Vòng nguyệt quế cho hạt gạo làng ta
Năm 2017, gạo ST24 của Việt Nam đã lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi World's Best Rice tại Macao do The Rice Trader tổ chức. Năm 2019, gạo ST25 của Việt Nam đã được trao giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi như trên tại Philippines. Năm 2020, gạo ST25 nhận giải nhì gạo ngon nhất thế giới của cuộc thi này tổ chức tại Mỹ.
Nhiều tranh luận về thứ hạng của gạo ST25 Việt Nam, nhưng cũng không ít người có tầm nhìn khác: “Chúng ta hãy tự hào vì đã có các dòng giống lúa mang thương hiệu ST, gạo nhãn hiệu ST của Việt Nam đàng hoàng hiện diện trong các siêu thị nước ngoài. Thứ hạng nhất, nhì của ST25, trong Top 3 của ST24 trong 3 năm liên tục đã làm đậm hình ảnh gạo Việt Nam, khẳng định Việt Nam đã qua thời kỳ xuất khẩu gạo theo số lượng, đang hướng đến xuất khẩu gạo chất lượng cao. Gạo Việt Nam đã là một trong ba loại gạo ngon nhất thế giới. Điều này khiến cho người nước ngoài chú ý ngày càng nhiều, chỉ cần thấy gạo ST là nghĩ đến gạo ngon, nghĩ đến Việt Nam”.
Về Sóc Trăng, nghe câu chuyện lúa gạo mới thấy quý tinh thần quyết làm rạng danh gạo Việt Nam như thế nào. Từ năm 1993, trong bối cảnh ngân sách còn thiếu trước hụt sau, nhưng UBND tỉnh Sóc Trăng đã xuất ngân sách mua trữ hơn 600 tấn lúa giống KDM (một giống lúa thơm) tính chuyện đầu tư cho sản xuất. Người mang giống lúa KDM về Việt Nam là GS.TS. Võ Tòng Xuân và kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các đồng nghiệp, cộng sự đã nghiên cứu giống lúa thơm ấy và phát triển mạnh ở Sóc Trăng. Trong gần 30 năm miệt mài nghiên cứu, khảo nghiệm và ứng dụng thực tế, thời gian không ngắn chút nào, những người đam mê và giàu tâm huyết đã lai tạo và cải tiến để có dòng lúa thơm ST gồm nhiều giống khác nhau đưa ra thị trường thế giới một cách tự tin.
Năm 2015, gạo AGPPS 103 của Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cũng lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới. Như vậy, sau gần 30 năm xuất khẩu, đến nay Việt Nam đã có 3 loại gạo được vinh danh trên trường quốc tế. Nói như GS.TS. Võ Tòng Xuân: “Kết quả trên có một ý nghĩa hết sức quan trọng, là sự “đóng dấu” chính thức cho thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Việt Nam đang được xem là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng không thể mãi dựa vào sản lượng để đạt kim ngạch. Thay đổi tư duy từ thay đổi cơ cấu giống lúa theo hướng gia tăng giá trị hạt gạo, kết hợp tổ chức cánh đồng lớn, chúng ta sẽ đưa những nông dân nhỏ ra với thế giới rộng lớn. Đó là mong mỏi của kỹ sư Hồ Quang Cua. Các dòng lúa thơm ST đang khơi nguồn cho khát vọng làm giàu của hàng trăm nghìn nông dân trên khắp miền đất nước.
Trên kênh truyền hình “Ký ức Việt Nam” thỉnh thoảng chiếu lại những bộ phim được quay dựng vào thời bao cấp với hình ảnh mua gạo, lương thực, thực phẩm bằng tem phiếu, hình ảnh chính những nông dân trồng ra lúa gạo, mang đi sang tỉnh khác cho người thân trong gia đình cũng bị bắt giữ lại. Khoảng 10 năm thiếu lương thực, đến năm 1988, nước ta còn phải nhập khẩu gần 200 ngàn tấn lương thực. Ðột nhiên năm 1989, Việt Nam xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo.
Có thể nói năm 1989 là một năm rất đặc biệt, lúc đó cùng với một số nước Đông Nam Á, Việt Nam đang vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế. Đầu tư vào nông nghiệp thấp, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn. Thế thì do đâu một đất nước đang nhập lương thực mỗi năm thành xuất khẩu hơn một triệu tấn gạo.
Lúc ấy miền Bắc thiếu gạo thay vì chở gạo từ trong Nam ra, chúng ta nhập khẩu gạo thẳng về miền Bắc, còn gạo thừa trong miền Nam thì xuất khẩu để thu ngoại tệ. Nhờ vậy, chúng ta đã biết thế nào là xuất khẩu gạo, có được chút ít kinh nghiệm về thương mại và chế biến gạo xuất khẩu. Đầu tiên Việt Nam xuất khẩu loại gạo 25% tấm đến châu Phi và châu Á, sau đó đến vài nước ở các khu vực khác. Những vấp váp trên thương trường thời kỳ đầu cũng khá nhiều, chẳng hạn để có đủ gạo cho một hợp đồng, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã huy động 2 - 3 công ty lương thực chung sức thu mua, chế biến; rồi bị bắt lỗi bộ chứng từ nên không được thanh toán tiền, theo đuổi vụ kiện tụng gần 2 năm.
