Vòng 3 quá cỡ hết thời

Cùng với sự trở lại của quần cạp trễ, kẹp bướm và cặp chân mày mỏng, một số bộ phận cơ thể trở nên 'lỗi mốt', điển hình là vòng 3 quá khổ.

Trên mạng xã hội, cuộc trò chuyện về “sự kết thúc của kỷ nguyên BBL” (Brazilian Butt Lift, tạm dịch: Nâng mông kiểu Brazil) được bàn tàn sôi nổi trong nhiều tháng sau khi một số số bức ảnh về Kim và Khlóe Kardashian được lan truyền, theo InStyle.

Những tấm hình cho thấy phần cơ thể phía sau lưng của họ nhỏ hơn đáng kể, dẫn đến một số giả thuyết cho rằng họ có thể đã thực hiện quy trình “đảo ngược” BBL - loại phẫu thuật thẩm mỹ nâng mông mà họ luôn nói rằng chưa từng thực hiện.

Thậm chí, “Kardashian phẫu thuật đảo ngược BBL” trở thành thuật ngữ tìm kiếm đột phá trên Google, tăng hơn 5.000% trong 12 tháng qua. Về cơ bản, mọi người tìm kiếm manh mối cho thấy rằng một vẻ ngoài mảnh mai đang mốt trở lại.

Trào lưu đổi chiều

Bác sĩ Edward Chamata, chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ ở Houston (bang Texas, Mỹ), cho biết thủ thuật nâng mông kiểu Brazil, về mặt kỹ thuật được gọi là nâng mông mỡ tự thân, bao gồm hút mỡ từ vùng bụng, eo và lưng rồi chuyển nó tới vùng hông và mông.

 Kim Kardashian gắn với biệt danh "siêu vòng 3" khi sở hữu mông cỡ lớn kiểu Brazil. Ảnh: GC Images.

Kim Kardashian gắn với biệt danh "siêu vòng 3" khi sở hữu mông cỡ lớn kiểu Brazil. Ảnh: GC Images.

Kết quả là một thân hình “đồng hồ cát” đầy đặn và nảy nở hơn mà không cần tiêm hay cấy ghép ngoài.

Sự bùng nổ của BBL tiếp tục ngay cả khi có tỷ lệ tử vong cao nhất đối với bất kỳ loại phẫu thuật thẩm mỹ nào, theo báo cáo năm 2017 của Quỹ Nghiên cứu và Giáo dục Phẫu thuật Thẩm mỹ.

Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Quốc tế (ISAPS), số lượng cuộc phẫu thuật nâng mông được thực hiện trên toàn cầu kể từ năm 2015 đã tăng 78% - mức tăng trưởng lớn nhất so với bất kỳ loại phẫu thuật thẩm mỹ nào.

Chỉ riêng trong năm 2020, đã có 40.320 ca nâng mông được tiến hành với tổng doanh thu hơn 140 triệu USD, theo một báo cáo từ The Aesthetic Society.

Hiện trào lưu có vẻ đã đổi chiều. Lara Devgan, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ hàng đầu được chứng nhận ở thành phố New York, người đã ngừng thực hiện các cuộc phẫu thuật nâng mông bởi “mức độ rủi ro không thể chấp nhận được”, nghĩ rằng thời gian tới, mọi người sẽ không tìm kiếm vòng mông quá khổ như họ từng làm trước đây.

Bà nhận thấy sự quan tâm tới các thủ thuật “tự nhiên” hơn, không xâm lấn như tiêm kích thích collagen cho một vòng 3 săn chắc, có chiều hướng gia tăng.

Rủi ro cao

Cùng với đó, nhiều người từng thực hiện BBL muốn lấy lại vòng 3 thuở ban đầu của mình hoặc ít nhất là giảm kích thước. Tuy nhiên, bác sĩ Chamata cho biết những cuộc phẫu thuật đảo ngược khá phức tạp, khó khăn và rủi ro lớn, như một vòng mông “xẹp xuống, chảy xệ hoặc không tự nhiên”.

Chưa kể đến, một cuộc phẫu thuật đảo ngược BBL rất tốn kém, có giá 5.000-30.000 USD. Ngay cả khi có đủ tiền và đặt lịch với bác sĩ phẫu thuật giỏi nhất thế giới, việc giảm kích thước vòng 3 sau khi đã nâng mông thực sự là không khả thi, theo bác sĩ Devgan.

 Những hình ảnh đã qua chỉnh sửa trên mạng xã hội có thể gây ra ảo tưởng về cơ thể mà ngay cả phẫu thuật thẩm mỹ cũng không thực hiện được. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Những hình ảnh đã qua chỉnh sửa trên mạng xã hội có thể gây ra ảo tưởng về cơ thể mà ngay cả phẫu thuật thẩm mỹ cũng không thực hiện được. Ảnh: Ron Lach/Pexels.

Hầu hết bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đều cho rằng sự bùng nổ ban đầu của trào lưu nâng mông kiểu Brazil là do tác động từ các ngôi sao nổi tiếng và người có ảnh hưởng, những người có thể phẫu thuật chỉnh hình trong bí mật, hoặc sử dụng công cụ chỉnh ảnh để phóng đại vòng 3 với tỷ lệ mà ngay cả phẫu thuật thẩm mỹ cũng không thể thực hiện được.

Nếu ai đó thực sự thay đổi cơ thể của mình chỉ để bắt kịp các trào lưu trên mạng xã hội diễn ra theo chu kỳ vài năm một lần, việc phẫu thuật thẩm mỹ sẽ không thể giúp đỡ được họ.

Tiến sĩ David Sarwer, đến từ Trường Y tế Công cộng tại Đại học Temple (Mỹ), người thực hiện nghiên cứu về các khía cạnh tâm lý trong phẫu thuật thẩm mỹ suốt 25 năm qua, cho biết mọi người nên có động cơ làm đẹp thích hợp, rằng họ đang làm điều đó cho chính mình, cũng như có cái nhìn thực tế về việc phẫu thuật thẩm mỹ sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của họ.

Nhìn chung, rõ ràng các bộ phận và hình dáng cơ thể không nên được đối xử như một chiếc quần jeans bó sát hoặc cặp chân mày mỏng.

“Bạn không thể cứ thay cơ thể mới sau mỗi 3 năm như vậy”, bác sĩ Devgan khẳng định.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vong-3-qua-co-het-thoi-post1360794.html