Vụ Agribank Cần Thơ: Vì sao Tòa sơ thẩm tuyên cả 6 bị cáo không phạm tội?
Như DNVN đã thông tin, chiều 7/1/2022, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND TP Cần Thơ đã tuyên cả 6 bị cáo đều không phạm tội, trong vụ án hình sự 'Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng', xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ ).
Nội dung vụ án
Sáu bị cáo được tuyên vô tội gồm: Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (42 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam), Phạm Tường Thi (42 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến), Nguyễn Văn Đạt (39 tuổi, nhân viên Công ty TNHH Tân Tiến), Lê Thanh Hải (58 tuổi, nguyên Giám đốc Agribank Cần Thơ), Trần Huy Liệu (50 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Agribank Cần Thơ), Bùi Tuấn Anh (47 tuổi, nguyên Trưởng phòng Tín dụng Agribank Cần Thơ).
Theo cáo trạng, từ năm 2012 - 2015, Nhân, Hải, Liệu thống nhất sử dụng các pháp nhân là Công ty Tây Nam, Công ty Đồng Bằng Xanh, Công ty Nam bộ Cửu Long và cá nhân Phan Duy Phương, Hoàng Công Tám, Nguyễn Bửu Tâm lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để vay và sử dụng vốn sai mục đích, gây thiệt hại về tài sản cho Agribank Cần Thơ số tiền hơn 300 tỷ đồng.
Cáo trạng nêu rõ, trong giai đoạn làm thủ tục vay tiền, Nhân dùng khu đất có căn nhà làm siêu thị Citimart trên đường Nguyễn Trãi (Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ) để thế chấp. Tài sản này trị giá 104 tỷ đồng, nhưng được Hải, Liệu bàn bạc với Nhân nâng khống lên 333 tỷ đồng. Số tiền vay được từ gói vay hỗ trợ lãi suất 0%, Nhân sử dụng không đúng mục đích, không mua máy móc thiết bị mà gửi tiết kiệm ngược lại cho Agribank Cần Thơ gần 150 tỷ đồng, mua miếng đất trên đường Nguyễn Trãi gần 60 tỷ đồng, chi xài cá nhân trên 21 tỷ đồng, còn lại trả nợ gốc và lãi các khoản vay…
Vụ án trên được khởi tố vào năm 2016, đưa ra xét xử vào năm 2018 và nhiều lần tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Tháng 3/2021, Viện KSND TP Cần Thơ có văn bản gửi cho TAND TP Cần Thơ về việc kết quả điều tra bổ sung vụ án để trả lời 5 nội dung trong quyết định trả hồ sơ.
Viện KSND TP Cần Thơ cho rằng, những nội dung theo quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung của TAND TP Cần Thơ thì kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi nội dung truy tố theo cáo trạng ngày 9/7/2018. Do vậy, Viện KSND giữ nguyên quyết định truy tố các bị cáo theo cáo trạng trước đó.
Tại phần tuyên án của HĐXX vào chiều 7/1, đã nhận định, sau khi nêu các lập luận của luật sư bào chữa cho các bị cáo, viện dẫn ý kiến bị hại đã xác định, Kết luận của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự chỉ mang tính tham khảo vì không thực tế và không phản ánh giá trị thị trường, việc xét xử các bị cáo theo Điều 179, bộ luật Hình sự năm 1999 thì cần phải xác định thiệt hại, trong khi đến thời điểm hiện nay chưa xác định được thiệt hại. Việc xác định thiệt hại chỉ thực hiện được khi xử lý tài sản đảm bảo, tài sản hình thành từ vốn vay. Việc ngân hàng khởi kiện các bên ra tòa theo quy định pháp luật để đòi nợ theo các hợp đồng tín dụng là đúng quy định. Do vậy, Viện KSND truy tố các bị cáo theo Điều 179, bộ luật Hình sự năm 1999 là không có cơ sở. Từ đó, HĐXX đã tuyên 6 bị cáo liên quan đến vụ án đều không phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” như quy kết trong Cáo trạng của Viện kiểm sát.
