VOV- Người bạn thân thiết của tôi

Gần nửa thế kỷ qua, là một nhà báo, nhà văn, tôi có dịp đi nhiều, trải nghiệm nhiều, nhưng dấu ấn VOV vẫn là sâu đậm nhất trong tôi. VOV mãi là người bạn thân thiết của tôi.

VOV- Đài Tiếng nói Việt Nam.

Có lẽ chỉ khi xa Việt Nam, vào những ngày tuyết rơi lạnh buốt ở xứ người, khi những phương tiện truyền thông còn hạn chế, điện thoại di dộng còn là xa xỉ, chưa có điện thoại thông minh, chưa có Internet toàn cầu, mạng xã hôi…, vào những thập niên 1980-1990, thì mới cảm thấy thân thương đến xao xuyến nhịp thở lúc bật radio lên và nghe: “Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Và khi ấy là Mẹ, là Tổ quốc, là quê hương đang thật gần, thật ấm áp.

Ngược lại thời chiến tranh trước năm 1975, những đứa trẻ thuộc thế hệ chúng tôi ngày ấy, nếu không có chiếc loa radio treo tường ở mỗi nhà, có lẽ “thế giới” trẻ thơ thật nghèo nàn, thiếu thốn. Chính những chương trình phát sóng truyền thanh đã mang đến tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy và riêng tôi cả một thế giới rộng mở, không chỉ là thông tin thời sự hai miền Nam- Bắc, mà còn là những vẻ đẹp từ âm nhạc, văn chương, sân khấu truyền thanh…, nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng ước mơ, bồi đắp đam mê, vẽ lên những hy vọng đẹp trong tương lai sau này khi lớn lên.

Ngày hôm nay, khi có quá nhiều phương tiện truyền thông, chắc ít còn ai biết về lịch sử của loại truyền thông radio này, với hơn trăm năm từ phát minh đến thành một phương tiện tông tin hữu dụng, phổ thông toàn cầu. Phác họa qua vế lịch sử, tín hiệu giọng nói và âm nhạc đầu tiên nghe được qua sóng vô tuyến truyền đi vào tháng 12/1906 từ Brant Rock, Massachusetts (ngay phía nam Boston), khi nhà thí nghiệm người Canada Reginald Fessenden tạo ra khoảng một giờ nói chuyện và âm nhạc cho những người quan sát kỹ thuật và bất kỳ ai đang lắng nghe.

Năm 1915, giọng nói đầu tiên được đài phát thanh hải quân NAA ở Arlington, bang Virginia truyền đi xuyên lục địa, từ New York đến San Francisco, vượt qua Đại Tây Dương đến tháp Eiffel tại Paris. Ngày 2/11/1920, đài phát thanh KDKA - Pittsburgh đã phát sóng kết quả bầu cử Harding-Cox và bắt đầu một chương trình phát thanh hàng ngày.

Năm 1927, hệ thống thông tin vô tuyến nối liền Bắc Mỹ Và châu Âu được thành lập, và 3 năm sau đó có thể kết nối thêm Nam Mỹ. Cho đến năm 1935, các cuộc gọi đầu tiên được thực hiện trên toàn thế giới, sử dụng kết hợp cả hệ thống truyền thanh hữu tuyến và vô tuyến. Năm 1933, Edwin Howard Armstrong phát minh ra sóng radio biến tần (frequency-modulated) hay còn gọi là sóng radio FM. Năm 1965, một hệ thống ăng ten phát sóng FM đầu tiên trên thế giới được xây dựng trên tòa nhà Empire State ở New York cho phép các đài phát thanh FM tư nhân có thể phát sóng từ 1 nguồn đến đồng thời nhiều bộ thu khác nhau. Đây cũng chính là mô hình đài phát thanh được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới cho đến ngày nay.

Từ năm 1920- 1945, đài phát thanh đã phát triển thành phương tiện truyền thông đại chúng điện tử đầu tiên, cùng với báo, tạp chí và phim ảnh, cả một thế hệ văn hóa đại chúng. Đặc biệt đài phát thanh là một loại hình truyền thông bình đẳng, phổ thông, bất kể vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, núi cao… đều có thể tiếp cận.

Và ngay sau khi tuyên bố Khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 2/9/1945, 11h30 phút ngày 7/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam- VOV chính thức ra đời với chương trình phát thanh đầu tiên là truyền đi bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945. Đồng thời cũng ngày này, VOV phát sóng chương trình đầu tiên bằng tiếng Pháp, Anh, Quảng Đông, như một sự bắt đầu hoạt động của “mặt trận” ngoại giao trên sóng radio của Việt Nam ra thế giới.

Ngay từ thời đó, các lãnh đạo Chính phủ nước Việt Nam độc lập đã thấy rõ tầm quan trọng của Đài phát thanh trong vấn đề tuyên truyền các vấn đề quốc kế dân sinh, đến việc giáo dục luật pháp, ý thức và trách nhiệm công dân…, đến quần chúng nhân dân, cũng như công tác ngoại giao tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế đến Nhà nước non trẻ của ta.

