Vovinam và sự lan tỏa võ học dân tộc
Những năm trở lại đây, phong trào tập luyện môn võ vovinam đang phát triển mạnh mẽ ở khắp nơi trong tỉnh, đặc biệt là giới trẻ học sinh trong các trường học các cấp.
Từ hành trình nửa thế kỷ
Trong dòng chảy của phong trào thể thao Lâm Đồng, ít người biết rằng vovinam là một trong những bộ môn có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời nhất. Đầu năm 1954, môn võ vovinam đã được hai võ sư Lê Văn Phúc và Trần Đức Hợp huấn luyện cho Trung đội Hiến binh và Đại đội Ngự lâm quân tại Đà Lạt. Tuy nhiên, đến cuối năm 1954 các lớp dạy vovinam đều phải giải tán vì thời cuộc và môn võ này tại Lâm Đồng cũng gần như chìm vào quên lãng.
Đến năm 1969, HLV Lâm Quang Lân cùng với võ sư Trịnh Ngọc Minh bắt đầu xây dựng lại phong trào tại Đà Lạt, lúc bấy giờ còn thuộc tỉnh Tuyên Đức. Lớp tập đầu tiên được khai giảng tại Trường Kỹ thuật La San (nay là Trường Kinh tế Kỹ thuật Lâm Đồng). Từ đó đến năm 1975, phong trào không chỉ phát triển tại Đà Lạt mà lan rộng ra nhiều huyện, thành lân cận, có lúc quy tụ đến hàng ngàn môn sinh tập luyện ở 16 CLB tại các trường La San, Trí Đức, Tùng Nghĩa, Chi Lăng, Giáo hoàng Học viện, Tiểu Chủng Viện…
Trong thời kỳ này, vovinam ở Đà Lạt - Tuyên Đức đã đào tạo được 21 HLV các cấp, trong đó có 2 HLV nữ. Đây cũng là tỉnh có phong trào vovinam phát triển mạnh trong cả nước.
Tuy nhiên, sau năm 1975, biến cố về thời cuộc một lần nữa khiến các lớp vovinam dừng hoạt động, các HLV bận lo mưu sinh hoặc đi tứ tán. Đến năm 1985, được sự đồng ý của võ sư Nguyễn Văn Chiếu (Trưởng ban chuyên môn Việt Võ Đạo TP HCM), sự hỗ trợ của các ban ngành, lớp võ đầu tiên sau năm 1975 đã được khai giảng vào ngày 1/2/1986 với 60 võ sinh do HLV Nguyễn Công Hóa đảm nhận.
Tuy mới bước đầu, nhưng phong trào đã nhận được sự quan tâm của quần chúng, nhất là giới thanh thiếu niên. Từ đó, phong trào ngày càng phát triển sâu rộng và nhiều CLB đã được hình thành tại các trường THPT Chi Lăng, Trung học Sư phạm, Trung học Kỹ thuật Tổng hợp, Trường Đống Đa, Trại Mát, Tùng Nghĩa, Nhà Văn hóa huyện Đức Trọng… nhờ vậy phong trào Vovinam Đà Lạt đã phát triển mạnh mẽ.
Trải qua hơn 50 năm hình thành và phát triển, vovinam Lâm Đồng đã 7 lần tham dự giải vô địch toàn quốc từ năm 1992 - 1998 đạt thành tích vô vùng ấn tượng với 19 HCV, 17 HCB, 19 HCĐ, 3 lần hạng nhì, 3 lần hạng ba toàn đoàn.
Nhận thấy đây là môn thể thao cần được gìn giữ và phát triển, UBND tỉnh đã ký quyết định cho phép thành lập Liên đoàn Vovinam Lâm Đồng. Đây là tiền đề để phong trào vovinam ngày càng phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, nền nếp và tiến tới những mục tiêu, thành tích cao hơn, phấn đấu trở thành một trong những môn thể thao có thế mạnh của thể thao tỉnh nhà.
Đến sự lan tỏa tinh thần Việt Võ Đạo
Những ngày diễn ra Hội khỏe Phù Đổng Đà Lạt năm học 2019 - 2020, có mặt tại các trung tâm văn hóa, sân trường học... ở các xã, phường thuộc TP Đà Lạt, chúng tôi rất đỗi ấn tượng với hình ảnh rất đông giới trẻ, chủ yếu là học sinh các cấp trong bộ trang phục màu xanh dương đang tập võ vovinam. Khác với các bộ môn thể thao khác như: Judo, karate, teakwondo..., vovinam hấp dẫn giới trẻ không chỉ ở các thế cơ bản như: Đấm, đá, gạt, đỡ, lao, vật mà còn hấp dẫn bởi các đòn đánh mang tính biểu diễn nghệ thuật cao.
Thoạt đầu, nhiều người nghĩ vovinam là môn võ thuật chỉ dành cho phái mạnh, song hiện nay thu hút rất nhiều bạn nữ tham gia. Việc làm quen với vovinam giúp em khỏe khoắn, nhanh nhẹn hơn, cách ứng xử linh hoạt mà vẫn giữ được nét duyên dáng, nữ tính.
Theo võ sư Đức Hoàng Trên - Chủ tịch Liên đoàn Vovinam tỉnh Lâm Đồng: Sở dĩ bộ môn vovinam đang ngày càng hấp dẫn giới trẻ là bởi, bộ môn này không chỉ giúp nâng cao thể lực mà còn rèn luyện lòng can đảm, tự tin, tu thân, hướng thiện.
“Trong nhiều lần trò chuyện với các giáo viên dạy thể chất ở các trường, tôi nhận thấy với các cháu trong độ tuổi 5 - 16 tuổi cháu nào cũng có vài lần xô xát với bạn bè. Hễ có xích mích, chỉ là nhỏ thôi là có thể ra tay ngay. Từ khi theo học vovinam, được các thầy dạy dỗ, tính tình các em thay đổi hẳn. Nhiều cô, cậu bé thích quậy phá, nay đã trở nên điềm đạm, hiền lành, không còn thích đánh nhau. Các cháu đến với vovinam chỉ đơn thuần để học võ, rèn luyện sức khỏe và tự vệ”, ông Trên nói.
Mặt khác, vovinam còn là môn thể thao mang đậm giá trị nhân văn, giáo dục môn sinh đạo lý làm người, thể hiện ở tinh thần tôn sư trọng đạo, tình nghĩa huynh đệ, sư đồ trên dưới một lòng như người trong nhà. Đồng thời là môn võ thể hiện hình ảnh, nét văn hóa thắm đượm tình bằng hữu, nhân sinh quan của người Việt gửi gắm qua từng động tác võ được đúc kết qua hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước.
Chính vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Liên đoàn Võ thuật, Hội Vovinam - Việt Võ Đạo tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ vovinam cho đội ngũ giáo viên thể chất, các huấn luyện viên, hướng dẫn viên của các trường, thực hiện đưa môn võ vovinam trở thành môn thể thao tự chọn hay chương trình ngoại khóa tại các trường.
Để khuyến khích môn vovinam tiếp tục phát triển sâu rộng có sức lan tỏa trong các trường học, trong các dịp tổ chức Hội khỏe Phù Đổng các cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chính thức đưa môn này vào chương trình thi đấu. Hy vọng rằng đợt thi này sẽ là động lực tiếp sức cho phong trào luyện tập vovinam trên địa bàn tỉnh phát triển sâu rộng, góp phần vào sự phát triển chung của phong trào thể dục thể thao tỉnh nhà.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/thethao/202001/vovinam-va-su-lan-toa-vo-hoc-dan-toc-2982625/