'Vòng tay yêu thương'
Ở tỉnh Đắc Lắc, khi nhắc đến nhóm thiện nguyện 'Vòng tay yêu thương', đó là những hộp cơm cho bệnh nhân khó khăn; là ngôi nhà không còn mưa dột, gió lùa cho người nghèo; là tấm áo, chiếc xe đạp nâng bước những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường... Ở đó còn có một người thủ lĩnh thực sự đặc biệt.
Những việc làm tình nghĩa
Tham gia cùng nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” thực hiện Chương trình vì học sinh nghèo tại khu bán trú Trường Tiểu học Cư M’Lan (xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc), chúng tôi ai cũng mong muốn mình sẽ trở thành tình nguyện viên của nhóm trong những hoạt động tiếp theo bởi ý nghĩa, giá trị của chương trình này tạo ra.
Theo kế hoạch phân công, nhóm được chia thành 3 tổ, thực hiện các công việc khác nhau như: Cắt sắt, lên khung, hàn xì... để ráp khung bàn ghế; bắn mặt bàn, ghế vào khung, làm giá sách, bắn móc quần áo lên tường... Trong cái nắng, gió cao nguyên, sau nhiều lần mồ hôi ướt áo rồi lại khô, nhóm đã mang đến cho các em học sinh nơi đây 72 bộ bàn học sinh, 6 giá đựng sách, 100 móc treo quần áo, 4 bộ bàn ăn. Chúng tôi khá bất ngờ khi chứng kiến các tình nguyện viên thực hiện công việc không khác gì một người thợ đóng bàn ghế chuyên nghiệp. Thì ra, chương trình lần này là chương trình thứ 30 do nhóm tổ chức nên ai nấy đều đã quá quen thuộc với công việc.
Quan sát nụ cười trong sáng, hồn nhiên, mãn nguyện của các em học sinh dân tộc Mông khi ngắm nghía những bộ bàn mới, chúng tôi vô cùng xúc động. Các em sẽ không phải viết trên những chiếc bàn đã mục, hư hỏng, xiên vẹo, không còn bị ngứa do mùn ván gây ra; có chăn, màn, gối, khăn mặt, dầu gọi đầu, bột giặt, xà bông tắm... phục vụ sinh hoạt. Thì ra, điều làm các em vui sướng chẳng phải là thứ gì lớn lao, mà đơn giản là có thể đi học với con chữ được tròn đẹp hơn. Cùng các thành viên của nhóm “Vòng tay yêu thương”, chúng tôi hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn đối với các em.
Theo cô giáo Trần Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư M’Lan, nhà trường nằm ở trung tâm của xã, nhưng trong số học sinh của trường, có gần 200 em là người dân tộc Mông theo cha mẹ di cư từ phía Bắc vào. Gia đình các em cách trường học từ 20 đến 40 cây số. Đường đến trường của các em không chỉ xa mà còn rất xấu. Bởi vậy, các em phải ở trọ. Em lớn thì chăm em nhỏ, cuộc sống khó khăn trăm bề. Công trình “Nhà bán trú-cùng em đến trường” vừa đưa vào sử dụng đã đón các em vào sinh hoạt, học tập. Tuy nhiên, dù đã vào khu bán trú nhưng việc sinh hoạt, học tập của các em vẫn còn rất nhiều thiếu thốn. Sau khi hỗ trợ các em học sinh giường, chăn, màn cùng các vật dụng sinh hoạt thiết yếu, nhóm “Vòng tay yêu thương” đã mang đến cho các em những bộ bàn học, giá đựng sách, móc treo quần áo, bàn ăn cơm... giúp các em có điều kiện tốt hơn trong sinh hoạt và học tập.
Sau 30 Chương trình vì học sinh nghèo, “Vòng tay yêu thương” đã mang đến cho các em học sinh tại các trường học còn khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông 380 bàn học sinh mới (trị giá 380 triệu đồng), sửa chữa hơn 400 bàn học bị hỏng (trị giá 100 triệu đồng); 104 suất học bổng (mỗi suất gồm: 1 xe đạp, tiền mặt và đồ dùng học tập trị giá 2,5 triệu đồng); 200 chiếc xe đạp (trị giá 300 triệu đồng); tặng 4.000 áo ấm, cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt, học tập cho học sinh nghèo (trị giá 200 triệu đồng)...
Không chỉ hướng đến những em học sinh thông qua Chương trình vì học sinh nghèo, những năm qua, nhóm “Vòng tay yêu thương” còn tổ chức nhiều hoạt động, chương trình hướng về những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông. Chúng tôi được biết, đã có 5.000 hộp cơm được trao tận tay bệnh nhân nghèo điều trị tại các bệnh viện; 500 suất quà tặng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, người già neo đơn; xây mới 4 căn nhà tình thương; sửa chữa 15 căn nhà nhân ái cho các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai... cùng hàng nghìn phần quà được trao đi trong các chương trình, hoạt động của “Vòng tay yêu thương” trong các dịp lễ, tết hằng năm.
Xuất phát từ trái tim
Nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” được thành lập năm 2012 với 6 thành viên, đến nay là 40 thành viên, thường xuyên tham gia hoạt động. Tuy nhiên, trên cơ sở tự nguyện, thành viên của nhóm có thể thay đổi, có những chương trình có đến hàng trăm tình nguyện viên đồng hành. Thành viên của nhóm chủ yếu là cán bộ, công nhân, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh trên địa bàn. Họ gặp nhau ở một điểm chung, đó là mong muốn được chia sẻ, động viên và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, những số phận kém may mắn...
