Vòng xoáy bất ổn trở lại

Sáng 27.7, giờ Việt Nam, quân đội Niger bất ngờ tiến hành đảo chính khi một số thành viên của lực lượng cận vệ của Tổng thống Mohamed Bazoum bắt giữ ông trong dinh thự ở Thủ đô Niamey, động thái khiến nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế lên án.

Ai đứng sau cuộc đảo chính?

Trong thông báo trên truyền hình, Đại tá Amadou Abdramane trong nhóm nổi dậy tuyên bố, quyết định (đảo chính) là để chấm dứt chế độ hiện tại, do tình hình an ninh đất nước tiếp tục xấu đi, quản lý kinh tế và xã hội yếu kém. Ông Abdramane cho biết, phe đảo chính đã bãi bỏ Hiến pháp, đình chỉ mọi thể chế và đóng cửa biên giới quốc gia cho tới khi tình hình ổn định. Tất cả các cơ quan chính phủ đã bị đình chỉ. Người đứng đầu các bộ sẽ giải quyết công việc sự vụ hằng ngày. Theo Đại tá Abdramane, những binh lính của mình đang hành động dưới lá cờ của Hội đồng quốc gia bảo vệ tổ quốc (CNSP).

Đại tá Amadou Abdramane (giữa) phát biểu trong một tuyên bố trên truyền hình về quyết định đảo chính. Nguồn: Getty images

Tài khoản Twitter chính thức của tổng thống Niger cho biết, ông Bazoum và gia đình vẫn ổn. Dinh thự tổng thống và các bộ bên cạnh đã bị các phương tiện quân sự phong tỏa. Nhiều nhân viên bên trong dinh thự cũng không thể vào văn phòng của họ, song theo các báo cáo, tình hình ở Niamey vẫn yên bình. Tổng thống Bazoum tỏ ra không muốn chấp nhận yêu cầu của những kẻ âm mưu đảo chính và từ bỏ quyền lực. Ông cho biết, quân đội quốc gia sẵn sàng tấn công lực lượng cận vệ nếu họ có hành động không tỉnh táo.

Theo Al Jazeera, đã có chỉ thị từ quân đội cho các binh sĩ trung thành với Tổng thống Bazoum tiến vào để dập tắt âm mưu đảo chính. Trong khi đó, các cuộc đàm phán đang được tiến hành giữa phe của Tổng thống Bazoum và các thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy.

Nỗi thất vọng có phải nguyên nhân?

Một số nhà phân tích cho biết, chi phí sinh hoạt tăng cao và tình trạng tham nhũng có thể đã khiến các binh lính trên hành động cực đoan như vậy. Niger từng trải qua bốn cuộc đảo chính kể từ khi giành độc lập khỏi Pháp vào năm 1960.

Vị trí địa lý của nước này làm tăng thêm sự phức tạp của tình hình. Với vụ việc mới nhất, Niger trở thành quốc gia thứ 6 ở tiểu vùng Tây Phi, trong đó có cả Mali và Burkina Faso, xảy ra đảo chính kể từ năm 2020. Những cuộc đảo chính đó một phần được thúc đẩy bởi nỗi thất vọng về việc chính quyền thất bại trong việc ngăn chặn quân nổi dậy ở vùng Sahel. Lâu nay, tình hình ở Niger bất ổn là do ảnh hưởng từ hai cuộc nổi dậy của lực lượng Hồi giáo - một ở phía Tây Nam, tràn vào từ Mali vào năm 2015, và một ở phía Đông Nam, liên quan đến các chiến binh thánh chiến có trụ sở tại Đông Bắc Nigeria. Các nhóm chiến binh này liên minh với cả Al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hoạt động ở Niger.

Thực tế, từng có âm mưu đảo chính bất thành ở Niger vào tháng 3.2021, khi một đơn vị quân đội cố gắng chiếm dinh tổng thống vài ngày trước khi ông Bazoum, người vừa đắc cử, tuyên thệ nhậm chức. Sự bất ổn của khu vực đặt ra nhiều thách thức và phức tạp thêm nỗ lực của phương Tây, vốn đã đầu tư mạnh vào việc hỗ trợ Niger và các quốc gia láng giềng để chống lại các cuộc nổi dậy kéo dài cả thập kỷ lan rộng từ Mali. Niger vốn được coi là một trong những bức tường thành cuối cùng chống lại bất ổn đang gia tăng trong khu vực. Mỹ đã chi khoảng 500 triệu USD kể từ năm 2012 để giúp Niger tăng cường an ninh. Hồi tháng 4, Đức tuyên bố sẽ tham gia sứ mệnh quân sự kéo dài 3 năm của châu Âu nhằm cải thiện quân đội nước này.

