Vụ 21 lô đất người TQ đứng tên: 3 lần cung cấp thông tin vẫn mập mờ
Ngày 20/9, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng 2 lần đưa Thông cáo báo chí thông tin về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có yếu tố nước ngoài.
Tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng với cử tri huyện Hòa Vang vào sáng 19/9, cử tri lo ngại việc người Trung Quốc mua nhiều lô đất ven biển Đà Nẵng gây ra tình trạng sốt đất trong thời gian vừa qua.
Ông Ngô Minh Hồng, ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang đề nghị chính quyền quản lý chặt chẽ việc mua bán đất có yếu tố người nước ngoài: “Tôi thấy rằng, trong vấn đề đất đai, thành phố dường như buông lỏng quản lý, để cho người dân mua bán một cách tự do, trong đó có người Trung Quốc”.
Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng yêu cầu ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng trả lời ý kiến cử tri.
Giải thích về tình trạng người Trung Quốc mua đất, ông Tô Văn Hùng cho biết, qua rà soát, các dự án khu đô thị dọc Sân bay Nước Mặn có tất cả 246 lô đất, trong đó có 21 trường hợp có người Trung Quốc đứng tên.
“21 trường hợp này, trước đây được cấp giấy chứng nhận cho người Việt Nam. Tuy nhiên, trong qua trình khai thác sử dụng, họ dùng hình thức mua cổ phần hoặc góp vốn, nên hiện nay chuyển sang người Trung Quốc đứng tên. Việc cấp giấy chứng nhận hoàn toàn đúng quy định của pháp luật, còn lại có hay không người Trung Quốc núp bóng thì thuộc về chức năng của những cơ quan điều tra”, ông Hùng cho hay.
Những phát ngôn của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng ngay sau đó được báo chí dẫn lời đưa tin. Nhiều người tỏ ra bất ngờ với thông tin này.
Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường lập tức yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng báo cáo chi tiết sự việc, đồng thời sao lưu 21 sổ đỏ đã cấp gửi về cơ quan này để kiểm tra.
Trước sức nóng dư luận, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng trong 1 buổi đã 2 lần đưa ra Thông cáo báo chí.
Mở đầu Thông cáo báo chí lần thứ 1, ông Tô Văn Hùng nói: “Thời gian qua, một số trang báo điện tử có đăng tải các bài viết liên quan đến việc một số người nước ngoài sở hữu quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất gây tâm lý hoang mang dư luận”. Trong khi đó, băng ghi âm lời phát biểu của vị Giám đốc này, các phóng viên đều lưu giữ cẩn thận.
Thông cáo báo chí lần 2 của Sở này khẳng định, 2 doanh nghiệp ở Đà Nẵng có yếu tố nước ngoài được cho thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức cá nhân trong nước tại 21 giấy chứng nhận. Tuy nhiên, bản chất của việc cấp giấy chứng nhận cho 21 lô đất do người Trung Quốc đứng tên được giải thích trong Thông cáo báo chí không giống với cách trả lời với cử tri trước đó một ngày?
Theo Luật sư Lê Ngô Hoài Phương, Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh, thông cáo báo chí của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng có nhiều chỗ chưa rõ ràng.
Theo ông Phương, doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam, dù chủ sở hữu là người nước nào, theo qui định pháp luật Việt Nam thì họ là pháp nhân của Việt Nam và được đối xử công bằng, được quyền thuê đất và đầu tư kinh doanh. Câu hỏi đặt ra là thực tế hiện nay 20 lô đất này đã được chuyển quyền sử dụng cho công ty hay chưa và thời hạn bao nhiêu năm?
Theo qui định của pháp luật, nếu là đất kinh doanh thương mại khi thuộc quyền quản lý sử dụng của một pháp nhân thì dù đó là pháp nhân Việt Nam hay pháp nhân vốn đầu tư nước ngoài, đất đó phải có thời hạn sử dụng, chứ không được phép sử dụng lâu dài. Nếu hiện nay, 20 lô đất đó đã được chuyển sang đất có thời hạn thì phù hợp với pháp luật, còn nếu chưa chuyển đổi thì họ đang sử dụng sai qui định.
Luật sư Lê Ngô Hoài Phương giải thích: “Ví dụ nếu mua 20 lô đất của 20 cá nhân, trường hợp này nếu muốn chuyển sang quyền sử dụng của công ty thì buộc phải chuyển đất có thời hạn, bởi vì đó là đất kinh doanh thương mại. Điều chỉnh thành 50 năm, sau 50 năm thuộc quyền quản lý nhà nước. Ở đây nói là doanh nghiệp đã nhận chuyển nhượng nhưng đã chuyển sang tên cho doanh nghiệp hay chưa? Và điều chỉnh thời hạn sử dụng hay chưa, thông tin này không đề cập tới. Chuyển sang cho công ty này đứng tên nhưng điều chỉnh có thời hạn 50 năm thì hoàn toàn đúng, nếu để sử dụng lâu dài là chưa đúng”.
Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có liên quan yếu tố nước ngoài ở Đà Nẵng cần tiếp tục rà soát tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai. Từ những vụ việc như thế này, Lãnh đạo thành phố cũng nên xem xét trách nhiệm của ông Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, người thường có những phát ngôn “gây bão” dư luận trong thời gian qua./.