Vòng chung kết EURO 2024: Thành tích vòng bảng có phải là thước đo sức mạnh?
Các đội bóng lớn tại EURO 2024 đã có những màn trình diễn rất khác nhau tại vòng đấu bảng. Có những đội thể hiện được sức mạnh và nhận về kết quả tương xứng với năng lực được kỳ vọng. Ngược lại, cũng có những đội bóng gây thất vọng lớn dù được đánh giá rất cao. Vậy thành tích ở vòng đấu bảng liệu có phải là thước đo chính xác cho sức mạnh và cơ hội vô địch của các ứng viên?
Bước khởi đầu khác biệt
Đức và Tây Ban Nha chắc chắn là hai đội bóng được đánh giá cao nhất sau các trận đấu ở vòng bảng EURO 2024. Đội chủ nhà Đức đã thể hiện sức mạnh đáng nể với lối chơi tấn công đầy cảm hứng và hiệu quả. Họ dễ dàng đè bẹp Đội tuyển Scotland với tỷ số cách biệt 5-1 ở trận khai mạc và có vé vào vòng knock-out ngay lượt trận thứ 2 sau chiến thắng thuyết phục trước Đội tuyển Hungary. “Những cỗ xe tăng” gặp đôi chút khó khăn trước Đội tuyển Thụy Sĩ ở lượt trận cuối, nhưng họ vẫn tìm được bàn thắng gỡ hòa ở phút bù giờ nhờ công của “siêu dự bị” Niclas Fullkrug. Nhờ pha lập công quý giá này, Đội tuyển Đức vẫn giữ được ngôi đầu bảng và bước vào vòng knock-out với thành tích bất bại.
Tây Ban Nha là đội tuyển thứ hai có vé đi tiếp sau chủ nhà Đức. Đó là kết quả hoàn toàn xứng đáng với những gì mà thầy trò huấn luyện viên De La Fuente đã thể hiện. Rơi vào bảng đấu được đánh giá là khó khăn với hai đối thủ Croatia và Italia, Tây Ban Nha đã lần lượt vượt qua những thử thách một cách hoàn toàn thuyết phục. “Bò tót” đè bẹp Croatia với chiến thắng 3 bàn cách biệt. Đến trận đấu với nhà đương kim vô địch Italia, Đội tuyển Tây Ban Nha cũng thể hiện sự vượt trội hoàn toàn về mặt thế trận. Sự kết hợp hoàn hảo giữa những cựu binh dày dạn kinh nghiệm và các tài năng trẻ mang tới cho La Roja một hình ảnh đầy tích cực. Không có gì bất ngờ khi Đội tuyển Tây Ban Nha đang được đánh giá là ứng viên nặng ký cho chức vô địch.
Ngược lại với Đức và Tây Ban Nha là Anh và Pháp, hai đội tuyển được đánh giá cao nhất trước khi EURO 2024 khởi tranh. Về mặt kết quả thì cả “Tam sư” và Les Bleus đều “hoàn thành nhiệm vụ”. Song màn trình diễn của họ không thể khiến người hâm mộ hài lòng. Đội tuyển Pháp chỉ ghi đúng 1 bàn ở 2 lượt trận đầu tiên và pha lập công đó lại đến từ tình huống phản lưới nhà của hậu vệ Đội tuyển Áo. Chấn thương bất ngờ của Mbappe cùng sự vô duyên của những cầu thủ còn lại trên hàng công như Marcus Thuram, Antoine Griezmann mang đến nhiều nỗi lo cho người hâm mộ Les Bleus.
Trong khi đó, vấn đề chính của “Tam sư” lại là... huấn luyện viên Gareth Southgate. Sở hữu một lực lượng cực kỳ tài năng, nhưng nhà cầm quân sinh năm 1970 cho thấy, ông chưa tìm ra cách để kết hợp các siêu sao trở thành một tập thể đáng gờm. Đội tuyển Anh thi đấu rất chật vật và không thể lấn át các đối thủ như kỳ vọng của người hâm mộ. Những màn trình diễn nhợt nhạt của “Tam sư” chỉ chứng tỏ dàn sao thượng hạng đang thật sự bị lãng phí bởi Southgate.
