Vụ 8 sinh viên ngộ độc rượu, 2 người tử vong: Lời cảnh tỉnh về rượu không rõ nguồn gốc

Vụ 8 sinh viên ngộ độc rượu, 2 người tử vong ngày 5/8 vừa qua lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng ngộ độc khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc.

Cảnh báo ngộ độc rượu methanol

Theo bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP Hồ Chí Minh), trong vụ 8 sinh viên ngộ độc rượu, 2 người tử vong, các xét nghiệm cho thấy các nạn nhân có nồng độ methanol trong máu rất cao.

Cụ thể trường hợp bệnh nhân L.Q.K (nam) lúc nhập viện tỉnh táo,than đau đầu, chóng măt. Kết quả kiểm tra nồng độ methanol trong máu 246.46 mg/dL. Sau đó bệnh nhân được lọc máu, điều trị nội khoa tại Khoa Hồi sức tich cực chống độc. Bệnh nhân T.T.G.M (nữ), nồng độ Methanol trong máu 123.98 mg/dL.

Thông tin bước đầu cho thấy, tất cả 8 trường hợp này đã uống đều uống rượu không rõ nguồn gốc dẫn đến tình trạng ngộ độc methanol.

Nạn nhân trong vụ 8 sinh viên ngộ độc rượu tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Nạn nhân trong vụ 8 sinh viên ngộ độc rượu tại phòng cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Trước đó, ngày 5/8, Bệnh viện Lê Văn Việt (TP. Thủ Đức, TP.HCM) đã tiếp nhận 3 sinh viên ngụ tại TP. Thủ Đức, nhập viện trong tình trạng ngộ độc Methanol. Trong số này, một bệnh nhân bị hôn mê sâu và tử vong sau 30 phút nhập viện, 2 bệnh nhân khác được chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu.

Liên tiếp trong mấy năm trở lại đây, trên cả nước đã ghi nhận hàng chục ca tử vong mỗi năm vì ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc. Gần đây nhất, ngày 25-7 cũng ghi nhận 2 ca tử vong do ngộ độc rượu tại Cà Mau. Cụ thể, bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cũng tiếp nhận bà N.T.L. (37 tuổi) và Đ.T.L. (44 tuổi, cùng ngụ tại xã Tân Hưng, huyện Cái Nước) nhập viện trong tình trạng rất nặng, bị mê man, mạch và huyết áp bằng 0, phải thở máy. Dù các bác sĩ rất tích cực cứu chữa, bù nước và lọc máu nhưng cả hai đã không qua khỏi. Hai nạn nhân sau đó được chẩn đoán ngộ độc rượu methanol.

Gần 300 triệu lít rượu thủ công mỗi năm chưa được kiểm soát

Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho biết, mỗi năm có tới gần 300 triệu lít rượu thủ công được tung ra thị trường với tình trạng không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng. Bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Trung ương tới địa phương, việc quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng rượu thủ công vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi, làm thất thu nguồn thuế rất lớn cho Nhà nước, làm tăng chi phí chăm sóc y tế cũng như thiệt hại về mặt tính mạng con người và tăng nguy cơ mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol đã đến mức “báo động”. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh khi đến viện đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não, nồng độ cồn methanol trong máu rất cao và đã có trường hợp tử vong. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo: về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.

Tuy nhiên, khoảng thời gian ngắn sau uống (sau 1-2 ngày), bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Chính vì thế, các bác sĩ cũng như các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, người dân hãy lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ bảo đảm, rõ ràng.

Ông Lê Trung Mạnh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đồ uống Mới - đơn vị sản xuất rượu Vodka Sói cho biết: Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại rượu trôi nổi, không rõ nguồn gốc được sản xuất từ hàng trăm, hàng nghìn “lò” sản xuất rượu thủ công. Những loại rượu này thậm chí không có nhãn mác, xuất xứ, không được kiểm định chất lượng bởi các cơ quan có thẩm quyền. Trong khi ruợu chính hãng do các nhà máy sản xuất phải tuân theo quy trình sản xuất nghiêm ngặt, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến lên men, chưng cất, pha rượu, đóng chai… Tất cả đều được sản xuất khép kín và kiểm soát chất lượng kỹ từng khâu. Quy trình này cho ra các sản phẩm rượu đã được loại bỏ các độc tố, đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Các sản phẩm này cũng được kiểm tra chất lượng thường xuyên bởi cơ quan y tế.

