Vọng vang hào khí Tháng Tám

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người dân quê tôi-làng Tân Dương, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) phải sống trong cảnh lầm than, cơ cực. Từ nhỏ, cha mất, tôi theo mẹ làm thuê khắp nơi.

Làng tôi có anh Bích quê ở miền Bắc, là cán bộ Việt Minh bị địch bắt, đày ra Côn Đảo, nhưng anh vượt ngục trở về xây dựng phong trào. Mỗi tối, anh tập hợp thanh niên trong làng lại để nói chuyện tình hình cách mạng, rồi dạy võ, dạy chữ với mong muốn chúng tôi đồng lòng góp sức, đấu tranh giành độc lập cho quê hương.

Tết Nguyên đán Ất Dậu 1945, tại cây đa Giồng Đế ở ngọn rạch Cao Mên, anh Bích tập hợp chúng tôi lại thành lập tổ tự vệ (4 người) do tôi làm tổ trưởng, với nhiệm vụ canh gác, bảo vệ các cuộc mít tinh, dẫn đường cho cán bộ đi công tác. Chúng tôi mừng lắm, ai cũng hăm hở, hừng hực khí thế bởi muốn đóng góp công sức cho cách mạng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), tổ tự vệ chúng tôi được sáp nhập cùng tổ tự vệ của anh Tám Trâm ở ấp Tân Huề và tổ tự vệ của anh Sứ ở rạch Cai Dao, thành lập đội tự vệ do anh Tám Trâm làm đội trưởng. Đội tự vệ có 13 người, ngoài nhiệm vụ canh gác, bảo vệ các cuộc mít tinh còn chuẩn bị vũ trang kháng Nhật.

 Thiếu tướng Lê Quang Viễn (bên trái) trong một lần gặp mặt, trò chuyện cùng Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy (năm 2017). Ảnh: THẾ NGUYỄN

Thiếu tướng Lê Quang Viễn (bên trái) trong một lần gặp mặt, trò chuyện cùng Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy (năm 2017). Ảnh: THẾ NGUYỄN

Sau khi hay tin Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi và các địa phương trong cả nước cũng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, ở tỉnh Sa Đéc, dưới sự lãnh đạo của các tổ chức đảng và đảng viên Mặt trận Việt Minh, nhân dân ráo riết chuẩn bị cho ngày vùng lên đòi lại quyền tự do, độc lập. Sáng 23-8-1945, tỉnh trưởng Sa Đéc Lê Tấn Bửu phái một toán do thám và lính lên xã Tân Mỹ và xã Mỹ An Hưng tìm bắt cán bộ ta. Được cơ sở mật báo, ta phát động quần chúng vây bắt được 2 tên, thu được khẩu súng ngắn và danh sách cán bộ ta mà chúng định bắt. Cùng lúc này, hơn 500 người dân và du kích với gậy gộc, giáo mác kéo đến bao vây đồn Cầu Bắc, Cao Lãnh (phía xã Tân Mỹ). Bọn lính trong đồn cố thủ, sau đó, tên đồn trưởng bỏ chạy về hướng Cao Lãnh.

Được tin, tên tỉnh trưởng cùng lính từ Sa Đéc kéo lên. Đến Cầu Bắc thì có hơn 1.000 người dân kéo đến đấu tranh đòi phải bồi thường, chữa trị cho những người bị chúng bắn, đồng thời phải cam kết không được cho binh lính đến hai xã Tân Mỹ và Mỹ An Hưng. Trước sức ép của quần chúng nhân dân, tên tỉnh trưởng buộc phải đồng ý ký vào biên bản và rút quân về Sa Đéc. Như vậy, ngày 23-8, xã Tân Mỹ và Mỹ An Hưng được giải phóng.

9 giờ ngày 25-8, tên Lê Tấn Bửu đến trụ sở cơ quan Việt Minh tại Sa Đéc làm thủ tục bàn giao chính quyền cho cách mạng. Đồng chí Trần Thị Nhượng (Sáu Ngài), Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tuyên bố trước đồng bào toàn tỉnh, cuộc khởi nghĩa đã thành công, chính quyền đã thuộc về nhân dân. Chiều cùng ngày, ta tổ chức cuộc mít tinh lớn mừng khởi nghĩa thành công tại sân vận động tỉnh Sa Đéc, có hơn 10.000 người tham dự. Nhân dân tỉnh Sa Đéc vui mừng, sống trong không khí tưng bừng của những ngày nước nhà độc lập, tự do. Cùng với nhân dân cả nước, ngày 25-8-1945, sau khi làm chủ hoàn toàn tỉnh lỵ Sa Đéc, tỉnh thành lập đại đội đầu tiên của tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Phàn làm Đại đội trưởng. Ngày 25-8-1945 trở thành ngày truyền thống của LLVT tỉnh Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp ngày nay).

Tiếp nối tinh thần Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Tháp phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, duy trì ổn định tình hình an ninh chính trị, thu hút đầu tư. Từ một tỉnh nghèo của khu vực, đến nay, Đồng Tháp đã trở thành một vùng trù phú, giàu tiềm năng về nông nghiệp và sinh thái, LLVT tỉnh không ngừng được củng cố, phát triển vững mạnh.

Thiếu tướng LÊ QUANG VIỄN (nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/vong-vang-hao-khi-thang-tam-633674