VQG Cát Tiên tham gia Danh lục Xanh: Cơ hội bảo vệ rừng và động vật hoang dã tốt hơn
Sau khu bảo tồn Vân Long được chứng nhận Danh lục Xanh (DLX), Vườn quốc gia Cát Tiên đang tiến rất gần đến các tiêu chí của chứng nhận này.
Cát Tiên nổ lực đạt Danh Lục Xanh
Trong 2 ngày 17-1 và 18-1-2023, tại VQG Cát Tiên diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) của Bộ NN-PTNT. Chường trình được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) phối hợp với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Danh Lục Xanh (DLX) là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho các khu bảo vệ và bảo tồn, cung cấp thước đo thành công trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Mục tiêu của chương trình là công nhận và tăng số lượng các khu bảo vệ và bảo tồn đạt được kết quả bảo tồn lâu dài cho con người và thiên nhiên. Tính đến năm 2022, sáng kiến này đã thu hút được sự quan tâm và tham gia của hơn 60 quốc gia trên khắp thế giới.
Tiêu chuẩn Danh lục Xanh IUCN gồm bốn hợp phần: Quản trị tốt, thiết kế và lập kế hoạch tốt, quản lý hiệu quả, kết quả bảo tồn thành công. Mỗi hợp phần được hỗ trợ bởi các tiêu chí và chỉ số để đo lường thành tựu. Có 17 tiêu chí với 50 chỉ số bao trùm cả bốn hợp phần.
Ông Nick Cox, chuyên gia của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF) - Giám đốc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do USAID tài trợ, cho biết chứng nhận DLX giúp các chủ rừng biết được những điểm cần cải thiện nếu khu bảo tồn của mình đạt được tiêu chuẩn quản lý quốc tế.
Tại Việt Nam, khu bảo tồn Vân Long là khu bảo tồn đầu tiên ở Đông Nam Á được chứng nhận DLX. Hiện có 10 khu bảo vệ và bảo tồn tham gia chương trình này, trong đó, hai khu đang trong giai đoạn đăng ký là VQG Côn Đảo và VQG Pù Mát, các khu còn lại đang trong giai đoạn ứng viên.
Ông Nguyễn Mạnh Hiệp, điều phối Quốc gia về đa dạng sinh học chương trình IUCN tại Việt Nam, cho biết VQG Cát Tiên hiện là khu bảo tồn đang ở bước gần nhất với giai đoạn DLX.
"Hồ sơ Cát Tiên đã được xem xét kỹ lưỡng và toàn bộ chuyên gia đều thông qua quyết định đề cử Cát Tiên. Cơ quan thẩm định độc lập đã phê duyệt hồ sơ vào tháng 12-2023 và trình lên Ủy ban DLX để đánh giá cuối cùng và trao danh hiệu DLX" - ông Hiệp nói.
Hài hòa lợi ích người dân bản địa với rừng
Theo đánh giá của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ trong bảo tồn đa dạng sinh học và việc tham gia Danh lục Xanh IUCN thể hiện cam kết đối với sự bền vững môi trường toàn cầu.
Số liệu của Phòng quản lý Rừng đặc dụng, phòng hộ (Cục Lâm nghiệp), Việt Nam hiện có 34 vườn quốc gia, 56 khu dự trữ thiên nhiên, 17 khu bảo tồn và sinh cảnh, 60 Khu bảo vệ cảnh quan lịch sử - văn hóa với hơn 10.000 ha rừng thực nghiệm khoa học.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, phát triển nâng tổng diện tích rừng đặc dụng trên phạm vi cả nước đạt 2,4 triệu ha; phục hồi 100.000 ha rừng đặc dụng bị suy thoái , bảo tồn sinh cảnh sống của các loài động vật, thực vật rừng đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm.
Bà Annie Wallace, Giám đốc Văn phòng Biến đổi Khí hậu, Năng lượng và Môi trường của USAID Việt Nam, nhận định các chương trình về bảo tồn đa dạng sinh học của USAID tại Việt Nam đang hỗ trợ các khu bảo tồn có phương pháp quản lý tốt, giống như các khu bảo tồn theo tiêu chuẩn Danh Lục Xanh IUCN.
Kết quả từ đợt khảo sát bằng bẫy ảnh gần đây cho thấy vườn quốc gia Cát Tiên có các kết quả tốt và minh chứng một điều là những đầu tư dài hạn vào cải thiện công tác quản lý của các khu bảo tồn đem lại kết quả tích cực về bảo tồn.
Theo các chuyên gia, những tiêu chí của DLX không chỉ giúp các chủ rừng quản lý phát triển rừng của mình ngày càng tốt lên, theo quy chuẩn quốc tế mà còn giúp xử lý những mối xung đột của con người, đặc biệt là người bản địa với rừng. Điều này sẽ giúp người dân nâng cao đời sống bằng nhiều mô hình du lịch sinh thái gắn với quản lý bảo vệ rừng, làm giàu từ rừng, không còn phải khai thác lâm sản hay săn bắt thú rừng phục vụ nhu cầu hàng ngày.
Ông Phạm Xuân Thịnh, Giám đốc VQG Cát Tiên, cho biết DLX là một quá trình lâu dài, với nhiều khó khăn, thách thức nên không phải vườn quốc gia, khu bảo tồn nào cũng có thể đạt được. VQG Cát Tiên đã cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước hoàn thiện hồ sơ với thời gian khá dài.
"Trong lúc chờ đợi kết, chúng tôi cam kết luôn thực hiện các biện pháp bảo tồn toàn diện và luôn nỗ lực đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt được đặt ra với mục tiêu trở thành một trong những điển hình của các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý bền vững và bảo vệ đa dạng sinh học", ông Phạm Xuân Thịnh nói.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cho biết năm 2023 lực lượng kiểm lâm của rừng đã gỡ khoảng 4.000 bẫy thú. Do đó, việc chung tay với chính quyền nâng cao đời sống của người dân địa phương bằng du lịch sinh thái, cung cấp các dịch vụ liên quan đã hài hòa được các lợi ích của người dân với rừng, qua đó giúp bảo vệ rừng và động vật hoang dã tốt hơn.
10 khu bảo vệ và bảo tồn của Việt Nam tham gia DLX
Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup - Núi Bà, VQG Cát Tiên, VQG Pù Mát và VQG Côn Đảo. Hai khu đang trong giai đoạn đăng ký (VQG Côn Đảo và VQG Pù Mát) và các khu còn lại đang trong giai đoạn ứng viên.
Quy trình xét duyệt DLX: Khu bảo tồn tự báo cáo - các chuyên gia thuộc EAGL đánh giá lần 1 - EAGL kiểm tra thực địa - EAGL đánh giá lại - Khu bảo tồn khắc phục các thiếu hụt - EAGL báo cáo kết quả thực địa - EAGL bình bầu, thông qua, khuyến nghị - các nhóm chuyên gia kiểm tra lại - Ủy ban Toàn cầu Công nhận DLX cho khu bảo tồn.