Vụ AIC: Bộ Công an kiến nghị xử lý nhiều cựu quan chức, doanh nghiệp
Trong vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC gian lận thầu ở Dự án Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh, Bộ Công an kiến nghị cơ quan chức năng xem xét xử lý nhiều doanh nghiệp.
Trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, CQĐT Bộ Công an kết luận ở Dự án mua sắm trang thiết bị Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ninh, bằng các chiêu trò gian lận đấu thầu, nâng giá các thiết bị, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC và các bị can liên quan đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 50 tỉ đồng.
Làm rõ trách nhiệm cựu lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã lấy lời khai của ba nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh là ông Nguyễn Văn Đọc, ông Nguyễn Đức Long và Nguyễn Văn Thành; nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Vũ Thị Thu Thủy; nguyên giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Đức Lâm; Giám đốc Sở Y tế Vũ Xuân Diện.
Lời khai của những người này thể hiện, quá trình phê duyệt, điều chỉnh dự án ở giai đoạn 2 được các cơ quan chuyên môn đề xuất, thẩm định theo quy định và không làm tăng tổng mức đầu tư đã duyệt. Việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu thầu.
Vì vậy, cơ quan điều tra không có căn cứ xác định các cá nhân trên có sai phạm trong việc chỉ đạo cấp dưới thực hiện trái quy định, thông đồng với nhà thầu, công ty thẩm định giá; quan hệ riêng với các cá nhân của Công ty AIC, cũng như có yếu tố, động cơ vụ lợi nên không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, Bộ Công an kiến nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh xem xét, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong công tác quản lý nhà nước để xảy ra vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và hành chính.
Kiến nghị xử lý nhiều doanh nghiệp
Ngoài ra, CQĐT còn đưa ra nhiều kiến nghị khác trong lĩnh vực đấu thầu. Theo đó, CQĐT đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ về giá, điều chỉnh bổ sung quy định theo hướng công khai, niêm yết, kê khai giá thiết bị, hàng hóa để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể kiểm tra, giám sát, phát hiện việc nâng giá bất hợp lý.
Cần sửa đổi, bổ sung quy định đấu thầu cụ thể, chặt chẽ về năng lực tài chính (buộc sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán của doanh nghiệp gửi cơ quan thuế), năng lực kinh nghiệm (nhân sự gắn với các điều kiện cụ thể, hợp đồng tương tự phải đầy đủ hồ sơ, chứng từ kèm theo, các thông tin về năng lực được đăng tải trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, báo đấu thầu...) để đảm bảo các đơn vị tham dự thầu là những đơn vị có đủ điều kiện tham gia gói thầu, hạn chế việc sắp đặt “quân xanh” dự thầu.
Theo CQĐT, trong lĩnh vực thẩm định giá, cần sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các Công ty hành nghề thẩm định giá, gắn với quy định quản lý chặt kiểm tra, giám sát hồ sơ, kết quả định giá.
Đưa ra chế tài đủ sức răn đe, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong quy trình thẩm định giá. CQĐT cho rằng cần thiết có tội danh độc lập đối với hành vi sai phạm trong thẩm định giá.
CQĐT còn kiến nghị UBND Quảng Ninh xem xét xử lý các Công ty Mopha, Công ty Phúc Hưng, Công ty Công nghệ cao, Công ty Uy tín Toàn cầu, Công ty BVA, Công ty Nhất Minh và Công ty Thành An - Hà Nội.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính xem xét xử lý hành chính đối với Công ty định giá CIMEICO và Công ty Thẩm định giá Đông Nam: đình chỉ kinh doanh, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn và bị truy nã. Đây là vụ án thứ ba bà Nhàn liên quan.
Tháng 5-2022, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã phúc thẩm và y án 30 năm đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong vụ án gian lận thầu ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Giữa tháng 4-2023, bà Nhàn tiếp tục bị Bộ Công an khởi tố trong vụ án mua sắm trang thiết bị cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM.