Vụ 3 công an bắn chết dê của dân: Cần làm rõ hành vi dùng súng hơi
Theo luật sư, ngoài việc bị điều tra hành vi trộm cắp, Công an cần làm rõ 3 cán bộ công an sử dụng súng hơi đi săn có đúng quy định pháp luật.
Vừa qua, dư luận xôn xao vụ 3 cán bộ Công an huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội mang theo súng hơi vào khu vực núi Mào Gà, xã An Phú để bắn chim.
Trong lúc đi săn, nhóm này đã bắn chết hai con dê của người dân và cho vào cốp xe đi về. Sau đó, đã bị người dân phát hiện và chặn lại.
Sau đó, Giám đốc Công an TP Hà Nội ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ Công an huyện Mỹ Đức. Công an TP Hà Nội cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trộm cắp tài sản và tạm giữ hình sự đối với 3 người này để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc này, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, theo quy định tại khoản 3, điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, súng hơi là một dạng súng săn, mang tính chất của vũ khí nói chung và có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người.
"Trong vụ việc, súng hơi đã hạ gục 2 con dê do vậy lực sát thương không hề nhỏ và có tính nguy hiểm. Hơn nữa, cũng theo quy định tại khoản 2, điều 5 của Luật này thì hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng, 3 cán bộ có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Lực nêu quan điểm.
Luật sư Quách Thành Lực cho biết, nếu sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép có thể bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, quy định tại điểm h, khoản 3, điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự thì bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng, quy định tại điểm c, khoản 4 của Nghị định này. Đồng thời, bị phạt bổ sung tịch thu tang vật.
Mặt khác, nếu những cán bộ này trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi chế tạo vũ khí thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng súng săn theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với mức hình phạt từ 1 - 5 năm tù. Ngoài ra, còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, bị phạt quản chế hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú từ 1 - 5 năm.
"Tuy nhiên, đây chỉ là giả thiết đặt ra, 3 cán bộ này có thể bị xử lý về hành vi sử dụng súng săn hay không còn phụ thuộc vào kết luận từ phía cơ quan điều tra, nhưng cần phải làm rõ", luật sư Quách Thành Lực nói.
3 công an trong vụ việc là: Đại úy Nguyễn Văn Nhân, Thượng úy Bùi Đình Việt và Thượng úy Bùi Tiến Tùng, cùng công tác tại Công an Thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.