Vòng bảng đá hay chưa chắc đã vô địch
Người hâm mộ của Đội tuyển Anh và Đội tuyển Pháp chưa hài lòng về những gì hai đội đã thể hiện, nhưng chắc chắn không thể loại hai đội bóng này khỏi danh sách ứng viên vô địch. Ngược lại, thành tích của Đội tuyển Đức và Đội tuyển Tây Ban Nha trước khi bước vào vòng knock-out cũng không phải là sự đảm bảo cho khả năng đăng quang của họ.
Lịch sử EURO trong thế kỷ XXI cho thấy, các đội chơi tốt nhất ở vòng bảng lại thường không chạm tay đến vinh quang sau cùng. Tại EURO 2004, đội bóng chơi hay nhất vòng bảng là Cộng hòa Czech. Với thế hệ vàng của Pavel Nedved, Tomas Rosicky, Jan Koller, Milan Baros..., họ đánh bại cả hai đối thủ sừng sỏ Đức và Hà Lan để có được ngôi đầu. Thế nhưng Cộng hòa Czech đã phải dừng chân ở bán kết trước hiện tượng Hy Lạp, đội sau đó lên ngôi vô địch.
Đến EURO 2008, “Cơn lốc màu da cam” Hà Lan gây ấn tượng mạnh khi cuốn phăng cả đương kim vô địch và đương kim á quân thế giới lúc đó là Italia và Pháp bằng những tỷ số khó tin (lần lượt là các chiến thắng 3-0 và 4-1). Hà Lan được đánh giá rất cao khi bước vào vòng knock-out, song họ lại bất ngờ thất bại trước Đội tuyển Nga ở tứ kết trong một trận đấu mà ngôi sao Andrei Arshavin tỏa sáng rực rỡ.
EURO 2012 chứng kiến Đội tuyển Đức thống trị bảng tử thần với 3 trận thắng thuyết phục trước Bồ Đào Nha, Hà Lan và Đan Mạch. “Những cỗ xe tăng” bị chặn lại ở bán kết trước kình địch Italia với màn trình diễn để đời của Mario Balotelli.
EURO 2016 mà minh chứng rõ nhất cho việc một đội xuất phạt chậm vẫn có thể chạm tay vào vạch đích đầu tiên. Đội tuyển Bồ Đào Nha chỉ có vỏn vẹn 3 điểm sau 3 trận hòa ở vòng bảng và có vé vào vòng knock-out theo diện “đội xếp thứ 3 có thành tích tốt”. Ở vòng knock-out, Cristiano Ronaldo và các đồng đội lần lượt vượt qua Croatia, Ba Lan và Xứ Wales trước khi đánh bại đội chủ nhà Pháp trong trận chung kết tại sân Stade de France để đem về danh hiệu lớn đầu tiên cho bóng đá Bồ Đào Nha.
Có lẽ EURO 2020 là giải đấu hiếm hoi mà một đội bóng chơi nổi bật ở vòng bảng và tiến thẳng đến ngôi vô địch. Đội tuyển Italia đã toàn thắng ở vòng bảng với lối chơi quyến rũ khác hẳn truyền thống. Họ tiếp tục có những bước tiến vững chắc ở vòng knock-out trước khi đánh bại Đội tuyển Anh trong trận chung kết diễn ra ngay tại “thánh địa” Wembley của người Anh.
Thành tích ở vòng bảng không hẳn đã khẳng định sức mạnh của các đội bóng. Những đội xuất phát chậm hoàn toàn có thể đạt điểm rơi phong độ khi giải đấu bước vào vòng knock-out. Trong khi những đội bộc lộ sức mạnh quá sớm cũng phải đối mặt nguy cơ bị bắt bài. Người hâm mộ bóng đá thế giới chắc chắn sẽ được chứng kiến những diễn biến đầy thú vị trong chặng đường tiếp theo của EURO 2024.
2 đội bóng hay nhất EURO 2024 cho đến lúc này là Đội tuyển Đức và Đội tuyển Tây Ban Nha nhiều khả năng sẽ phải loại nhau ở tứ kết. Nhánh đấu tại vòng knock-out EURO 2024 chỉ ra đội nhất bảng A (Đức) và nhất bảng B (Tây Ban Nha) sẽ gặp nhau ở tứ kết nếu cùng vượt qua vòng 1/8. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là một cuộc thư hùng rất đáng chờ đợi.