Vụ 4 công nhân tử vong do bụi phổi, bác sĩ chỉ ra các dấu hiệu và cách phòng ngừa hiệu quả
Chỉ trong thời gian ngắn, tại Nghệ An có hàng loạt công nhân phát hiện mắc bệnh bụi phổi, trong đó có 4 công nhân tử vong rất nhanh. Được biết, các công nhân này đều làm việc tại các công ty chuyên về khai thác, chế biến khoáng sản. Vậy, bụi phổi có biểu hiện gì, phòng ngừa ra sao?
Bệnh bụi phổi là gì?
Bệnh bụi phổi là do bụi tích lũy trong phổi thông qua quá trình người bệnh hít thở khói bụi bẩn vào trong cơ thể thường xuyên. Nếu kích thước bụi lớn nó sẽ bắt giữ ở đường thở và đào thải ra ngoài dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bụi có kích thước nhỏ sẽ tiến sâu vào trong phế nang dẫn tới việc đào thải chậm hơn. Lâu dần, những hạt bụi đó sẽ gây nên bệnh bụi phổi.
Điều quan trọng, khi phổi của người bệnh không thể loại bỏ tất cả các hạt bụi này sẽ dẫn đến tình trạng viêm phổi, có thể gây ra các mô sẹo. Bệnh cũng gây tổn thương các mạch máu và túi khí trong phổi, khiến các mô bao quanh túi khí và đường dẫn khí trở nên dày, cứng hơn.
Như vậy, nguyên nhân gây bệnh bụi phổi chủ yếu là do tiếp xúc với vật liệu có tính phân tán thành những hạt rất nhỏ có khả năng xâm nhập vào phổi. Bụi phổi silic là một dạng bệnh phổ biến ở ngành khai thác đá liên quan tới mài, cắt, chế tạo vật liệu xây dựng.
Theo thống kê của Bộ Y tế cho thấy, nước ta có gần 28.000 người lao động mắc bệnh bụi phổi, tuy nhiên con số thực tế có thể cao hơn gấp nhiều lần. Trong danh sách 30 nghề nghiệp nằm trong danh mục thanh toán bảo hiểm y tế, bệnh bụi phổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 74% các trường hợp.
Nguyên nhân gây bụi phổi
Có rất nhiều loại bụi gây bệnh bụi phổi, trong đó thường gặp nhất là amiăng, bụi than và phổ biến nhất là silic. Silic được tìm thấy trong cát, sa thạch, granite, đá phiến, kim loại và quặng than. Riêng bệnh bụi phổi silic hình thành và tiến triển chậm, thường xảy ra sau khoảng 5-10 năm người bệnh tiếp xúc với loại bụi này.
Yếu tố dễ nhiễm bụi phổi là người làm công việc đúc phải tiếp xúc với bụi cát khuôn, làm sạch vật đúc
- Đẽo mài đá, khai thác quặng có chứa tinh thể silic tự do
- Sản xuất, chế biến đồ gốm, gạch chịu lửa, thủy tinh
- Tán nghiền, sàng quặng đá chứa tinh thể silic tự do
Hiện nay, thực tế cho thấy những người thường xuyên làm việc ở trong nhà máy, mỏ đá hay các mỏ quặng sẽ có nguy cơ cao bị bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, cụ thể là những việc như: Sản xuất nhựa đường; Sản xuất bê tông; Sản xuất thủy tinh; Nghiền hoặc khoan đá và bê tông; Khai thác khoáng sản…dễ mắc căn bệnh này.
Ho có đờm, khó thở là những triệu chứng thường gặp của bệnh bụi phổi
Trong giai đoạn đầu của bệnh bụi phổi, bệnh nhân mắc bệnh có thể không gặp bất cứ triệu chứng và dấu hiệu nào. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có thể nhận biết các triệu chứng bao gồm:
- Ho, có hoặc không có chất nhầy (đờm)
- Tức ngực
- Khó thở
Người bệnh có thể nhận thấy thở nhiều hơn hoặc thở gấp khi hoạt động, như đi bộ hoặc leo lên cầu thang. Một số người có thể cảm thấy không thở được ngay cả khi nghỉ ngơi.
