VTV gây tranh luận vì gọi 'cô diễn viên người Nhật' là thần tượng rởm?
Bản tin Chuyển động 24h có tiêu đề 'Ai đã tiếp tay cho idol rởm?' trên sóng VTV1 nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả.
VTV lên án hiện tượng thần tượng rởm
Mới đây, bản tin Chuyển động 24h có tiêu đề “Ai đã tiếp tay cho idol rởm?” lên sóng VTV1, thu hút sự chú ý của khán giả.
Theo BTV Sơn Lâm, cụm từ “thần tượng” hay “idol” trong tiếng Anh lần đầu xuất hiện vào giữa thế kỷ 13, bản thân đã hàm chứa sự “ca ngợi và tôn sùng”.
Ngày nay, cụm từ này có thể được dùng cho một nhân vật ở bất kỳ lĩnh vực nào, chỉ cần họ có tài năng và có tầm ảnh hưởng tích cực được công nhận trong lĩnh vực ấy. Từ đó họ sẽ nhận được nhiều sự yêu mến và ngưỡng mộ của cộng đồng.
MC Chuyển động 24h nhận xét, nếu lấy định nghĩa này áp vào những nhân vật đang được gọi là “idol mạng xã hội” hiện nay thì đó là những “idol rởm”.
“Thật và rởm khác nhau ở chữ “tài năng” nhưng trớ trêu thay tầm ảnh hưởng lại chẳng khác là mấy. Đặc biệt là với sự trợ giúp của mạng xã hội như ngày nay”, BTV Sơn Lâm bày tỏ.
Ngoài hình ảnh các hiện tượng mạng nổi tiếng thời gian gần đây (đã được che mờ), bản tin cũng liệt kê các trào lưu được tạo ra từ các hiện tượng này như: múa quạt, đầu cắt moi, "khoe ảnh chụp cùng một cô diễn viên người Nhật"... Nam MC gọi đây là những “idol lệch lạc”.
Trao đổi với BTV Sơn Lâm, chuyên gia truyền thông số Phùng Thái Học cho biết hiện có 2 kênh truyền thông là truyền thông chính thống và truyền thông không chính thống. Anh xếp các Fanpage trên Facebook vào kênh truyền thông không chính thống, chỉ quan tâm đến view.
Bản tin nhận định, tò mò chính là điểm yếu của con người và mạng xã hội đang ngày càng khai thác triệt để điểm yếu này. Khi nào khán giả vẫn còn thích xem những thông tin không đẹp như vậy thì các nền tảng này vẫn còn đăng.
“Xem hay không, cuối cùng vẫn là quyết định của người xem”, BTV Sơn Lâm nhấn mạnh.
Chia sẻ với nhà đài về vấn đề này, Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: “Các video có nội dung ngắn về vấn đề phản cảm, chúng tôi vẫn xử lý theo hướng là phát hiện, ngăn chặn đồng thời xử lý đối tượng cung cấp. Cơ quan quản lý Nhà nước đúng là không thể đủ được nhân lực, công cụ kỹ thuật để rà quét trên tất cả các nền tảng có hệ thống livestream. Vì nó rất nhiều”.
Diễn viên Eimi Fukuda là ai?
Dù không chỉ đích danh, nhưng "cô diễn viên người Nhật" được VTV nhắc đến được cho là diễn viên Eimi Fukada.
Eimi Fukada sinh năm 1998, là một trong những nữ diễn viên trẻ nhất tham gia vào lĩnh vực phim người lớn tại Nhật Bản.
Trước khi theo đuổi sự nghiệp diễn viên, Eimi từng hoạt động trong một nhóm nhạc nữ nhưng khá bấp bênh. Năm 2017, cô quyết định rời nhóm, chính thức chuyển qua dòng phim người lớn và ngày càng nổi tiếng.
Sau khi phát sóng, bản tin Chuyển động 24h nhận nhiều bình luận trái chiều, bên cạnh những người ủng hộ, một bộ phận khác lại phản đối quan điểm của nhà đài.
"Thật sự đáng lo ngại. Hàng nghìn bạn trẻ lại phấn khích, thích thú, ào ào vào các diễn đàn để bình luận những thứ lố lăng, phản cảm. Không ai cấm các bạn chụp ảnh với người khác, nhưng cách chúng ta tung hô lại khiến chúng ta tầm thường, khiếm nhã"; "Khi người dùng mạng xã hội chạy theo thị hiếu khi thường xuyên đăng tải video có nội dung bạo lực, hài nhảm, hay như việc gặp gỡ một diễn viên phim người lớn và xem họ như thần tượng thì quả thật đáng lo ngại";
Các bạn trẻ đang “thần tượng hóa” điều gì vậy? Hòa nhập chứ đừng hòa tan những trào lưu, văn hóa kiểu phương Tây này. Liệu các em nhỏ, các bạn trẻ là học sinh, sinh viên muốn gì từ diễn viên này mà “thần tượng” đến vậy?"; "Người ta cũng là diễn viên, được pháp luật tại nước họ cho phép, không vi phạm đạo đức, pháp luật. Cô ấy đã làm điều gì sai khi đến Việt Nam chưa?"; "VTV cũng hay nhưng riêng cái này thấy không hợp lý"... là một số bình luận của khán giả.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý - xã hội học Thúy Hải cho rằng, khái niệm “thần tượng” của giới trẻ hiện nay không chỉ còn là những ngôi sao trong làng giải trí, như: diễn viên, ca sĩ... hay những người có tài năng, đạo đức ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, y tế, thể thao...
Thần tượng của giới trẻ hiện nay còn mở rộng ra là những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Họ có thể là người sản xuất nội dung tích cực, nhân văn, cũng có thể là những người câu view bằng các chiêu trò lố bịch, phản cảm.
"Mỗi người đều có quyền yêu, thích, biểu lộ tình cảm của mình với một cá nhân bất kỳ phụ thuộc vào sở thích và nhu cầu. Tuy nhiên, khi ngày càng nhiều bạn trẻ học đòi theo thần tượng rởm dẫn đến hành động lệch lạc, trái thuần phong mỹ tục, vu phạm đạo đức thì cần phải lên án, thậm chí tẩy chay thần tượng đó.
Để làm được điều này, cần có sự đồng bộ của nhiều bên như: nhận thức của người dùng mạng xã hội; công tác giáo dục từ gia đình, nhà trường và công tác quản lý của cơ quan chức năng.
Trở lại trường hợp của "cô diễn viên người Nhật", cô ấy là diễn viên hợp pháp tại Nhật Bản. Khi một du khách đến Việt Nam, với các hoạt động lành mạnh, chúng ta có thái độ hiếu khách, thân thiện là điều nên làm.
Điều đáng lên án ở đây là hiện tượng YouTuber, TikToker đổ xô đi chụp ảnh cùng, đăng lên mạng xã hội rồi coi đây như một cách để câu view, định hướng hoặc cổ súy cho các bình luận phản cảm, thô tục.
Mặc dù diễn viên, phim người lớn tại Nhật Bản là hoạt động hợp pháp, nhưng văn hóa tại Việt Nam lại khác. Bản thân YouTuber, TikToker phải ý thức được điều đó để sản xuất các nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của nước mình", vị chuyên gia bày tỏ.
Đầu tháng 4/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết sẽ có cuộc thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam trong thời gian tới. Hai trong số những vấn đề của TikTok được Bộ Thông tin và Truyền thông để ý gồm phân phối nội dung và quảng cáo.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, những sai phạm của TikTok để lại hệ lụy nghiêm trọng như tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp. Nội dung vi phạm bản quyền tràn lan.