Vọng lên từ lòng đất
Quảng Trị, dấu tích chiến tranh cất giữ trong lòng đất có lẽ còn nhiều hơn những gì đang lộ thiên trên vùng quê này. Chẳng hiểu vì sao tôi luôn hình dung tới một cuộc sống khác trong thế giới khác ở một nơi vô cùng khốc liệt trong cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm.
Thấm thoắt cũng đã gần nửa thế kỷ ngày cuộc chiến kết thúc; chúng ta không còn nhìn đối phương là kẻ thù nữa. Chẳng còn gì tốt đẹp hơn thế khi kẻ từng “tìm và diệt” Việt cộng đã trở thành bạn, là đối tác chiến lược của nước ta trên tinh thần “khép lại quá khứ hướng tới tương lai”. Sự hòa giải, gắn kết tốt đẹp đến mức có lúc ta tưởng cuộc chiến tranh đẫm máu xảy ra trên dải đất hình chữ S kéo dài hơn hai mươi năm từ 1954 đến 1975 ấy chỉ là cơn ác mộng.
Tuy nhiên không phải thế, nước Mỹ dai dẳng “hội chứng chiến tranh Việt Nam”, nói như giáo sư-nhà thơ nổi tiếng Bruce Weigl thì cuộc chiến tranh Việt Nam đã ăn mòn nước Mỹ. Còn hơn thế, ông đã nhìn thấy chiều sâu tâm hồn và bản lĩnh dân tộc ta qua hình ảnh người mẹ Việt Nam: Dậy thì khi lúa trổ đòng/ bóng tối hậm hực muốn nhấn chìm vẻ đẹp/ Mẹ vẫn rì rào xanh mướt xanh/ tự do chảy qua những cánh đồng/ rễ bám đất cưu mang đòng nặng hạt/ Khi lúa chín, mẹ hái gặt điều thiêng liêng nhất/ của đời mình bằng tiếng hát/ bằng yêu thương sâu thẳm trong tim/ bằng nước mắt, tiếng cười ngày làm mẹ...
Tôi đã được gặp ông tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Bruce Weigl kể rằng, thời chiến tranh ông đã ở Quảng Trị hai năm 1968-1969 trong tư thế một lính viễn chinh Mỹ. Nghĩa là lúc đó người lính Mỹ ấy sẵn sàng nhả đạn vào những nhà thơ, nhà văn Việt cộng đang ngồi chuyện trò vui vẻ với ông hôm nay. Tôi hỏi ông: “Nhà thơ đã trở lại Quảng Trị chưa?”. Ông hơi cúi đầu trả lời: “Vài ngày nữa chúng tôi sẽ đến đó. Đến Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9”.
Tôi nói rất khẽ: “Hơn hai mươi nghìn đồng đội của chúng tôi đang sống ở đó, trong lòng mảnh đất họ từng chiến đấu…”. Những giọt nước mắt bỗng ứa ra trên gương mặt nhà thơ cựu binh Mỹ. Ông đã đến ôm tôi rất chặt khi nghe tôi đọc xong bài thơ “Bông huệ trắng” và được nhà thơ Phan Thị Quế Mai dịch sang tiếng Anh. Bài thơ này tôi viết tại Quảng Trị năm 1995 sau khi đi thăm đồng đội ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn về.
Cuộc trở về, trở lại của những người lính đã hy sinh là hình dung mồn một trong tôi. Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay/giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu/những người lính trở về xòe tay trên bếp khói/giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm/những người lính trở về đánh rạ dọn rơm/giấc mơ mẹ bay là dòng sữa trắng/những người lính trở về cười ngượng nghịu/ giấc mơ người bật dậy tiếng oa oa…Và, đây nữa, khúc tình ca sau chiến tranh tôi gửi gắm vào thi phẩm: Những người lính tay cầm bông huệ trắng/đứng ngắm em bên giếng nước làng/nước quê mẹ soi trăng sao vằng vặc/những giọt khuya buông xuống khẽ khàng/cỏ kéo da non qua vết thương sâu thẳm/ qua bờ vai thiếu phụ bão giông…Âm hưởng thi ca ấy vọng lên từ lòng đất Quảng Trị khắc khoải đau thương như giấc mơ của những người lính bất tử.