Chính bởi điểm chung ấy nên mọi thành viên của nhóm đều đặt trách nhiệm lên hàng đầu trong mỗi chương trình, hoạt động. Từ các vật dụng, máy móc cho đến mọi chi phí phục vụ cá nhân: Từ tiền ăn, nghỉ đến phương tiện đi lại, các thành viên của nhóm đều tự bảo đảm. Đặc biệt, có những thành viên tuổi đời còn rất trẻ đã tích cực tham gia hoạt động. Em Lâm Tâm Như, 20 tuổi, trú tại thôn 6, xã Krông Á, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắc Lắc chia sẻ: “Khi em còn nhỏ đã được biết đến những hoạt động thiện nguyện của nhóm ngay trên quê hương mình và rất muốn được tham gia. Tuy nhiên, phải đến năm 18 tuổi, em mới được theo các anh, chị góp một phần nhỏ bé của mình vào những việc làm giàu ý nghĩa”.
Để có kinh phí triển khai, thực hiện các chương trình, hoạt động thiện nguyện, thời gian đầu thành lập, các thành viên chủ yếu tự bỏ tiền tiết kiệm, làm quà lưu niệm, làm hoa để bán... Sau 8 năm hoạt động, “thương hiệu Vòng tay yêu thương” đã được các nhà hảo tâm tin tưởng, sẵn sàng chung tay, góp của để nhóm thực hiện các chương trình, hoạt động. Là người thường xuyên gửi tiền ủng hộ các hoạt động thiện nguyện của nhóm, anh Nguyễn Xuân Điều, trú tại phường Thống Nhất, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc cho biết: "Sau những lần tham gia cùng “Vòng tay yêu thương”, tôi thấu hiểu những chương trình, hoạt động của nhóm đều xuất phát từ trái tim. Chính bởi những việc làm giàu giá trị nhân văn cũng như sự công khai, minh bạch trong phương pháp thực hiện công việc thiện nguyện của “Vòng tay yêu thương” là yếu tố cốt lõi để nhóm có thể kêu gọi và nhận được sự ủng hộ của mọi người. Nhóm càng làm, càng lớn và càng giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn trong cộng đồng".
Với những cống hiến của mình, những năm qua, nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương” thường xuyên được các cấp, các ngành trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Năm 2019, nhóm được Trung ương Đoàn tặng bằng khen: Đoạt giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2019; Tỉnh ủy Đắc Lắc tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huyện Krông Pắk tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2014-2019...
Người đặc biệt đứng sau tất cả
Đó là người xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, vận động quyên góp, trực tiếp đi hàng trăm cây số để khảo sát, xin phép chính quyền địa phương, vận chuyển vật liệu, lo chỗ ăn, ở cho các thành viên của nhóm trong tất cả hoạt động, chương trình. Với những công việc này, ít ai có thể ngờ được, người thực hiện những việc đó trong suốt 8 năm qua lại là một người sinh ra đã bị khuyết tật, cả hai chân bị teo, một chân có bàn chân bẻ quặt lại phía sau, một cánh tay bị khoèo cùng bàn tay co quắp. Và con người giàu nghị lực ấy chính là chàng thanh niên Nguyễn Duy Học, sinh năm 1987, trú tại thôn 1A, xã Ea Kly, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắc Lắc. Bằng sự nỗ lực vươn lên của bản thân sau 12 năm học, năm 2007, Nguyễn Duy Học thi đỗ và theo học ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Duy Tân (TP Đà Nẵng). Thấu hiểu những khó khăn, bất hạnh của những người khuyết tật, ngay từ khi còn là sinh viên, Nguyễn Duy Học đã tham gia Câu lại bộ Búp Sen Hồng nhằm góp một phần công sức nhỏ bé của mình để dạy học văn hóa cho các bạn khuyết tật ở Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện của Hội Chữ thập đỏ TP Đà Nẵng. Tốt nghiệp ra trường trở về quê hương, với tâm niệm, mình phải sống vì mọi người chứ đừng để mọi người phải sống vì mình, Nguyễn Duy Học đã đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện “Vòng tay yêu thương”. Đến năm 2015, nhóm tham gia vào mạng lưới tình nguyện quốc gia.
Trò chuyện với Nguyễn Duy Học, anh tâm sự: “Đặc thù địa bàn tỉnh Đắc Lắc, dân cư cách xa nhau, vùng khó khăn lại nhiều. Với người bình thường, di chuyển quãng đường hàng trăm cây số đường miền núi đã khó, với tôi việc đó càng khó khăn hơn. Nhưng cứ nghĩ đến đồng bào, các em học sinh đang chờ mình, tôi lại không nản chí, để quãng đường mang niềm vui đến những nơi còn khó khăn trở nên ngắn lại”.
Bà Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia khẳng định: “Những việc làm của “Vòng tay yêu thương” thực sự rất ý nghĩa, góp phần lan tỏa các giá trị nhân văn trong đời sống xã hội. Thông qua những việc làm của nhóm, địa bàn Tây Nguyên đã xuất hiện thêm nhiều nhóm tình nguyện mới, chung tay góp sức vì cộng đồng. Nhóm “Vòng tay yêu thương” là một trong 100 câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong hoạt động tình nguyện vì cộng đồng năm 2019-2020. Đặc biệt, Trưởng nhóm “Vòng tay yêu thương”-Nguyễn Duy Học không chỉ là tấm gương nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng mà còn tiêu biểu về tinh thần hết lòng vì mọi người để thế hệ trẻ noi theo”.