Bác Hồ với cán bộ, phóng viên, nghệ sĩ VOV năm 1967 (ảnh tư liệu)

Bác Hồ với cán bộ, phóng viên, nghệ sĩ VOV năm 1967 (ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Đài phát thanh có tác dụng hết sức quan trọng cả đối nội và đối ngoại. Về đối nội, nó là phương tiện thông tin nhanh nhất, rộng khắp nhất để truyền bá chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, phản ánh kịp thời diễn biến tình hình trong nước và thế giới, là cầu nối giữa Trung ương và địa phương, giữa Chính phủ với Nhân dân. Về đối ngoại, nó có thể vượt qua biên giới quốc gia không cần hộ chiếu để chọc thủng bức màn bưng bít của chủ nghĩa đế quốc về tình hình cách mạng ở Việt Nam, đập lại những luận điệu truyên truyền xuyên tạc cách mạng, và nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp cách mạng của Việt Nam”.

Trong hồi ức về VOV, Đại tướng Võ Nguyên Giáp- khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhớ lại: “Ngày ấy, cách mạng vừa thành công trong cả nước, Bác Hồ từ Tân Trào vừa về tới Hà Nội, Người nghĩ ngay tới việc giới thiệu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho quốc dân đồng bào và thế giới. Tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Người viết Tuyên ngôn Độc lập, Người chỉ thị cho Bộ Nội vụ và Bộ Tuyên truyền phải sử dụng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là cần xây dựng ngay Đài Phát thanh Quốc gia”.

Từ ngày đầu tiên 22/8/1945 nhận lệnh truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến ngày 7/9/1945, Người sáng lập Đài phát thanh Quốc gia phát đi chương trình phát thanh đầu tiên với danh xưng hào hùng, tự tin “Đây là Tiếng nói của Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” chỉ có 16 ngày các vị cách mạng tiền bối đã dựng nghiệp Phát thanh nước nhà cho đến hôm nay và mai sau.

Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp- Mỹ, VOV là một “mặt trận” thực thụ, góp phần không nhỏ vào những chiến thắng của quân và dân ta trong các chiến dịch, hay trong các cuộc đàm phán Hiệp định hòa bình, chấm dứt chiến tranh, chấm dứt sự có mặt của quân đội Pháp- Mỹ ở Việt Nam.

Bà Trịnh Thị Ngọ, phát thanh viên huyền thoại, người được biết đến với biệt danh "Hanoi Hannah" (ảnh tư liệu)

Bà Trịnh Thị Ngọ, phát thanh viên huyền thoại, người được biết đến với biệt danh "Hanoi Hannah" (ảnh tư liệu)

VOV ngoài những nhiệm vụ trong nước, thì còn mang sứ mệnh đặc biệt, tham gia “tác chiến” như một mặt trận ngoại giao với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Từ những chương trình tuyên truyền binh vận, địch vận, đánh bại những âm mưu chiến tranh tâm lý của đối phương đến những chương trình đưa thông tin trực tiếp đến đối phương để gây áp lực tâm lý, nhất là khi các bên ngồi trên bàn đàm phán Hiệp định chấm dứt chiến tranh.

Sau chiến thắng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, thống nhất đất nước, VOV ngoài việc thông tin trong nước còn là một kênh thông tin đầy sức mạnh, như một “đại sứ ngoại giao” đặc biệt, giúp mang hình ảnh một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do, “làm bạn với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ” ra thế giới. Cùng với thế giới xây dựng một cộng đồng quốc tế toàn cầu hữu nghị, thân thiện, hiểu biết, để phát triển và vững mạnh.

Hơn nửa thế kỷ, trong rất nhiều ngăn ký ức, kỷ niệm tuổi thơ của tôi ở Hà Nội, của những năm tháng chiến tranh, mang nhiều dấu ấn nhất và ảnh hưởng đến đam mê sở thích và nghề nghiệp tương lai của tôi, chính là từ những chương trình phát thanh của VOV. Mà cho đến hôm nay, mỗi khi nhớ lại vẫn vẹn nguyên cảm xúc, cảm giác như xuyên không thời gian đang sống trong những năm tháng đó.

Mà ngẫu nhiên đến thú vị, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc- UNESCO, lấy ngày 13/2 hàng năm là Ngày Phát thanh thế giới- đúng vào dịp Mùa Xuân. Gợi lại những kỷ niệm năm xưa, bọn nhỏ chúng tôi được phép thức đón Giao thừa, và khi đó, giống như một nghi thức thiêng liêng, gần như mọi người đều tập trung bên chiếc radio, để lắng nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết.

Ngày đó, thời chiến tranh, bọn trẻ chúng tôi gần như “bám” lấy chiếc radio treo tường, xem như là một vật dụng thân thiết, không chỉ là phương tiện truyền thông mà còn như một người bạn “biết tuốt”. Ngoài thông tin thời sự, thì các chương trình chuyên đề của VOV giống như một “từ điển bách khoa”, một “lớp học” cung cấp cho bọn trẻ chúng tôi rất nhiều kiến thức tổng hợp.