Kết luận định giá của 6 Hội đồng định giá không có giá trị pháp lý (?!)
Điều đáng nói là nhận định của HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm chiều 7/1 cho rằng, Kết luận của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự của vụ án nầy chỉ mang tính tham khảo vì không thực tế và không phản ánh giá trị thị trường (?!) .
Được biết, để đãm báo khách quan của vụ án, Cơ quan tố tụng tại Cần Thơ đã nhiều lần trưng cầu đến 6 Hội đồng định giá của 5 tỉnh, thành phố và Hội đồng định giá Trung ương để định giá các tài sản liên quan trong vụ án, gồm: Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh và Hội đồng định giá Trung ương.
Còn về lý do vụ án kéo dài từ năm 2016 đến nay là do việc thực hiện trưng cầu định giá cuối cùng của Hội đồng định giá Trung ương mất khoảng gần 3 năm kể từ yêu cầu trả hố sơ để điều tra bổ sung từ các phiên tòa sơ thẩm.
Có lẽ, trong lịch sử tố tụng tại Cần Thơ chưa có vụ án nào mà toàn bộ Kết luận của 6 Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự đều bị bác bỏ dẫn đến việc vô tội của cả 6 bị cáo trong cùng vụ án. Đây là điều đặc biệt hy hữu, và cũng là cơ hội để nhìn nhận, đánh giá chất lượng định giá tài sản trong việc giải quyết các vụ án nói chung và các vụ án hình sự nói riêng.
Theo quy định, Kết luận định giá tài sản là một nguồn chứng cứ mới đượ̣c bổ sung vào Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015(BLTTHS), Kết luận định giá tài sản là văn bản do Hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu theo thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định. Người định giá tài sản nếu trốn tránh việc kết luận định giá tài sản, thẩm định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 383 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, ngày 7/3/ 2018 của Chính Phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cũng đã quy định rõ .
Như vậy, trong vụ án gây thiệt hại hơn 300 tỷ đồng tại Agribank Cần Thơ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã sử dụng các các kết quả của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự để làm căn cứ xác định thiệt hại và cũng sử dụng căn cứ này để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo. Vấn đề đặt ra là Hội đồng xét xử chỉ công nhận các chứng cứ là các thẩm định giá là có giá trị, còn các kết quả định giá của các Hội đồng định giá đều không có giá trị sử dụng làm chứng cứ. Tiếc là bản án không nêu ra được các vi phạm nào của Kết luận định giá để vận dụng điều 101 khoản 4 BLTTHS.
Từ vụ án này cho thấy, cần thực hiện hết sức cẩn trọng và đầy trách nhiệm của các thành viên Hội đồng định giá các cấp, chỉ cần sơ suất có thể đưa người không có tội trở thành người có tội và ngược lại như vụ án trên và bản thân thành viên Hội đồng định giá cũng là người phải chịu trách nhiệm khi vụ án được xác định oan sai.
Kết quả xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân TP Cần thơ đối với vụ án Agribank Cần Thơ vừa qua là lời cảnh tỉnh đối với các cơ quan có hoạt động bổ trợ tư pháp hiện nay.
Điều 15 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định :
Căn cứ định giá tài sản
Việc định giá tài sản không phải là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ sau:
a) Giá thị trường của tài sản;
b) Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định;
c) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;
d) Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có);
đ) Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.
“Điều 101 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định :.
Kết luận định giá tài sản
1. Kết luận định giá tài sản là văn bản do Hội đồng định giá tài sản lập để kết luận về giá của tài sản được yêu cầu
Hội đồng định giá tài sản kết luận giá của tài sản và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó.
2. Kết luận định giá tài sản phải có chữ ký của tất cả thành viên Hội đồng định giá tài sản.
Trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận.
3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tổ tụng không đồng ý với kết luận định giá tài sản thì phải nêu rõ lý do; nêu kết luận chưa rõ thì quyết định định giá lại theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật Tố tụng.
4. Kết luận định giá của Hội đồng định giá tài sản vi phạm quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật về định giá thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.”