Không những thế, hiện nay trên thị trường tràn lan quảng cáo về “máy khử andehit” dùng cho gia đình hoặc các nhà hàng, quán ăn với quảng cáo: rượu qua máy lọc này sẽ khử được độc tố, giúp rượu uống êm say mà không bị đau đầu hay ngộ độc; được sử dụng cho các hộ gia đình nấu rượu truyền thống, các quán ăn, các nhà hàng, khách sạn và các hộ gia đình. Máy có thể lọc được các tạp chất, cặn vẩn đục trong rượu gạo, rượu ngô, rượu sắn; khử độc tố trong rượu mà không làm

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế hầu hết các loại máy này chưa được kiểm định bởi bất cứ một cơ quan chức năng nào. Chính vì thế, người tiêu dùng không nên tin theo lời quảng cáo mà mua sản phẩm và tin tưởng máy sẽ lọc được hết độc tố trong các loại rượu không rõ nguồn gốc!

Kiến nghị sớm xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về rượu

Bà Chu Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết: sau sự việc ngộ độc rượu xảy ra vào ngày 5/8 vừa qua tại TP. HCM, Hiệp hội nhận thấy việc nâng cao năng lực quản lý sản xuất kinh doanh rượu, đặc biệt khu vực đồ uống có cồn phi chính thức, rượu thủ công cần phải được đặc biệt quan tâm và công tác quản lý, tuyên truyền cần thực thi một cách đồng bộ hơn nữa.

Việc quản lý tốt khu vực đồ uống có cồn phi chính thức, rượu thủ công không chỉ giúp tăng nguồn thu thuế cho ngân sách, mà còn giúp tạo ra các sản phẩm rượu có chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cũng như tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, hấp dẫn cho các nhà sản xuất rượu chính thức ở Việt Nam.

Bên cạnh những biện pháp chính sách, Nhà nước cần xây dựng đồng bộ những biện pháp phi chính sách nhằm hỗ trợ quản lý khu vực đồ uống có cồn thủ công, như tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa của người sản xuất và tiêu dùng. Đặc biệt, nghiên cứu tích hợp các quy định kiểm soát rượu thủ công trong tiêu chí sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025;

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương sớm xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về rượu nói chung và rượu thủ công nói riêng để làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rượu thực hiện và cũng là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vi phạm.

Về phía nhà sản xuất, đại diện Công ty Công ty Cổ phần Đồ uống Mới cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cùng vào cuộc chấn chỉnh lại việc quản lý ngành cồn rượu, xiết chặt việc thực hiện các quy định của Nhà nước về sản xuất kinh doanh rượu, tăng chế tài xử phạt với các đơn vị, cá nhân vi phạm quy định về chất lượng. Và quan trọng nhất, việc quản lý nghiêm ngặt này phải được duy trì trong một thời gian dài và thường xuyên.

Methanol, thường được gọi là cồn công nghiệp, có công dụng làm sơn, dung môi... Chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Ngộ độc rượu từ ethanol thường nhẹ hơn, chỉ có các triệu chứng như say rượu nhưng ngộ độc rượu do methanol thì thường nặng hơn do bị pha cồn công nghiệp vào đồ uống.

Chính vì vậy để tránh tình trạng ngộ độc methanol thì không nên uống rượu bia không rõ nguồn gốc, khuyến cáo sử dụng các loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được cấp phép lưu hành.

Nguyễn Duyên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vu-8-sinh-vien-ngo-doc-ruou-2-nguoi-tu-vong-loi-canh-tinh-ve-ruou-khong-ro-nguon-goc-216477.html