VPF quyết tâm cải tổ V-League: Giấc mộng của bóng đá Việt Nam
Nền tảng của các đội tuyển quốc gia luôn nằm ở hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp. Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) hiểu rõ điều đó, và họ đang cùng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) từng bước cải tổ mạnh mẽ V-League, qua đó nâng tầm cả nền bóng đá nước nhà.
Học hỏi Ngoại hạng Anh
Sẽ là viển vông nếu nói rằng V-League muốn trở thành một giải đấu có sức hút như Ngoại hạng Anh. Nhưng không có gì bất thường nếu các nhà quản lý bóng đá Việt Nam muốn noi theo những gì Ngoại hạng Anh đã làm được.
Đừng quên Ngoại hạng Anh hay bất cứ giải đấu hàng đầu nào ở châu Âu đều trải qua thời gian dài khủng hoảng, quá độ để phát triển như ngày nay. Tất cả đều đã phải trả giá đắt, không chỉ bằng tiền mà còn bằng nhiều thứ khác cay đắng hơn. Những giải đấu nhỏ bé như V-League hoàn toàn có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm xương máu đó. Tất nhiên, các quan chức VPF đủ tỉnh táo để không nhắc đến những chuyện đao to búa lớn kiểu như biến V-League trở thành một Ngoại hạng Anh thu nhỏ ở Đông Nam Á. Họ có cách tiếp cận thận trọng hơn, nhưng cũng có một số tín hiệu đáng để chờ đợi.
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với giới truyền thông, ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch VFF và Chủ tịch HĐQT Công ty VPF đã thẳng thắn chia sẽ các kế hoạch lớn đưa V-League trở lại đúng với vị thế mà người hâm mộ kỳ vọng. Trước khi lên chuyên cách đây hơn 20 năm, giải VĐQG Việt Nam từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người hâm mộ trái bóng tròn.
Hiện tại, vẫn có một số CLB thu hút lượng lớn cổ động viên đến sân như HAGL, Hải Phòng hay Nam Định, nhưng như thế là quá ít. Để lấp đầy tất cả các sân vận động trên cả nước, V-League cần cởi bỏ tấm áo cũ kỹ và chủ động tìm cách tiếp cận người hâm mộ hơn. Để làm điều đó, yếu tố tiên quyết là tăng sức hấp dẫn cho V-League, từ những vấn đề ngoài sân cỏ cho đến chất lượng chuyên môn của các trận đấu. Đây là điều rất quan trọng, bởi lẽ trải nghiệm của người hâm mộ xuyên suốt giải đấu có ý nghĩa rất lớn. Chưa cần đến các ngôi sao tầm cỡ, chỉ cần V-League thay đổi hướng đến sự chuyên nghiệp cao hơn cũng đủ khiến người hâm mộ thêm chú ý.
Đây là lý do tại sao VPF xem xét đầu tư cho các sân động V-League từ việc tưởng như nhỏ nhặt như làm lại hệ thống bảng quảng cáo điện tử, đèn LED cho đến việc lớn như triển khai công nghệ VAR. Ngoài ra, các CLB cũng liên tục được đôn thúc, nhắc nhở việc chăm sóc từ khán đài cho đến sân cỏ. Tất cả những yếu tố này vốn là chuyện đương nhiên, nhưng vẫn đủ mang đến cảm xúc mới cho các cổ động viên.
Song song với việc cải thiện hình thức, VPF sẽ tìm cách nâng cao chất lượng chuyên môn của V-League. Giải đấu hướng đến tính giải trí cao hơn, các trận đấu sòng phẳng và hấp dẫn hơn.
Xây dựng trận đấu kiểu mẫu
Một trong những kế hoạch đặc biệt của VPF với V-League là xây dựng các trận đấu kiểu mẫu, từ đó nhân rộng cho cả giải đấu và kéo khán giả đến sân nhiều hơn, thường xuyên hơn. Có thể điểm ra nhanh các điều kiện tạo nên một trận đấu kiểu mẫu bao gồm: sân vận động sạch sẽ, mặt cỏ đẹp và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, giàn đèn đạt chuẩn trở lên, bảng quảng cáo điện tử, có VAR và đội ngũ trọng tài uy tín. Khi những trận đấu kiểu mẫu như này xuất hiện, người hâm mộ chắc chắn sẽ được trải nghiệm thứ bóng đá ở cấp độ cao hơn V-League hiện tại. Từ đó, họ có thể sẽ muốn góp sức giúp VPF và VFF thay đổi toàn diện cả giải đấu và mang đến những hiệu ứng đặc biệt mà không ai dự đoán được.
Ngoài ra, VPF vẫn tiếp tục nghiên cứu để đưa ra phương án sử dụng ngoại binh hợp lý nhất. Thực tế, đây là vấn đề gây đau đầu ở hầu hết các nền bóng đá từ trung bình khá trở xuống. Ngay cả các cường quốc bóng đá ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không dám “thả cửa” cho sử dụng bao nhiêu ngoại binh cũng được. Lý do rất đơn giản, càng nhiều ngoại binh, cơ hội thi đấu và phát triển của các nội binh, đặc biệt là các cầu thủ trẻ càng ít đi.
Mùa này, VPF đã triển khai một phương án rất hay, tạo ra ảnh hưởng tương đối rõ ràng. Đó là cho phép các CLB sử dụng cầu thủ nước ngoài gốc Việt. Hầu hết các cầu thủ này đều đang thi đấu ở các nền bóng đá mạnh và có kỹ năng tốt. Sự hiện diện của họ ở V-League đồng thời giúp cho các ĐTQG Việt Nam có thêm lựa chọn trong tương lai.
Tất nhiên, đây đều là những kế hoạch mang tính vĩ mô, không thể thực hiện ngày một ngày hai. Trước mắt, VPF sẽ tập trung vào các vấn đề cũ lặp lại nhiều lần để cải thiện các giải đấu chuyên nghiệp của Việt Nam. Trong đó, cấp bách nhất là việc ngăn chặn nguy cơ các đội bóng giải thể.
Trường hợp mới nhất của CLB Sài Gòn khiến giải hạng Nhất và cúp Quốc gia 2023 phải bốc thăm lại. Đây là điều không được phép xảy ra trong tương lai. Để hạn chế các vấn đề tương tư, VPF và VFF sẽ thắt chặt quy trình cấp phép CLB chuyên nghiệp. Hiện tại, vẫn còn khoảng 1/4 CLB tại V-League chưa đạt chuẩn AFC. Kể từ năm tới, VPF và VFF có thể sẽ mạnh tay hơn với các CLB không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản.
Ông Trần Anh Tú nhấn mạnh: “Có thể, trong vài năm sẽ bị thiếu hụt CLB dự giải nhưng đảm bảo được sự bền vững và giảm thiểu tình trạng bỏ giải”. Thực tế, không ít người hâm mộ và chuyên gia cho rằng V-League nên thu gọn lại hơn nữa để tăng độ hấp dẫn. Với tiềm lực và sự ổn định mà các CLB thể hiện trong những năm gần đây, chỉ có 10 đội xứng đáng tham gia hạng đấu cao nhất. Việc thu gọn này đồng thời giúp sức cạnh tranh của giải đấu tăng mạnh và thu hút sự chú ý của giới mộ điệu nhiều hơn.