VPS hút vốn cho mục tiêu kinh doanh tham vọng

VPS lên kế hoạch huy động 12.000 tỷ đồng từ trái phiếu để có thêm nguồn lực hiện thực hóa tham vọng lợi nhuận 3.500 tỷ đồng.

Trong bối cảnh các thành viên thị trường “đua nhau” phát hành cổ phiếu để gia tăng sức mạnh tài chính, Công ty CP Chứng khoán VPS vẫn có “lối đi riêng” khi gần như đứng ngoài cuộc đua tăng vốn điều lệ này.

Nguồn vốn tài trợ của VPS đa phần đến từ các khoản vay trái phiếu, nợ tài chính để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi như môi giới chứng khoán, cho vay ký quỹ… nhằm đảm bảo an toàn tài chính cũng như duy trì vị thế số 1 trong mảng môi giới thay vì đẩy mạnh tự doanh như nhiều công ty chứng khoán khác.

Nhờ đó, VPS vẫn duy trì mức độ an toàn tài chính cao, kết quả kinh doanh ít chịu ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố thị trường, chính sách như nhiều đối thủ cùng ngành khác, đảm bảo mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều đặn trong suốt những năm vừa qua, đồng thời liên tục chinh phục những “cột mốc” mới về kết quả kinh doanh.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.500 tỷ đồng

Mới đây, VPS đã công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 16/1/2025. Đáng chú ý, công ty đặt mục tiêu lãi trước thuế hợp nhất 3.500 tỷ đồng trong năm 2025, gấp 2,3 lần mục tiêu 1.500 tỷ đồng của năm 2024 và đây cũng là con số lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của VPS.

Thực tế, VPS đã chính thức vượt kế hoạch năm 2024 chỉ sau chín tháng đầu năm với lãi trước thuế hơn 2.100 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ nhờ việc tiết giảm đáng kể các chi phí hoạt động.

Để có thêm nguồn lực thực hiện kế hoạch tham vọng trên, theo tài liệu được VPS công bố, công ty dự kiến đề xuất kế hoạch chào bán 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng trong giai đoạn 2025-2026.

Đồng thời, hội đồng quản trị còn dự trình thông qua kế hoạch chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ trong năm 2025, nhằm cơ cấu lại các khoản nợ với giá trị tối đa 7.000 tỷ đồng, kỳ hạn lên tới sáu tháng.

Trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ có kỳ hạn tối đa hai năm kể từ ngày phát hành, thuộc loại chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm chứng quyền, được thanh toán lãi định kỳ và thanh toán gốc một lần khi đến hạn.

Các tài sản tài chính ít biến động chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tài sản của VPS. Ảnh: VPS

Các tài sản tài chính ít biến động chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục tài sản của VPS. Ảnh: VPS

Theo báo cáo tài chính quý III/2024, VPS hiện có hơn 18.360 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 36% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là dư nợ vay ngắn hạn với hơn 17.380 tỷ đồng, chiếm gần 95% tổng nợ.

Tại thời điểm 30/9, VPS có tổng tài sản 28.890 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 6.430 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó chủ yếu là các khoản cho vay ký quỹ và các khoản đầu tư hạn chế rủi ro như tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và tiền tửi ngân hàng.

Trong đó, tài sản FVTPL tăng thêm 280 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 5.880 tỷ đồng. Chiếm gần 82% tỷ trọng là công cụ thị trường tiền tệ với gần 4.800 tỷ đồng, theo sau là trái phiếu niêm yết 895 tỷ đồng, trong khi cổ phiếu niêm yết chỉ 15 tỷ đồng.

Bên cạnh các chỉ tiêu kinh doanh và huy động vốn, HĐQT VPS cũng dự trình nội dung liên quan đến nhân sự ban kiểm soát, với việc miễn nhiệm chức vụ kiểm soát viên của bà Lê Thu Minh và bầu bổ sung người thay thế cho nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trước đó, trong ngày 23/12, bà Lê Thu Minh đã nộp đơn từ nhiệm chức vụ Trưởng ban Kiểm soát cũng như chức vụ kiểm soát viên vì lý do cá nhân.

Sau nhiều năm hoạt động, công ty cũng dự kiến thay đổi trụ sở chính trong năm 2025, từ khu văn phòng số 65 Cảm Hội, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng sang số 136 Trần Thủ Độ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/vps-hut-von-cho-muc-tieu-kinh-doanh-tham-vong-d38534.html