều do nhà đầu tư Trung Quốc triển khai. Đây cũng là hai dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư năm ngoái, khi dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đang dồn dập đổ vào Việt Nam, khiến ngay cả báo chí nước ngoài cũng bày tỏ sự ngạc nhiên.
Tháng 9/2024, khi công bố báo cáo của mình, Ngân hàng HSBC cho biết, tại Đông Nam Á, khách hàng Trung Quốc của HSBC quan tâm nhiều nhất đến việc mở rộng thị trường sang Singapore, kế đến là Việt Nam. “Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư láng giềng bởi mối quan hệ kinh tế chặt chẽ”, các chuyên gia của HSBC nhận định.
Và đúng là mối quan hệ kinh tế chặt chẽ đã đưa ngày càng nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đến Việt Nam, nhất là sau Covid-19. Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với năm 2022. Năm 2024, con số là hơn 4,73 tỷ USD, tăng 3,1% so với năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm nay, có hơn 1,47 tỷ USD vốn đầu tư từ Trung Quốc đăng ký vào Việt Nam, tăng 68,5% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, 3 tháng đầu năm, xét về vốn, các nhà đầu tư Trung Quốc chỉ đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, nhưng nếu xét về số dự án, thì Trung Quốc dẫn đầu. Quý I/2025, doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký đầu tư mới 251 dự án, chiếm 29,5% tổng số dự án đăng ký mới.
Quý I/2025, doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký đầu tư mới 251 Dự án, chiếm 29,5% tổng số Dự án đăng ký mới.
Đây mới chỉ là số dự án và số vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc lục địa, nếu tính cả phần vốn của Đài Loan (Trung Quốc) và Hồng Kông (Trung Quốc), con số còn lớn hơn nhiều. Những năm gần đây, rất nhiều tên tuổi lớn của Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc) đã đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Foxconn, Goertek, Winson, Pegatron, Luxshare, Compal… là những ví dụ điển hình.
Mới đây, Lite-On, một nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã khởi công xây dựng dự án 690 triệu USD ở Quảng Ninh. Dự án này chuyên sản xuất các linh kiện điện tử, thiết bị kết nối mạng không dây, bộ chuyển đổi nguồn, bộ sạc xe điện… Chính sự xuất hiện của các dự án này đã góp phần đưa Việt Nam trở thành “cứ điểm” sản xuất các thiết bị điện tử, qua đó góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành điện tử toàn cầu, bao gồm cả ngành bán dẫn.
Gia tăng về chất, gia tăng kết nối kinh tế
Có một điểm thú vị là, trái với những nỗi lo trước đây, thời gian gần đây, dòng đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam ngày càng gia tăng về chất. Ngày càng nhiều tập đoàn có quy mô quốc tế trong các lĩnh vực công nghệ, điện - điện tử, chế biến, chế tạo, hạ tầng, năng lượng tái tạo, xe điện… đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong cuộc gặp gỡ với hàng loạt doanh nghiệp lớn của Trung Quốc hồi tháng 2/2025, như Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, Xây dựng Trung Quốc, Power China, Chery, BYD, Sailun, TCL, Goertek… đã khẳng định điều này. Thủ tướng cũng đã bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục đầu tư, lấy Việt Nam làm cứ điểm sản xuất - kinh doanh, qua đó, góp phần cùng Việt Nam phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển nhanh và bền vững…
Đáp lời, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã khẳng định mối quan tâm đến thị trường Việt Nam và cho biết, mong muốn được mở rộng đầu tư kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng chiến lược, đặc biệt là giao thông, các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, điện tử, công nghệ thông tin, năng lượng sạch…
Nếu các kế hoạch này thành hiện thực, vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng về chất lượng, góp phần quan trọng đưa Việt Nam tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Hôm Dự án Lite-On được khởi công xây dựng, ông Shiro Sadoshima, cố vấn điều hành của AMATA Corporation PCL, đơn vị đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Sông Khoai đã cho rằng, việc Lite-On quyết định đầu tư 690 triệu USD vào Amata City Hạ Long không chỉ thể hiện sự tin tưởng vào Amata, mà còn củng cố vị thế của Việt Nam như một bên chủ chốt trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu.
“Việc Lite-On lựa chọn xây dựng sản xuất tại đây các sản phẩm và phụ kiện điện tử công nghệ cao sẽ củng cố hơn nữa hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao tại khu vực của chúng tôi nói chung và tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng”, ông Shiro Sadoshima nhấn mạnh.
Thông tin tích cực là mới đây, Hưng Yên cũng đã đi xúc tiến đầu tư tại Trung Quốc. Và tại hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức tại Thiểm Tây, hàng loạt thỏa thuận hợp tác đã được ký kết. Chẳng hạn, thỏa thuận giữa Xi’an GSR Energy Storage Technology và Quỹ Makara để khảo sát, nghiên cứu đầu tư dự án sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và nhà máy sản xuất thiết bị trạm sạc nhanh và tấm pin lưu trữ; hay thỏa thuận về việc nghiên cứu, khảo sát các địa điểm phù hợp cho dự án nhà máy sản xuất hydro xanh, công suất 3 triệu tấn/năm tại Hưng Yên…
Khi các thỏa thuận được thực hiện, vốn từ Trung Quốc sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam, góp phần gia tăng kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/von-tu-trung-quoc-tang-toc-vao-viet-nam-d267143.html