Vòng đàm phán Mỹ-Trung tiếp theo có thể tạo ra đột phá?
Trong suốt 18 tháng qua, các vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung không những không tạo ra kết quả khả quan nào mà còn dẫn đến gia tăng nhiều quyết định áp thuế giữa hai nước. Song các nguồn tin ở Trung Quốc nắm bắt rõ các thông tin nội bộ cho biết vòng đàm phán sắp tới sẽ khác.
Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo, trong cuộc điện đàm hôm 5-9, Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin cùng Đại diện thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, nhất trí sẽ gặp nhau vào đầu tháng 10 ở Washinhton để nối lại đàm phán thương mại.
Thông báo cũng cho hay các quan chức cấp thấp của hai bên sẽ tiến hành các cuộc thảo luận nghiêm túc vào giữa tháng này để chuẩn bị cho vòng đàm phán tiếp theo.
Bình luận về thông tin này trên Twitter, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, phụ san của tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dự báo cả hai nước có thể đạt được đột phá trong vòng đàm phán sắp tới.
“Trung Quốc và Mỹ đã thông báo vòng đàm phán mới và sẽ làm việc để tạo ra tiến triển quan trọng. Về mặt cá nhân, tôi cho rằng Mỹ đang mệt mỏi vì chiến tranh thương mại và có thể không còn hy vọng đập tan ý chí của Trung Quốc. Có khả năng cao hơn về kết quả đàm phán đột phá giữa hai bên”, ông cho biết.
Các phát biểu của ông Hồ Tích Tiến thường được các nhà đầu tư ở Phố Wall theo dõi chặt chẽ để nắm bắt sâu hơn về tình hình chiến tranh thương mại.
Gần đây nhất, hôm 23-8 ông cảnh báo trên Twitter về việc Trung Quốc sẽ đáp trả vòng áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump nhằm vào thêm 300 tỉ đô la hàng hóa của nước này. Chỉ vài giờ sau đó, chính phủ Trung Quốc chính thức ra tuyên bố tăng thuế với hàng hóa Mỹ để trả đũa.
Trái với nhận định của ông Hồ Tích Tiến cho rằng Mỹ đang mệt mỏi vì chiến tranh thương mại, nhà bình luận Jim Cramer, cựu quản lý một quỹ phòng hộ, nói rằng Tổng thống Trump có thể tiếp tục áp dụng lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc về thương mại vì nền kinh tế Mỹ vẫn vận hành ổn định. Ông cho biết các dữ liệu mới nhất cho thấy thị trường lao động và sức mua của người tiêu dùng Mỹ vẫn vững mạnh, do vậy Trung Quốc cần cuộc đàm phán sắp tới hơn phía Mỹ.
Hôm 5-9, một cây bút có tên gọi Taoran Notes của tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) trên mạng xã hội WeChat cũng đăng bài bình luận nói rằng có khả năng cao sẽ có “những diễn biến mới” trong vòng đàm phán Mỹ-Trung sắp tới.
Bài bình luận lưu ý thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 5-9 nói rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành các cuộc tham vấn vào giữa tháng 9 để chuẩn bị cho “tiến triển quan trọng” trong cuộc đàm phán cấp bộ trưởng vào đầu tháng 10. Theo đó, bài viết chỉ ra rằng cụm từ “tiến triển quan trọng” chưa bao giờ được Trung Quốc sử dụng kể từ khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung sụp đổ hồi đầu tháng 5.
Hồi tháng 5, Taoran Notes là kênh bình luận sớm nhất ở Trung Quốc về lời đe dọa của Tổng thống Trump tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc. Lúc đó, Hong Hao, nhà chiến lược trưởng ở công ty Bocom International Holdings tại Hồng Kông, nhận định: “Chính phủ Trung Quốc chắc chắn đứng đằng sau Taoran Notes, nếu không, làm sao blog này được phép đăng tải các bình luận về thương mại mà các kênh truyền thông khác ở Trung Quốc không thể?”.
Hôm 6-9, cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Carlos Gutierrez, chủ tịch công ty tư vấn chiến lược Albright Stonebridge Group, nhận định tình hình đàm phán Mỹ-Trung sắp tới “có một chút lạc quan” sau khi ông Hồ Tích Tiến nói hai nước có khả năng sẽ tạo được kết quả đàm phán đột phá.
Tuy nhiên, ông lưu ý môi trường hiện nay không thuận lợi để tiến đến một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Ông cho rằng Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11-2020, song đó phải là “một thỏa thuận rất tốt” để Tổng thống Donald Trump có thể thuyết phục cử tri Mỹ bỏ phiếu cho ông.
Theo CNBC
Lê Linh