VPF từ chối yêu cầu Đại hội cổ đông bất thường, HAGL hay B.Bình Dương không hiểu luật?
Từ thông báo của Công ty VPF về việc CLB HAGL, B.Bình Dương và 4 đội bóng khác không đáp ứng được quy định về yêu cầu tổ chức Đại hội cổ đông bất thường, có nhiều vấn đề cần suy nghĩ.
Chiều 26-9, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) thông báo từ chối yêu cầu của 6 CLB ở V-League và giải Hạng nhất Quốc gia về việc phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường. Sáu đội bóng bao gồm HAGL, B.Bình Dương, Nam Định, Hải Phòng, SLNA và Quảng Nam.
Lý do VPF đưa ra là yêu cầu của các cổ đông (các CLB) không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 và 4 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 3 Điều 24 Điều lệ Công ty VPF. Theo Khoản 3 Điều luật này, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần phổ thông trở lên có quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp Hội đồng quản trị (HĐQT) vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông, nghĩa vụ của người quản lý hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền được giao.
Khoản 4 Điều luật này quy định: Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải bằng văn bản và bao gồm giấy tờ pháp lý liên quan đến doanh nghiệp, số cổ phần, các tài liệu, chứng cứ về các vi phạm của HĐQT, mức độ vi phạm hoặc quyết định vượt quá thẩm quyền.
Với những phúc đáp được VPF gửi về 6 CLB, dư luận đặt ra câu hỏi: "Tại sao 6 đội bóng đề nghị Đại hội đồng cổ đông bất thường nhưng lại gửi công văn thiếu tài liệu, chứng cứ viện dẫn những sai phạm của lãnh đạo VPF? Phải chăng các CLB không nắm luật?".
Thực tế ngay từ ngày 30-8, tức thời điểm CLB HAGL gửi đơn yêu cầu VPF tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu lại lãnh đạo công ty và chấn chỉnh những yếu kém, giới phân tích cũng chỉ ra rằng khó có khả năng VPF sẽ thực hiện. Tuy nhiên, không chỉ HAGL mà trước và sau đó, lần lượt các CLB B.Bình Dương, Quảng Nam, Nam Định, Hải Phòng, SLNA cũng gửi đơn yêu cầu điều tương tự, đã phần nào cho thấy họ muốn tạo áp lực để dư luận hiểu rằng, dù có đủ điều kiện để bắt VPF tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường hay không, thì tổ chức này cũng không thể tiếp tục có những hành xử mang tính coi thường các cổ đông, ở đây là nhóm các CLB bức xúc.
VPF có quyền từ chối yêu cầu của các CLB này, thậm chí viện dẫn bằng quy định rạch ròi trong điều lệ công ty, nhưng với 6 đội bóng lên tiếng phản ứng như vậy, rõ ràng sân chơi bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang có mâu thuẫn nội bộ rất lớn. Sự im lặng của nhóm các CLB còn lại, sẽ khiến dư luận hiểu rằng hoặc là có nhóm lợi ích, hoặc là vì sợ "trù dập" mà phải đứng về phía VPF.
HAGL, B.Bình Dương, SLNA, Nam Định hay Hải Phòng lựa chọn lên tiếng dù biết chắc VPF không tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường, xem ra là nước đi khó lường và khiến VPF sẽ còn đau đầu dài dài.