Vụ 17 con hổ ở Nghệ An: Cơ hội sống khi tái thả hổ nuôi nhốt gần như bằng không
Theo chuyên gia, hổ nuôi nhốt mất khả năng săn mồi và sinh tồn ngoài tự nhiên, dẫn đến cơ hội sống khi tái thả về tự nhiên gần như bằng không. Chưa nơi nào trên thế giới tái thả hổ sinh ra trong môi trường nuôi nhốt hoặc nuôi thuần trong trang trại nuôi.
Liên quan đến việc 17 con hổ nuôi nhốt trái phép tại hai hộ dân ở Nghệ An gây xôn xao dư luận, ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam cho rằng, mỗi cá thể hổ trưởng thành có khối lượng từ 200kg - 250kg nhưng phải sống trong những chiếc cũi chật hẹp, ẩm mốc, thiếu ánh sáng và không được hưởng những quyền sống cơ bản của động vật. Chính những điều kiện sống này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tinh thần chúng.
“Hổ sẽ bị thừa cân và mất hết các bản năng hoang dã cùng các tập tính tự nhiên. Việc tái thả những cá thể hổ này về tự nhiên làm tăng nguy cơ hổ tấn công và gây nguy hiểm cho con người”, ông Thái nói.
Do không thể tự kiếm ăn, cộng với việc đã quen tiếp xúc với con người trong môi trường nuôi nhốt, các cá thể hổ sau khi được tái thả sẽ có xu hướng tới gần khu dân cư để tìm thức ăn, có thể là vật nuôi hoặc thậm chí là người. “Bởi vậy, việc tái thả hổ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng con người”, ông Thái nhấn mạnh.
Nhiều năm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã, ông Thái cho biết, hổ là một trong những loài thuộc nhóm đứng đầu chuỗi thức ăn. Để tồn tại, chúng rất cần có các kỹ năng chạy, săn, rình mồi và bảo vệ lãnh thổ. Thế nhưng, hổ trong môi trường nuôi nhốt không có hoặc đã mất khả năng săn mồi và sinh tồn ngoài tự nhiên, dẫn đến cơ hội sống khi tái thả về tự nhiên của chúng gần như bằng không. Chưa nơi nào trên thế giới tái thả hổ sinh ra trong môi trường nuôi nhốt hoặc nuôi thuần trong trang trại nuôi.
Nói về việc 8/17 con hổ chết sau giải cứu, ông Thái chia sẻ: "Nguyên nhân chính xác dẫn đến cái chết của 8 cá thể hổ hiện chưa được xác định. Trong thời gian đợi xác nhận từ cơ quan điều tra, tôi mong muốn các cơ quan ban ngành, lực lượng chức năng và các đơn vị, cá nhân đang tham gia vào cuộc chiến chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép".
Theo vị Giám đốc, việc chuyển các cá thể hổ này đến những đơn vị được cấp phép với điều kiện chăm sóc tốt và cơ sở vật chất đảm bảo phúc lợi động vật là sự lựa chọn phù hợp và nhân văn nhất trong thời điểm hiện tại.
Như Tiền Phong đã đưa tin, rạng sáng 4/8, Công an tỉnh Nghệ An đã đồng loạt ra quân kiểm tra đột xuất và phát hiện hai cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép trên địa bàn xã Đô Thành, huyện Yên Thành, thu giữ 17 con hổ trưởng thành.
Tại nhà anh Nguyễn Văn Hiền (SN 1982, xóm Nam Vực, xã Đô Thành, huyện Yên Thành), lực lượng chức năng bắt quả tang gia đình đang nuôi nhốt 14 con hổ trưởng thành. Cùng thời điểm, tại nhà bà Nguyễn Thị Định (SN 1971, ở xóm Phú Xuân, xã Đô Thành), cảnh sát thu giữ 3 con hổ trưởng thành. Mỗi con hổ nặng từ 200kg đến 265kg. Tuy nhiên đến nay, có 8/17 con hổ đã chết chưa rõ nguyên nhân.