'Vòng lặp' gameshow Việt
'Cóp nhặt' có lẽ là cụm từ phản ánh chính xác thực tế của nhiều gameshow và chương trình truyền hình thực tế hiện nay. Khi việc mua bản quyền từ nước ngoài không còn nở rộ như vài năm trước, tất yếu các đơn vị trong nước phải tự phát sáng tạo theo cách của mình.
Đơn điệu
The Next Gentleman - Quý ông hoàn mỹ đang là chương trình gây nhiều chú ý cũng như những phản ứng trái chiều từ khán giả với hàng triệu view (lượt xem) trên YouTube và những bình luận sôi nổi.
Qua 3 tập phát sóng đầu tiên, có thể thấy format (định dạng chương trình) có nhiều điểm chung với các chương trình truyền hình thực tế về lĩnh vực người mẫu khá đình đám trước đây: Người mẫu Việt Nam (Vietnam’s Next Top Model), Gương mặt thương hiệu (The Face Vietnam)… Mô-típ của những chương trình dạng này là các huấn luyện viên chọn thí sinh, sau đó chia đội và thi đấu. Họ sẽ lần lượt trải qua các thử thách loại trừ khác nhau để tìm ra gương mặt xứng đáng đăng quang.
Việc các gameshow, chương trình truyền hình thực tế có định dạng na ná nhau càng phổ biến ở mảng âm nhạc. Một thời gian dài sau Giọng hát Việt, thịnh hành mô-típ huấn luyện viên chọn thí sinh theo kiểu giấu mặt, sau đó dùng mọi chiêu trò để thu hút họ về đội của mình. Hình thức này từng xuất hiện ở Nhân tố bí ẩn, Thần tượng đối thần tượng, Rap Việt, Tuyệt đỉnh song ca… Phổ biến không kém là hình thức các thí sinh trình diễn trên sân khấu, sau đó ban giám khảo bên dưới sẽ lần lượt nhận xét từng tiết mục và đánh giá cho điểm.
“Vòng lặp” này càng phổ biến khi các chương trình truyền hình về hẹn hò nở rộ trên sóng cách đây vài năm. Công thức chung của hầu hết chương trình là người chơi sẽ giấu mặt (hoặc đeo mặt nạ) và trò chuyện để tìm hiểu về đối phương. Chỉ khi đưa ra quyết định cuối cùng, cả hai mới có cơ hội gặp mặt trực tiếp.
Theo NSƯT Vũ Thành Vinh, Giám đốc Truyền thông Khang (KMedia): “Để sáng tạo một phiên bản mới toanh và có dấu ấn riêng biệt là điều vô cùng khó khăn. Dễ nhận thấy trên sóng hiện nay là các format chương trình giống nhau khá nhiều. Các đơn vị sản xuất sẽ học hỏi mỗi nơi một chút, sau đó biến tấu thành bản quyền của mình”.
Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Tổ hợp Giải trí và truyền thông Mega GS, nói: “Bất cứ format mới nào trên thế giới ra đời đều được các đơn vị trong nước săn lùng, mua bản quyền về thực hiện tại Việt Nam nhưng tuổi thọ thường không kéo dài được bao lâu. Sức ép thị trường tất yếu khiến họ phải tự biên, tự diễn và biến cái của người ta thành của mình, dù không phải sáng tạo nào cũng mới mẻ và độc đáo”.
Vòng luẩn quẩn
Việc các đơn vị sản xuất buộc phải tự sáng tạo các format mới có nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan chi phối. “Trong bối cảnh thị trường gameshow đang lắng xuống, doanh thu quảng cáo thấp, đơn vị sản xuất nào cũng phải tiết giảm chi phí nên không thể bỏ số tiền lớn mua bản quyền”, bà Bích Liên bộc bạch.
Nhưng điều quan ngại hơn cả là tình trạng “phá” gameshow đã và đang diễn ra suốt thời gian qua. Khi mua bản quyền các format, dù hay đến mấy nhưng nếu không thể duy trì chất lượng thì cũng nhanh chóng rơi vào tình trạng chết yểu. Hàng loạt chương trình đình đám một thời: Thần tượng Việt Nam - Vietnam Idol, Giọng hát Việt, Nhân tố bí ẩn, Vietnam’s Got Talent, Bước nhảy hoàn vũ, Cuộc đua kỳ thú, Gương mặt thân quen, Cặp đôi hoàn hảo… minh chứng cho điều đó. Vòng luẩn quẩn này khiến tuổi đời của gameshow ngày càng ngắn đi là điều tất yếu.
Không khó để nhận ra nhiều gương mặt quen thuộc, thậm chí đã nổi tiếng, liên tục phủ sóng. Họ giống như “mồi câu” để thu hút khán giả và tham gia gameshow là một nghề. Hệ quả là các quán quân, thậm chí nhiều người đăng quang vài cuộc thi khác nhau, vẫn khó được khán giả nhắc nhớ.
Chưa kể, nhiều chương trình thay vì tập trung vào thí sinh, sự chú ý lại đổ dồn về các huấn luyện viên với những drama (tính kịch) đã quá cũ mòn. Ai cũng hiểu, tạo drama là tất yếu vì nó góp phần kích thích người xem, nhưng đồng thời là con dao hai lưỡi khiến chương trình hoặc được chú ý, hoặc nhận sự tẩy chay từ khán giả. Khi không đủ hấp dẫn, không có đầu tư tương xứng, thí sinh không nổi bật, phản ứng dây chuyền tất yếu xảy ra đẩy các chương trình vào cảnh sớm nở, tối tàn. Một vòng đời mới lại tiếp diễn với các format mới và rồi lại đi vào vết xe đổ cũ.
Theo thống kê từ Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Media Vietnam, các chương trình Một trăm triệu một phút, Thử thách trốn thoát, Nhà vô địch, Ai là triệu phú... vẫn có sức hút riêng với lượng theo dõi ổn định.
“Hơn ai hết, nhà sản xuất phải đặt cái tâm vào từng chương trình, không cho phép mình được cẩu thả và luôn mang đến thông điệp tích cực cho khán giả”, NSƯT Vũ Thành Vinh chia sẻ.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vong-lap-gameshow-viet-799431.html