Những kinh nghiệm thực tế về thương mại quốc tế đã được đúc kết lại để doanh nghiệp Việt Nam liên tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong nhiều năm sau này. Năm 1999, nước ta xuất đạt 4,5 triệu tấn gạo, đã tạo được vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo.
Sau hơn 30 năm, đến nay mỗi năm Việt Nam có thể xuất khẩu từ 6 triệu đến 7 triệu tấn gạo không có gì khó khăn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Hạt gạo Việt Nam có mặt tại trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Bước tiếp theo, vừa đảm bảo những vùng sản xuất lúa gạo có lợi thế nhất của Việt Nam tiếp tục phát triển, từ nông dân đến doanh nghiệp vừa muốn hướng lúa gạo tăng chất lượng, mà giảm giá thành sản xuất, tăng giá bán cạnh tranh có lợi nhất trong tương lai.
Điều đó nay đã thành hiện thực. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ giữa tháng 8/2020, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đã vươn lên dẫn đầu thế giới. Gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 493 - 497 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 20 USD/tấn, Pakistan 70 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ 115 USD/tấn.
Đó có thể xem là một dấu ấn mới trong lịch sử hơn 30 năm xuất khẩu gạo bởi trong năm 2020 vô vàn khó khăn giữa bối cảnh dịch Covid-19 trên toàn thế giới mà gạo Việt Nam được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao. Các doanh nghiệp nhận định đây là do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện, bên cạnh đó, lợi thế về việc có sẵn nguồn cung và khả năng giao hàng nhanh cũng giúp gạo Việt Nam tạo được uy tín.
Triển vọng tiếp tục thắng lợi trên cuộc trường chinh của gạo Việt Nam ra thế giới được bồi thêm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng tốt hơn một phần nhờ hiệu ứng tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Khi EVFTA có hiệu lực, gạo thơm Việt Nam được ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn/năm. Đây thật sự là cú hích giúp gạo Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh tại EU. EVFTA vừa có hiệu lực đã mang lại những cơ hội tuyệt vời cho gạo Việt Nam: giá gạo ST20 Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) đã đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine trên 600 USD/tấn, một kỷ lục mới của gạo Việt trong hành trình xuất khẩu nhiều năm qua.
Chín giống lúa thơm của Việt Nam xuất khẩu sang EU hiện được hưởng ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch 30.000 tấn, bao gồm: Jasmine 85, ST 5, ST 20, Nàng Hoa 9, VD 20, RVT, OM 4900, OM 5451 và Tài nguyên Chợ Ðào. Tháng 9 năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu hơn 126 tấn gạo thơm sang châu Âu.
Sản lượng lúa thơm vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 5,5 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo thơm. Như vậy, tiềm năng xuất khẩu gạo thơm sang EU còn rất lớn.
Công ty LTP Import Export B.V (Hà Lan) đã nhập dòng gạo ST5 dành cho các nhà hàng và dòng ST20 dành cho các cửa tiệm, siêu thị. Đầu năm 2021, công ty sẽ bán dòng gạo ST24. Công ty này hy vọng trong thời gian sớm nhất có thể thu mua dòng gạo ST25 khi sản lượng gạo này đủ để xuất.
Giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng cao là tin vui. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thích hợp khẳng định thương hiệu gạo Việt thay vì theo đuổi sản lượng.
Điều quan trọng theo các nhà nhập khẩu ở châu Âu, đó là những loại gạo đặc sản Việt Nam cần có dấu ấn của thương hiệu cụ thể và quảng bá chất lượng gạo ngon gắn với thương hiệu đó, chứ không phải chỉ nói gạo Việt Nam chung chung hay gắn với tên địa phương, vùng miền như cách làm trước đây.
Các loại gạo ST25, ST24 đã tạo được hình ảnh thương hiệu “gạo ngon nhất, nhì, trong tốp đầu thế giới”. Nhưng hành trình không thể dừng lại ở đây. Khi EVFTA trong giai đoạn đàm phán trước đây chưa có gạo ST25, ST24. Việt Nam đang tiếp tục đàm phán để bổ sung hai loại gạo này vào danh sách các loại gạo thơm được hưởng ưu đãi thuế quan khi vào thị trường EU. Một khi đã xuất được vào EU với thương hiệu riêng thì tên tuổi gạo Việt Nam càng được thế giới chú ý.
Ðề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030, gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm; phấn đấu đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản. Ưu tiên lựa chọn ba giống gạo đặc sản tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương, hướng tới trở thành thương hiệu quốc gia.
Những hạt gạo bé nhỏ đang đồng hành với những mục tiêu lớn tiếp tục những hành trình mới ra thế giới.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/vong-nguyet-que-cho-hat-gao-lang-ta-1612604679257.htm