Vụ Alibaba: Chân rết đa cấp huy động vốn thế nào?
Địa ốc Alibaba dùng tiền của người mua sau để trả lãi cho người mua trước, cứ như vậy một miếng đất có thể bán cho nhiều người.
Nhiều công ty, một người đứng
Theo hồ sơ, Công ty địa ốc Alibaba thành lập 22 pháp nhân, sử dụng người thân quen trong gia đình đứng tên đại diện pháp luật để kinh doanh bất động sản.
Khi khách hàng mua đất mà Công ty Alibaba rao bán, khách hàng sẽ được hướng dẫn ký Hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với công ty "chủ đầu tư dự án" (thực chất chỉ là công ty được cá nhân sử dụng đất ủy quyền làm các thủ tục liên quan đến việc phân lô tách thửa). Sau đó, khách hàng được tiếp tục hướng dẫn ký Hợp đồng quyền chọn, với phương án cơ bản là nhận lãi suất, không nhận đất.
Cả hai hợp đồng: “Hợp đồng thỏa thuận" và "Hợp đồng quyền chọn" khách hàng ký với 2 công ty khác nhau, nhưng người đại diện của cả hai công ty này là một.
Khách hàng cho công ty thuê lại đất với giá thuê 2%/tháng; công ty mua lại chênh lệch 30% sau 12 tháng hoặc mua lại chênh lệch 38% sau 15 tháng... Trong thời gian đó, công ty được toàn quyền sử dụng lô đất của khách cho mục đích kinh doanh.
Với những khách hàng mua đất chỉ nhận lãi, không nhận nền, công ty sẽ tiếp tục bán lần 2 cho khách hàng khác với giá bằng giá gốc cộng lãi suất phải trả cho khách hàng F1 và cộng thêm chi phí quản lý doanh nghiệp.
Tương tự như vậy, khách hàng F2 sẽ chọn nhận lãi không nhận đất thì lại được Công ty này bán tiếp cho F3. Với hình thức lấy tiền của người sau trả cho người trước, và nếu “lỡ” chưa bán cho được người F4 thì người F3 đừng hòng nhận lãi. Cũng có những trường hợp khách hàng sau khi mua đất phát hiện ra những dấu hiệu không minh bạch, đến để đòi tiền… và sau nhiều tháng vẫn chưa thể lấy lại tiền của mình.
Lượng khách hàng mua đất của Công ty Alibaba đã lên tới 6.700 người
Cụ thể là trường hợp của bà Làm A Lìn (Đồng Nai) khi mua đất nền do Alibaba rao bán tại dự án Alibaba Center City 5 tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Bà được hướng dẫn ký một "Hợp đồng quyền chọn" với Công ty địa ốc Alibaba (được gọi là bên quyền chọn) do ông Trang Chí Linh, phó tổng pháp lý ký. Sau đó Công ty Alibaba tiếp tục hướng dẫn bà Lìn ký "Hợp đồng thỏa thuận" chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ Công ty ty CP địa ốc Chiến Thắng cũng do ông Trang Chí Linh phó tổng pháp lý ký.
Nghĩa là trong "Hợp đồng thỏa thuận" và "Hợp đồng quyền chọn" với khách hàng đều do một mình ông Trang Chí Linh ký. Công ty Chiến Thắng và Công ty Alibaba cũng là hai trong một. Với hình thức trên, Công ty địa ốc Alibaba hình thành nhóm các công ty từ đó huy động vốn của khách hàng thông qua những cam kết ảo.
Thực chất đây là hình thức kinh doanh đa cấp thông qua các hợp đồng thỏa thuận chuyển quyền sử dụng đất… nhưng không có sản phẩm thực tế và theo các luật sư có dấu hiệu của các tội “Trốn thuế”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai”.
Cố tình chiếm đoạt tài sản
Thực chất, hệ thống Công ty Alibaba biết rõ quy hoạch các khu đất này không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, không được cơ quan có chức năng thẩm quyền thỏa thuận địa điểm, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, giao đất thực hiện dự án.
Tuy nhiên, Công ty địa ốc Alibaba vẫn ngang nhiên ký kết Hợp đồng với khách hàng cam kết bàn giao nền đất khi đã hoàn tất thi công hạ tầng (điện, đèn đường) và bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích đất thổ cư cho khách hàng với thời gian từ 6 đến 12 tháng đồng thời cam kết thu mua lại.
Khách hàng cung cấp toàn bộ giấy nộp tiền cho Alibaba và hồ sơ mua đất
Vậy Alibaba thực hiện việc này thế nào?
Theo luật sư Trần Minh Cường, đoàn luật sư TP.HCM, nhóm các công ty Alibaba không tuân theo bất kỳ quy định nào để thực hiện dự án… Như vậy có thể khẳng định các “dự án” của Công ty Alibaba chắc chắn không thể hoàn tất thủ tục để bàn giao nền đất (với hạ tầng hoàn thiện được cơ quan chức năng cấp phép) cũng như bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở - thổ cư cho khách hàng theo thỏa thuận. Công ty Alibaba tạo thành một hệ thống chân rết bao quanh nhằm đưa khách hàng vào “tròng”.
Với cam kết “ảo” về lợi nhuận khủng làm cho khách hàng tin rằng đây là “dự án” có thật, là đất thổ cư là dấu hiệu lửa đảo, nhằm “thuyết phục” khách hàng “xuống tiền”.
Khi đến hạn trả gốc và lãi suất theo thỏa thuận, hệ thống các công ty Alibaba tiến hành chi trả lãi suất quyền chọn hoặc cố tình kéo dài không thanh toán, việc lấy lại số tiền gốc thực đóng của nhà đầu tư rất khó khăn và hướng khách hàng qua “tái đầu tư” dự án khác mà không cho khách hàng rút toàn bộ vốn ra. Điều đó cho thấy có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản.
Công an TP.HCM kê sẵn bàn ghế cho khách hàng đến để phản ánh thông tin liên quan đến việc mua đất tại các dự án "ma" của Alibaba