Tôi đã nghe, tôi đã thấy những vô hình thiêng liêng trên mảnh đất đang hồi sinh này. Còn câu chuyện sau đây làm cho tôi tin thêm sự bất tử linh thiêng của các liệt sĩ. Họ đã sống và đang sống cùng chúng ta trong những lo toan và hy vọng của đời thường. Mùa hè năm 1996, từ Đông Hà, Quảng Trị tôi được tạp chí Văn nghệ quân đội mời đi trại sáng tác tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Có một đêm tôi thao thức không sao ngủ được. Có điều gì đó dâng lên làm tôi nao nao bồn chồn.
Bỗng nhiên, trước mắt tôi hiện lên hình ảnh những nấm mộ nằm san sát bên nhau ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nơi thượng nguồn sông Bến Hải. Tôi có cảm giác đang ở trong một không gian tuyệt đối im lặng phủ đầy bóng núi xa xăm. Rồi những câu thơ bỗng bật lên bên tôi như có ai đang thì thào đọc vậy. Nằm kề nhau/Những nấm mộ giống nhau/Mười nghìn bát hương, mười nghìn ngôi sao cháy/Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng/Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn…
Tôi vội ngồi dậy, bật đèn chép ra giấy những câu thơ bi tráng đang nối nhau hành quân qua trước mặt. Biển hưng hửng sáng cũng là lúc bài thơ hoàn thành. Tôi lặng im ngồi trước trang giấy chi chít chữ và ngắm nghía nó. “Khát vọng Trường Sơn” của tôi ra đời như thế và tác phẩm đã có số phận thật cảm động. Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1996.
Tuy nhiên cái đáng nói hơn là thi phẩm đã được nhiều bạn đọc biết đến với sự đồng cảm sâu sắc. Các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Võ Thế Hùng, Văn Chừng đã phổ nhạc “Khát vọng Trường Sơn”. Nếu không có tiếng vọng từ lòng đất sâu thẳm, không có sự sống huyền diệu của những sư đoàn bất tử thì làm sao tôi viết được: Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn/ Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/ Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/ Mười nghìn con đò chưa về bến đợi/ Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa…
Những hạt giống chưa về phù sa… Đất còn mang trong đó những day dứt và khát vọng của hôm qua, của quá khứ bi tráng. Điều đó lý giải một phần vì sao sau chiến tranh văn học lại xoáy sâu vào nỗi mất mát, thương đau của dân tộc nhiều thế. Giá trị của hòa bình, của độc lập tự do, của thống nhất non sông sẽ vô giá vì đó là kết quả của những hy sinh vô tận. Về Quảng Trị ta càng thấm thía hơn điều đó qua những di tích chiến tranh không nơi nào có. Ngay như thị trấn Cam Lộ nơi tôi đang sống cũng mang những câu chuyện cảm động về một thời đã qua.
Tết Mậu Thân 1968 trong trận đánh vào Chi khu quân sự Cam Lộ bất thành, 108 bộ đội ta đã hy sinh. Đối phương dùng máy ủi đào hào sâu rồi kéo xác anh em ta xuống đó lấp lại. Đất được san phẳng chẳng để lại dấu vết gì. Hết chiến tranh, dân trở về làm nhà dựng cửa trên mảnh đất lô xô lau cỏ. Đinh Ngọc Hoàng, chuyên rửa xe, sửa xe ở thị trấn Cam Lộ một hôm sang giúp anh trai đào hố trồng cây tình cờ phát hiện ra ba hài cốt. Những đôi dép cao su không phân hủy giúp người sống xác định được đây là hài cốt bộ đội mình.
Và sau đó những hài cốt chiến sĩ ta hy sinh trong trận đánh vào Chi khu quân sự Cam Lộ tết Mậu Thân tiếp tục được tìm ra nhưng không xác định được danh tính cụ thể. Một nấm mộ chung của các anh ở Nghĩa trang quốc gia Đường 9. Một bia tưởng niệm 108 chiến sĩ hy sinh anh dũng được dựng lên giữa lòng thị trấn Cam Lộ ngay bên cạnh nhà Đinh Ngọc Hoàng. Hoàng và Mai, hai vợ chồng thật thà chăm chỉ ấy trở thành hai người em thân thiết của vợ chồng tôi.
Bắt đầu từ chuyện Đinh Ngọc Hoàng là nhân vật trong bút ký “Tiếng vọng từ Cam Lộ” của tôi in tạp chí Văn nghệ quân đội từ năm 1997. Phải chăng, các liệt sĩ sống khôn chết thiêng đã dẫn dắt, kết nối anh em chúng tôi lại. Những người hy sinh cho đất nước luôn mong điều lành cho Nhân dân. Và tôi nghĩ chúng ta nên sống, hãy sống vì thế giới khác, cho thế giới khác bằng tấm lòng trong sáng.