Vòng xoáy bạo lực Gaza lan rộng

Viện trợ nhân đạo tiếp tục được đưa vào Dải Gaza, song không thấm tháp gì so với nhu cầu của 2,3 triệu người sau 13 ngày bị phong tỏa hoàn toàn

Đã bước sang ngày thứ 17 nhưng cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hamas ở Dải Gaza không những chưa hạ nhiệt mà còn có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực.

Trong ngày 23-10, các máy bay Israel dồn dập không kích khắp Gaza, gồm cả các tòa nhà dân cư ở thị trấn Khan Younis và trại tị nạn Nuseirat nằm ở phía Nam của tuyến đường sơ tán - theo cơ quan y tế Gaza.

Tính đến nay, hơn 4.600 người đã thiệt mạng ở Gaza và hơn 14.200 người bị thương. Phía Israel có hơn 1.400 người tử vong và ít nhất 222 người đang bị bắt làm con tin.

Người phát ngôn quân đội Israel cho biết chiến dịch không kích tăng cường là bước giảm thiểu rủi ro cho các cuộc tấn công trên bộ sắp tới. Theo AP, xe tăng và binh lính Israel đã dồn sát biên giới với Gaza.

Israel cũng triển khai một số cuộc đột kích cục bộ vào Gaza ngày 23-10 để tìm kiếm con tin và xảy ra đụng độ với lực lượng Hamas. Hamas tuyên bố đã phá hủy 1 xe tăng, 2 xe ủi bọc thép của đối phương trong khi quân đội Israel thừa nhận 1 binh sĩ tử trận, 3 người khác bị thương do trúng tên lửa chống tăng.

Phát biểu trên kênh NBC ngày 22-10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói Israel không thể để Hamas kiểm soát Gaza và gây nguy hiểm cho nước này nữa, song "họ hoàn toàn không có ý định tự mình quản lý Gaza".

Israel chiếm Gaza, khu Bờ Tây và Đông Jerusalem trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967. Đây là 3 vùng lãnh thổ mà người Palestine xem là quốc gia tương lai của mình. Israel rút quân khỏi Gaza năm 2005 nhưng cùng Ai Cập áp đặt phong tỏa kể từ khi Hamas kiểm soát dải đất này 2 năm sau đó.

Người dân Palestine tá túc trong trại tị nạn của Liên Hiệp Quốc tại Khan Younis, miền Nam Gaza, ngày 23-10 Ảnh: REUTERS

Người dân Palestine tá túc trong trại tị nạn của Liên Hiệp Quốc tại Khan Younis, miền Nam Gaza, ngày 23-10 Ảnh: REUTERS

Cùng ngày 22-10, theo Reuters, thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amirabdollahian đã điện đàm với nhau và bàn các phương cách chấm dứt cuộc tấn công của Israel vào Gaza.

Không chỉ gói gọn quanh Gaza, chỉ trong ngày 22 và rạng sáng 23-10, máy bay Israel đã không kích nhiều mục tiêu ở Syria và miền Nam Lebanon. Thăm binh lính Israel đồn trú gần biên giới với Lebanon ngày 22-10, Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định nếu nhóm Hezbollah tại Lebanon tham chiến, Israel sẽ đáp trả dữ dội hơn cả cuộc chiến giữa hai bên vào năm 2006.

Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, người phát ngôn quân đội Israel, cho biết họ đã "xóa sổ 20 ổ tay súng ở Lebanon kể từ khi xung đột nổ ra" nhưng không giải thích thêm. Song song đó, Israel sơ tán thêm 14 cộng đồng dân cư gần với biên giới Lebanon và Syria.

Căng thẳng cũng lên cao ở khu Bờ Tây, với hơn 90 người Palestine thiệt mạng - chủ yếu trong các cuộc biểu tình và đấu súng với binh lính Israel.

Lo ngại xung đột leo thang, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo điều thêm các hệ thống phòng không mới tới Trung Đông, bên cạnh lực lượng hải quân hùng hậu được điều đến trước đó - bao gồm 2 nhóm tác chiến tàu sân bay và khoảng 2.000 lính thủy đánh bộ.

Kịch bản giao tranh ác liệt hơn khiến vấn đề viện trợ nhân đạo khẩn cấp cho dân thường Gaza càng bấp bênh. Theo AP, đoàn viện trợ thứ 2 gồm 15 xe tải đã qua cửa khẩu Rafah nối Ai Cập với Gaza vào đêm 22-10, sau đoàn 20 chiếc một ngày trước đó.

Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc cho biết số hàng nói trên chỉ đáp ứng được 4% số hàng viện trợ bình quân mỗi ngày cho Gaza trước khi chiến sự nổ ra và "không thấm tháp gì so với nhu cầu của 2,3 triệu dân Gaza sau 13 ngày bị phong tỏa hoàn toàn".

Trong khi đó, các bộ trưởng ngoại giao của Liên minh châu Âu nhóm họp tại Luxembourg ngày 23-10 để bàn cách đưa thêm viện trợ thiết yếu vào Gaza, đặc biệt là nhiên liệu để vận hành các nhà máy điện và nhà máy khử muối cung cấp nước. Israel không để lọt một chút nhiên liệu nào vào Gaza và nơi này đã mất điện hoàn toàn hơn 1 tuần qua.

Tình hình thiếu thốn và các cuộc không kích của Israel buộc 7 bệnh viện ở miền Bắc Gaza phải đóng cửa - theo Tổ chức Y tế thế giới; những bệnh viện còn mở cửa phải vét nhiên liệu để chạy máy phát điện cứu chữa bệnh nhân nặng và trẻ sinh non.

Việt Nam lên phương án bảo hộ công dân

Ngày 23-10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao, đã chủ trì cuộc họp về bảo hộ công dân Việt Nam trước tình hình leo thang căng thẳng ở Trung Đông.

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khẳng định việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam được Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu. Bộ Ngoại giao tiếp tục chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Israel, Ả Rập Saudi và Ai Cập kiêm nhiệm Nhà nước Palestine theo dõi sát tình hình xung đột, khẩn trương rà soát thông tin về công dân Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và các cơ quan liên quan trong nước để triển khai các phương án bảo hộ công dân và biện pháp hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

D.Ngọc

HẢI NGỌC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/vong-xoay-bao-luc-gaza-lan-rong-20231023212947619.htm