Theo ông Ulf Leassing, nhà phân tích của Quỹ Konrad Adenauer, “Tổng thống Bazoum là hy vọng duy nhất của phương Tây ở khu vực Sahel. Pháp, Mỹ và EU đã dành phần lớn nguồn lực của mình trong khu vực để hỗ trợ Niger và các lực lượng an ninh của nước này”.

Đối với các nước phương Tây, sự ổn định của Niger có tầm quan trọng chiến lược trong nỗ lực của họ nhằm hạn chế tình trạng di cư trái phép từ châu Phi cận Sahara. Nước này đóng vai trò là đồng minh chủ chốt của EU trong việc ngăn chặn dòng người di cư tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở châu Âu thông qua Địa Trung Hải. Nếu ổn định ở Niger bị phá vỡ, dòng người di cư sẽ tăng mạnh, làm trầm trọng thêm những thách thức di cư hiện có mà các quốc gia châu Âu phải đối mặt.

Có thể nói, tình hình ở Niger hiện nay làm nổi bật sự mong manh của đất nước đang có vẻ ổn định nhờ các dòng viện trợ nước ngoài. Ông Ulf Leassing chỉ ra rằng, tình trạng yếu kém và nghèo khó khiến nước này dễ xảy ra đảo chính, ảnh hưởng đến việc duy trì hệ thống dân chủ ở đây.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Liên Hợp Quốc dẫn đầu việc lên án âm mưu đảo chính và phản đối mọi nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực. Phát ngôn viên Stephane Dujarric cho biết, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres “kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế và bảo đảm trật tự Hiến pháp được bảo vệ”.

Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan phát biểu, Mỹ lên án những nỗ lực nhằm giam giữ hoặc phá hoại hoạt động của Chính phủ được bầu cử dân chủ của Niger; đồng thời kêu gọi thả Tổng thống Bazoum. Bộ Ngoại giao Mỹ trong một tuyên bố riêng cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Tổng thống Niger và “quan ngại sâu sắc trước những diễn biến ở Niger”.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell thì đăng bài trên mạng xã hội rằng: “EU lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây bất ổn cho nền dân chủ và đe dọa sự ổn định của Niger”. Pháp cũng lên án mọi âm mưu đoạt chính quyền và khuyến cáo công dân Pháp ở Niamey cảnh giác. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anne-Claire Legendre cho biết, Paris đang theo dõi tình hình một cách cẩn thận, đồng thời “lên án các nỗ lực giành chính quyền bằng vũ lực”. Pháp đã chuyển quân đến nước này từ Mali vào năm ngoái sau khi quan hệ với chính phủ quân sự ở đó trở nên xấu đi. Đất nước của chú gà trống Gaulois cũng rút các lực lượng đặc biệt khỏi Burkina Faso giữa những căng thẳng tương tự.

Về phía lục địa đen, Khối Cộng đồng kinh tế Tây Phi ECOWAS và Liên minh châu Phi (AU) phản đối vụ việc mà họ gọi là “âm mưu đảo chính”. ECOWAS kêu gọi những kẻ âm mưu đảo chính trả tự do cho tổng thống Niger, trong khi AU kêu gọi những binh lính “tội phạm” quay trở lại doanh trại ngay lập tức. Ban lãnh đạo ECOWAS sẽ không chấp nhận bất kỳ hành động nào cản trở hoạt động trơn tru của chính quyền hợp pháp ở Niger hoặc bất kỳ khu vực nào của Tây Phi”.

Theo giới phân tích, tình hình ở Niger cần được giám sát cẩn thận và cộng đồng quốc tế phải tiếp tục hỗ trợ sự ổn định và dân chủ của đất nước. Vụ việc như lời nhắc nhở rõ ràng về sự cân bằng mong manh giữa hỗ trợ phát triển và giải quyết các thách thức kinh tế, xã hội tiềm ẩn ở các quốc gia mong manh như Niger. Khi đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng này, tất cả các bên liên quan cần phải hợp tác với nhau để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa và thúc đẩy hòa bình lâu dài trong khu vực.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/vong-xoay-bat-on-tro-lai-i338195/