Nếu bị ho khan liên quan đến một phần ở phổi hoặc gây ra rất nhiều sẹo, máu có thể khó tiếp cận được với oxy trong quá trình hô hấp. Tình trạng kéo dài dẫn đến tình trạng thiếu oxy (mức độ oxy máu thấp). Tình trạng thiếu oxy máu chỉ có thể xảy ra khi hoạt động hoặc ngủ. Tình trạng thiết oxy máu có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu cơn ho nặng hoặc tiến triển
Rất nhiều bệnh nhân bị thiếu oxy máu họ không biết rằng mức oxy của họ thấp do bản thân sự thiếu oxy máu không phải lúc nào cũng gây ra các triệu chứng như khó thở. Oxy trong máu cung cấp oxy cho tất cả các cơ quan nội tạng, vì thế việc nhận biết tình trạng thiếu oxy rất quan trọng để ngăn ngừa các áp lực trên các cơ quan khác, ví dụ như tim và não.
Về điều trị, những phương pháp điều trị bệnh phổi rất khó khăn và phức tạp, chủ yếu là sử dụng thuốc kháng sinh, rửa phổi hoặc thở oxy. Bệnh bụi phổi có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản mạn tính, suy hô hấp hoặc nhiễm khuẩn cấp tính phế quản phổi. Do đó, việc ngăn chặn cũng như bệnh trở nặng hơn là rất quan trọng.
Cần sử dụng bảo hộ khi làm việc để phòng ngừa bụi phổi
Người lao động thường xuyên tiếp xúc với bụi khoáng luôn luôn sử dụng các thiết bị bảo hộ như quần áo, kính mắt, khẩu trang chống bụi theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất.
Đặc biệt, người thường xuyên làm việc trong nhà máy, công trường chứa bụi silic cần:
- Đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ trong khi làm việc.
- Sử dụng phương pháp làm ướt để cắt, bào hoặc mài vật liệu.
- Tắm rửa và thay quần áo sau khi làm việc.
- Không ăn hoặc uống trong hoặc gần khu vực chứa bụi silic.
- Rửa tay và mặt trước khi ăn.
Đối với những người không làm việc trong môi trường chứa bụi silic, để ngăn ngừa bệnh cần thực hiện:
- Duy trì cân nặng với chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng.
- Vận động nhiều nhất có thể bằng cách tập thể dục thường xuyên, nhưng đừng quá gắng sức.
- Tránh tiếp xúc amiăng tại nhà: Nếu bạn đang sở hữu một ngôi nhà cũ nát sẽ rất nguy hiểm bởi chất amiăng trong các thiết bị nhà bạn không được an toàn có thể gây tăng nặng bệnh bụi phổi.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc.
Tính đến nay, đã có 14 công nhân của Công ty TNHH Châu Tiến ở Nghệ An bị nhiễm bụi phổi, các bệnh liên quan đến phổi, trong đó có 4 người đã tử vong.
Được biết, trước đây, công ty được cấp phép sản xuất bột đá với quy mô 40.000 tấn/năm và sản xuất bột bả tường 30.000 tấn/năm. Sau đó, được đầu tư thêm dòng sản phẩm chế biến bột đá vôi trắng siêu mịn với quy mô 180.000 tấn/năm và chế biến bột đá thạch anh – quartz với quy mô 150.000 tấn/năm. Nguyên liệu đầu vào là đá cuội silic.
Kết luận của đoàn kiểm tra đã chỉ ra nhiều sai phạm tại Công ty TNHH Châu Tiến. Đơn cử như phân xưởng nghiền có phát sinh tiếng ồn, người lao động sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động như quần áo, mũ và khẩu trang, nhưng chỉ đeo nhiều lớp khẩu trang vải không đúng quy định.
Công ty trang bị bảo hộ lao động cá nhân cho người lao động, tuy nhiên trang thiết bị bảo vệ cá nhân chưa đúng với ngành nghề sản xuất theo quy định.