Cho đến hôm nay tôi vẫn còn rất nhớ những chương trình trong một chuyên mục khoa học, đã dạy rất nhiều những kỹ năng sống trong thời chiến, từ việc chống sức ép bom đạn, sơ cứu băng bó các vết thương phần mềm, gãy xương, hô hấp nhân tạo…, cho đến việc giữ gìn vệ sinh “ăn chín, uống sôi”, tránh ruồi muỗi, phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm…

Tôi đã từng tiếc lắm khi sau này VOV không còn duy trì chương trình học hát. Nhớ lại hơn 50 năm trước, vào các buổi chiều ngày chủ nhật, VOV có chương trình dạy các ca khúc mới, từ đọc các nốt nhạc để nếu ai biết nhạc lý có thể chép lại, rồi dạy từng câu hát. Và riêng tôi đã thuộc biết bao ca khúc vào thời đó, cả cho thiếu nhi và cả cho “người lớn”, cho mãi tới hôm nay tôi vẫn không quên giai điệu các ca khúc đó.

Cả thế hệ chúng tôi ngày đó, gần như ai cũng “nằm lòng” những chuyên mục văn hóa văn nghệ phát thanh như: Đọc truyện đêm khuya, Buổi phát thanh văn nghệ, Trang văn nghệ chủ nhật, Buổi phát thanh văn nghệ: tiết mục Tiếng thơ, Sân khấu truyền thanh, Chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam, Chương trình nhạc thính phòng vào 16 giờ ngày chủ nhật, Chương trình Vì an ninh Tổ quốc: Tiết mục Kể chuyện cảnh giác vào tối thứ bảy hàng tuần … Thi thoảng còn được nghe tường thuật bóng đá

Không chỉ là giải trí, mà chính những chương trình văn hóa nghệ thuật này đã nuôi tâm hồn, dưỡng cảm xúc, dẫn dắt đam mê cho chúng tôi biết yêu thương, biết trân quý những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc, giá trị của văn hóa nghệ thuật nhân loại, giá trị của cuộc sống, để sống chân- thiện- mỹ, để yêu quê hương đất nước, để sống có trách nhiệm và biết cống hiến cho Tổ quốc.

Cho tới những năm 1990-2000, khi truyền thông đã là “đa phương tiện”, thì với tôi, VOV vẫn là một kênh thân thiết gần gũi đầy hữu ích. Bởi ngày đó, tính chất công việc của tôi thường phải lên rừng, xuống biển, núi cao, suối sâu…, và ở những vùng sâu vùng xa đó truyền hình chưa có mặt, báo in gần như không có, các phương tiện truyền thông thông minh dù có nhưng “ngoài vùng phủ sóng”, lúc này chiếc radio chạy pin nhỏ xíu giống như cầu nối đoàn công tác chúng tôi với thế giới bên ngoài, một trợ thủ đắc lực. Không chỉ là tin tức thời sự, mà quan trọng nhất là thông tin “Dự báo thời tiết”, rất cần thiết với chúng tôi để lên kế hoạch làm việc trong ngày.

Gần nửa thế kỷ qua, là một nhà báo, nhà văn, đi nhiều, trải nghiệm nhiều, nhưng dấu ấn VOV vẫn là sâu đậm nhất trong tôi. Không chỉ là nghe, mà tôi còn lưu giữ bao nhiêu kỷ niệm ngày nhỏ ở Hà Nội, là những buổi thu thanh sân khấu truyền thanh diễn kịch thiếu nhi, đến khi trưởng thành cũng dần trở thành một cộng tác viên của VOV, có thơ được phát sóng, có truyện được chuyển thể thành Kịch sân khấu truyền thanh, có bài viết trên các kênh VOVonline, VOV5, VOV6….

Vâng! Ngày hôm nay, cho dù nhân loại phát triển công nghệ thông tin đa phương tiện với nhiều lựa chọn, nhưng với riêng tôi, Đài Tiếng nói Việt Nam- VOV vẫn là một kênh thông tin cuốn hút, luôn gợi những ký ức đẹp hơn nửa thế kỷ nay từ khi tôi ý thức biết nghe đài, là hiện tại sống động mỗi ngày khi mở nghe bất kỳ chương trình nào, là tương lại sẽ có bao nhiêu điều thú vị mới mẻ hấp dẫn từ sóng phát thanh.

Chỉ một chiếc radio bé xíu, hay chính chiếc điện thoại thông minh nhỏ gọn của tôi, một cú nhấn nút, nhấn phím…, là có thể nối sóng nghe chương trình phát thanh của VOV nói riêng và của bất kỳ các Đài phát thanh quốc tế toàn cầu nói chung, để theo dõi các chương trình từ tin tức thời sự, thông tin kinh tế, văn hóa, giải trí…

Và với riêng tôi, VOV- mãi là người bạn thân thiết của tôi./.

MS WRD 954

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dau-an-vov/vov-nguoi-ban-than-thiet-cua-toi-post1075372.vov